Cuộc thi “Viết về người lao động - viết cho người lao động”:

Cả tuổi thanh xuân tình nguyện vá đường

TRẦN ĐÌNH PHƯỢNG |

Rong ruổi vá đường khắp nơi, nhưng không lấy một đồng tiền công nào, tấm lòng của Trung và anh em trong đội thật thơm thảo đó nghen. Mong sao, ngày càng có nhiều người trẻ thiện nguyện vì cộng đồng như thế thì cuộc sống này sẽ đẹp đẽ biết bao.

Trần Minh Trung, 34 tuổi, cao ráo, đẹp trai, nhanh nhẹn và hoạt bát, là con út trong một gia đình 4 người con có cha mẹ già, nhưng anh chưa muốn cưới vợ, bởi… đường xấu xung quanh anh vẫn còn nhiều quá, gây ra nhiều vụ tai nạn giao thông thương tâm, khiến anh day dứt hoài dù sau hơn 10 năm anh và đội vá đường tình nguyện 30 người - hầu hết là những người trẻ tuổi - của mình đi dặm vá nhiều nơi.

Thanh nam châm thu hút người trẻ

Hơn 10 năm trước, ở tuổi 22, việc tận mắt chứng kiến một cụ ông té ngã trên cù lao Tân Lộc quê nhà dẫn tới chấn thương sọ não, rồi bị liệt nửa người đã thôi thúc Trung tự mình mua ximăng, cát sỏi đi vá lại đoạn đường bị hư hỏng đó. Rồi anh hì hục đi đào đất thuê cả tháng trời được vài triệu đồng về giao hết cho mẹ, khi cần để vá đường anh lại xin lại mẹ…

Sau đó, anh bán 2 con bò thịt nhà nuôi - tài sản lớn của gia đình - mua nhựa đường để chất lượng vá đường tốt hơn. Dù nhà còn thiếu thốn đủ thứ, nhưng các thành viên trong gia đình đều hết mực ủng hộ Minh Trung nên mỗi khi cần tiền vá đường, anh lại bán cả thỏ, dê…

Thế là từ đó vài người rồi đến hàng chục người, đa phần là người trẻ tuổi, gia nhập đội vá đường tình nguyện trên cù lao Tân Lộc do Trung làm đội trưởng cho đến nay.

Nguyễn Chí Linh, 16 tuổi - thành viên ít tuổi nhất đội vá đường của Trung - cho biết: “Ngoài giờ học, em rất thích đi vá đường với anh Trung, với mọi người. Ba mẹ em cũng hết lòng động viên, khuyến khích em làm việc vì cộng đồng này”.

Với sự giúp đỡ của bà con, đồ nghề của đội cũng ngày được sắm sửa nhiều hơn, từ máy soi nọc cầu, cối trộn hồ đến máy đầm, xe ba gác...và Trung thì tự mày mò, học hỏi kỹ thuật xây dựng cơ bản. Người dân ở đây gom tiền mua vật liệu, còn đội của Trung thi công miễn phí. Cũng không ít lần, các thành viên trong đội của Trung tự góp tiền mua vật liệu để vá đường.

Bà Nguyễn Thị Thu Ba (ngụ phường Tân Lộc) nói: “Rong ruổi đi vá đường khắp nơi, nhưng không lấy một đồng tiền công nào, tấm lòng của Trung và anh em trong đội thật thơm thảo đó nghen. Mong sao, ngày càng có nhiều người thiện nguyện vì cộng đồng như thế thì cuộc sống này sẽ đẹp đẽ biết bao”.

Thăm nhà Trung mới đây, cũng là “trụ sở” của đội vá đường, sửa cầu tình nguyện ở phường Tân Lộc, quận Thốt Nốt, TP.Cần Thơ - một cù lao xanh tươi, trù phú của đất Tây Đô giữa lòng sông Hậu hiền hòa, chỉ tấm hình mới treo trên tường, Trung giới thiệu: “Nhiều tuổi nhất trong đội vá đường tình nguyện 30 thành viên của em là cụ Lê Văn Năm, 86 tuổi.

Tham gia đội có 8 học sinh lớp 10, 11 ngoài giờ học theo các anh đi vá đường và con số này tăng khoảng gấp đôi vào mỗi dịp hè. Mấy năm trước, mấy anh bộ đội trẻ tuổi về phép cũng tham gia.

Còn lại là nông dân đa phần cũng còn rất trẻ. Những người trẻ này tha thiết xin vào đội và làm việc rất hăng say. Sắp tới, em sẽ mở rộng đội vá đường cho nhiều thanh niên trên cù lao muốn tham gia nữa”.

Gia đình Trung nghèo, không có đất, chỉ sinh nhai bằng chăn nuôi bò, thỏ, gà, dê…, thế nhưng trên cù lao không ít gia đình có con gái đến tuổi cập kê muốn gả cho Trung. Trung dong dỏng cao, gương mặt điển trai, phúc hậu và có nụ cười “đốn tim” các cô gái xứ cù lao. Khi tôi hỏi chừng nào cưới vợ, Trung cười xòa: “Thời gian qua, em quên… cưới vợ rồi!

