Bám trụ hơn 4 tháng để chăm lo đoàn viên, người lao động
Đã hơn hai năm qua, nhiều công nhân, NLĐ trên địa bàn Quận 7, TPHCM vẫn nhớ về Chủ tịch LĐLĐ Quận 7 Võ Khắc Bình - người đã bám trụ hơn 4 tháng tại trụ sở, không về nhà để chăm lo cho đoàn viên, NLĐ trong thời điểm vô cùng khó khăn khi dịch bệnh bùng phát.
Bản thân ông Bình khi nhớ lại cũng không khỏi bồi hồi: “Cuối tháng 5.2021, khi dịch bệnh bùng phát tôi đã tạm biệt mẹ già 73 tuổi, 2 con thơ và vợ để vào trụ sở cơ quan làm việc lâu dài, nhưng thực sự không ngờ dịch bệnh lại kéo dài và gây tác hại lớn đến thế...”.
Nhờ thực tế, ông Bình đã có sáng kiến thành lập “Đội tiếp ứng thực phẩm tận nhà” gồm khoảng 80 tình nguyện viên của LĐLĐ Quận 7 phối hợp với Ban Chỉ huy quân sự quận chia thành các tốp: Nhận hàng; bốc xếp và chia quà thành các phần; vận chuyển và đi phát quà; tốp cấp cứu ôxy cho bệnh nhân và tốp chuyên phát thuốc cho các F0. Hơn 4 tháng liên tục, ông Bình đã bám trụ ở lại trụ sở LĐLĐ Quận 7 cùng với các tình nguyện viên chăm lo cho đoàn viên, NLĐ. Chính nhờ sự dấn thân này, hàng nghìn công nhân (CN), đoàn viên, NLĐ đang ở trên địa bàn Quận 7 đã vượt qua được khó khăn khi đó.
“Chỉ có tình nghĩa Công đoàn mới giúp được người lao động thế này”
Ông Lưu Kim Hồng - Chủ tịch CĐ Công ty Nidec Việt Nam (Khu công nghệ cao TPHCM) - nhớ lại: Khi đó có nhiều NLĐ rất khó khăn, do tiền lương lúc bình thường cũng chỉ đủ chi tiêu, không có tích lũy, nên khi phải nghỉ việc dài ngày vì dịch bệnh bùng phát thì cuộc sống trở nên túng thiếu, nhất là với NLĐ đang có con nhỏ lại phải thuê ở trọ. Ngoài việc đề xuất với công ty chính sách chăm lo cho NLĐ, các cán bộ CĐ cũng tận dụng các mối quan hệ để vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ cho CN.
"Từ vận động của chúng tôi, một nhà hảo tâm đã hỗ trợ 7 triệu đồng cho chị Hồ Thị Thương, CN của công ty, có chồng là thợ hồ đã phải nghỉ việc nhiều ngày, không có thu nhập lại đang nuôi con nhỏ và phải đi ở thuê. Tiền thì đã có, nhưng việc tiếp cận được chị Thương để trao cũng là một khó khăn vì khi đó hầu hết các tuyến đường đi lại của TPHCM đều được chốt chặn để phòng chống dịch lây lan. Rồi bằng nhiều cách khác nhau, chúng tôi cũng hẹn được vợ chồng chị Thương ở chốt chặn kiểm soát phòng dịch để trao quà. Nhận được khoản tiền hỗ trợ khá lớn vào thời điểm đó, vợ chồng chị Thương đều xúc động nói: “Chỉ có tình nghĩa của cán bộ Công đoàn tận tâm, tận tụy với NLĐ mới giúp đỡ được gia đình tôi thế này”" - ông Hồng kể.
Bà Trần Thị Hồng Vân - Chủ tịch CĐ Công ty Nissei Electric Việt Nam - cho biết, thời điểm đó doanh nghiệp phải chi phí lớn để duy trì sản xuất, còn CN nhiều người rất khó khăn vì phải nghỉ việc nhiều ngày. Các cán bộ CĐCS của công ty đã liên tục cập nhật tình hình NLĐ ở khu vực mình phụ trách, báo cáo kịp thời những trường hợp gặp khó khăn, đang nuôi con nhỏ, mang thai, bị thiếu thốn lương thực... Qua đó đã kịp thời dùng tài chính công đoàn và vận động các nhà hảo tâm thăm hỏi, động viên, tặng quà cho những trường hợp khó khăn.
Ngoài ra, CĐCS đã liên tục họp online với ban giám đốc công ty và kiến nghị nhiều giải pháp chăm lo cho NLĐ như: phát khẩu trang 2 cái/ngày, lắp đặt thêm nhà tắm, nhà vệ sinh, vòi nước, mua thêm quạt, chiếu, dụng cụ vệ sinh thiết yếu, bổ sung thêm khẩu phần ăn sáng, trưa, tối, bổ sung thực phẩm tăng cường đề kháng: rau xanh, viên sủi C, xúc xích, thuê xe đưa đón công nhân… làm việc “một cung đường, hai địa điểm”; CN phải nghỉ việc dài ngày vẫn được hưởng 75% lương cơ bản; tăng lương cơ bản thêm 200.000 đồng/người/tháng, áp dụng ngay thời điểm dịch bùng phát mạnh (tháng 6.2021).
“Nhờ những hoạt động đó mà nhiều NLĐ và cả ban giám đốc đều tin tưởng ở tổ chức Công đoàn hơn”, bà Vân tự hào nói.