Như vậy, nghề này đã trở thành nghề nguy hiểm vì thường xuyên giáp mặt với các phương tiện giao thông, rất dễ trở thành nạn nhân của các vụ tai nạn.
Liên tiếp các vụ công nhân vệ sinh bị tai nạn
Cụ thể, vào khoảng 6h25 ngày 6.7, một xe taxi đã đâm nữ lao công ở trước ngõ 83 đường Phúc Lợi (phường Phúc Lợi, Q.Long Biên, Hà Nội), khiến nạn nhân tử vong tại chỗ. Danh tính người bị nạn là chị Nguyễn B (SN 1968, trú tại Đặng Xá, Gia Lâm). Ngay sau khi gây ra vụ tai nạn, lái xe bỏ đi. Trong khi đó, vỉa hè ở hiện trường có ghi rõ biển số của chiếc taxi.
Được biết, tài xế taxi Nguyễn Duy Tình (35 tuổi, trú huyện Gia Lâm) đã đến trình diện tại Công an phường Phúc Lợi. Sau đó, trong chiều cùng ngày, gia đình anh Nguyễn Duy Tình cũng đến xin lỗi gia đình nạn nhân và thắp nén nhang tiễn đưa người nữ công nhân đoản mệnh.
Trước đó, vào đêm 22.4, tài xế Đỗ Xuân Tuyên (SN 1970, trú tại phường Ngọc Khánh, Q.Ba Đình, TP.Hà Nội) trong tình trạng say xỉn điều khiển ôtô lưu thông trên đường Vĩnh Hồ (phường Thịnh Quang, Q.Đống Đa) và xảy ra va chạm với 5 xe máy. Không dừng lại để giải quyết hậu quả, người này chạy xe ra đường Láng. Khi đến trước cửa số nhà 220 đường Láng, xe đâm trúng chị Lê Thị Thu Hà (SN 1977) - công nhân vệ sinh môi trường đang thu gom rác khiến chị tử vong tại chỗ.
Vụ việc đã khiến rất nhiều công nhân vệ sinh môi trường cảm thấy lo lắng và bất an khi làm việc trên đường. Bởi lẽ do đặc thù công việc, những người công nhân dọn dẹp vệ sinh đường phố thường làm việc theo ca, bắt đầu hoạt động từ tối cho đến sáng sớm hôm sau. Đây cũng là khoảng thời gian tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, gây nguy hiểm cho các công nhân vệ sinh.
Đảm bảo an toàn cho công nhân vệ sinh ra sao?
Nói về việc xảy ra liên tiếp các vụ công nhân vệ sinh bị tai nạn, ông Nguyễn Mạnh Tuyên - Phó Trưởng phòng Tổ chức lao động, Cty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội - cho biết, trong 3 tháng đầu năm 2019, Cty xảy ra 4 vụ tai nạn lao động. Về nguyên nhân khách quan, ông Tuyên cho rằng, do cơ sở hạ tầng đường phố chật hẹp, lượng người tham gia giao thông rất đông. Bên cạnh đó, ý thức của người tham gia giao thông chưa tốt như đi ngược chiều, điều khiển xe quá tốc độ nên đã dẫn đến những vụ tai nạn đáng tiếc trong thời gian vừa qua.
Còn về nguyên nhân chủ quan, ông Tuyên phân tích, do người công nhân không sử dụng trang bị bảo hộ lao động đầy đủ, làm không đúng quy trình bảo hộ của Cty nên có thể dẫn đến tai nạn lao động.
Ngoài ra, ông Nguyễn Mạnh Tuyên cho hay, thời gian qua, Cty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội luôn đảm bảo nghiêm ngặt quy trình an toàn lao động cho các công nhân. Theo đó, người lao động có trách nhiệm phòng ngừa tai nạn lao động, bảo vệ mình, bảo quản tốt công cụ lao động được trang bị. Khi lao động, công nhân cần tuân thủ quy định: Đội mũ bảo hộ, đeo khẩu trang, đeo găng tay bảo hộ, mặc quần áo bảo hộ, đi giày bảo hộ. Người lao động khi làm việc ban đêm phải mặc áo có phản quang để người tham gia giao thông dễ phát hiện và chủ động tránh. Bên cạnh đó, người lao động chủ động đặt chóp phản quang tại khu vực làm việc, gần ngã ba, tầm rẽ hoặc khu vực khuất tầm nhìn của các phương tiện tham gia giao thông.
Cũng theo đại diện Cty Môi trường Đô thị Hà Nội, đơn vị đã trang bị cho người lao động phương tiện cá nhân bảo vệ đúng tiêu chuẩn về chất lượng, quy cách và phải kiểm tra định kỳ để đánh giá chất lượng của phương tiện đó.
Ngoài việc tăng cường trang bị bảo hộ lao động, mỗi năm, Cty tổ chức lớp tập huấn hướng dẫn kỹ năng xử lý khi có tình huống bất ngờ xảy ra cho công nhân. Sau các chương trình tập huấn, tất cả công nhân phải trải qua kỳ thi sát hạch lại những kiến thức đã được hướng dẫn, khi nhận được giấy chứng nhận an toàn lao động, công nhân mới có thể bắt đầu công việc.
Cũng trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Anh Thơ - Phó Cục trưởng Cục An toàn lao động (Bộ LĐTBXH) - cho biết, công nhân vệ sinh môi trường được xếp vào danh mục công việc độc hại, nguy hiểm. Người lao động được trang bị những thiết bị bảo hộ cá nhân, đảm bảo an toàn khi làm việc trong khu đô thị. Khi làm việc vào ban đêm đều có những yêu cầu nghiêm ngặt như trước khi bắt đầu công việc, công nhân phải chuẩn bị đầy đủ đèn hiệu, mũ bảo hộ, áo dạ quang, găng tay, khẩu trang. Bên cạnh đó, các Cty vệ sinh môi trường có trách nhiệm trang bị và hướng dẫn người lao động sử dụng công cụ lao động đúng cách, đảm bảo an toàn.