Khi nào làm được nhiều cái có ích cho xã hội mới tính đến chuyện cưới vợ, anh ơi. Trước mắt, em và anh em trong đội quyết tâm càng vá được nhiều đường để bà con đi lại an toàn càng tốt”... Thấy Trung và đội làm việc cực nhọc, một số bà con mang tiền đến cho để bồi dưỡng, nhưng Trung và anh em từ chối. Nếu từ chối không được, Trung dành cả vào vá đường. ..

Sẽ mở rộng vá đường tình nguyện ra khắp ĐBSCL

Đến nay, không chỉ vá đường, đội vá đường tình nguyện của Trung đã xây dựng, nong, sửa chữa 60 cây cầu lớn nhỏ trên cù lao Tân Lộc. Khi vận động được các nhà hảo tâm đóng góp, Trung xin chính quyền trên cù lao Tân Lộc cho phép mở rộng hệ thống cầu, đường nông thôn từ 2-3m lên 4-5m.

Và đội của Trung thi công miễn phí những công trình này như những công nhân thực thụ vậy… Ông Nguyễn Văn Nam trên cù lao Tân Lộc - một thợ xây kỳ cựu - khen ngợi: “Đội của Trung sửa cầu khéo lắm, làm vừa chắc chắn vừa đẹp, không chê vào đâu được”.

Trung chỉ mới học đến lớp 6 rồi nghỉ giữa chừng để cắt cỏ chăm bò thịt bán nuôi sống gia đình. 19 tuổi, Trung tham gia bắc cầu, làm đường từ thiện ở một số nơi; năm 21 tuổi, Trung bắt đầu một mình vá các tuyến lộ trên cù lao Tân Lộc cho đến nay. Hơn 10 năm qua, anh ăn chay trường cũng một phần để tiết kiệm tiền lo vá đường. Trung rất khỏe mạnh, hầu như không biết ốm đau là gì.

Anh luôn động viên cha, mẹ: “Cha mẹ còn sức mà. Hãy cố lên! Con muốn tập trung vá lộ để mọi người đi lại an toàn hơn, không còn xảy ra những thảm cảnh”. Và thế là hơn 10 năm qua, Minh Trung hầu như chỉ biết dồn sức vào vá đường như thể anh và anh em trong đội được trả lương cho việc ấy! Ngoài thời gian vá đường, cứ rảnh là Trung chạy xe máy nhiều nơi để phát hiện ổ gà, ổ voi trên đường để lên kế hoạch vá nhanh nhất có thể.

Đi làm ở các tỉnh, người dân cho mấy triệu đồng cho mỗi đợt làm thiện nguyện, Trung được anh em tín nhiệm giao giữ lấy để xuống trung tâm TP.Cần Thơ mua nhựa đường về đi vá những cung đường khác không chỉ ở cù lao Tân Lộc quê nhà, mà còn mở rộng ra toàn quận Thốt Nốt, TP.Cần Thơ.

Cũng có nhiều mạnh thường quân cảm mến đội của Trung, đem tiền triệu đến cho. Trung đem tất cả mua nhựa, đá vá đường. Hầu như đến làm ở nơi nào bà con cũng rủ nhau nấu cơm cho đội của Trung ăn.

Trung và đội đang vá và bảo dưỡng đường nhiều nhất ở cù lao Tân Lộc quê nhà anh với tổng chiều dài hơn 30km. Và đội anh còn mở rộng vá đường sang hai tỉnh An Giang và Đồng Tháp. Ở đâu cũng vậy, người dân chịu khổ vì đường đi lại xuống cấp nên gọi điện thoại đến “đường dây nóng” cho đội của Trung.

Và chỉ cần biết được tin là Trung thu xếp đến vá đường ngay. Hôm gặp mới đây, Trung nói với tôi từng lời chậm rãi như hứa: “Tới đây, em sẽ mở rộng vá đường ra khắp các tỉnh, thành ĐBSCL. Đây cũng là cách khơi dậy tinh thần thiện nguyện của người trẻ trong vùng vậy”.

Ông Lê Văn Năm, 86 tuổi (ngụ khu vực Phước Lộc, phường Tân Lộc - thành viên cao tuổi nhất trong đội) cho biết: “Gần 8 năm trước, thấy cháu Trung làm quá hay, tui quyết định tham gia cùng đội và tích cực gắn bó cho tới nay. Tôi tranh thủ bóc vỏ tràm cho người ta lấy tiền cho Trung và đội đi vá đường”.

Mọi người trong đội kể dù đi vá đường xa ngoại tỉnh, nhưng ông Lê Văn Năm ít khi vắng mặt. Ông đốt nhựa đường, rải nhựa, sửa cầu, vác đất… cứ như thanh niên.

Hầu hết các thành viên trong đội vá đường của Trung hoàn cảnh gia đình chỉ đủ ăn, nhưng ai cũng hăng hái theo Trung làm điều thiện nguyện.

Anh Hoàng Hữu Nam, 47 tuổi, người đầu tiên theo Trung vá đường, cho biết: “Niềm vui của người dân khi được đi lại trên những cung đường được dặm vá thôi thúc tôi và mọi người cố gắng vượt qua những khó khăn trong cuộc sống để gắn bó với đội hơn 10 năm rồi. Tôi chỉ mong sao mình có đủ sức khỏe để tiếp tục đi vá đường xa hơn”.

Bà Ba Huy - mẹ của Trung - thời gian đầu thì luôn rầy la con trai không chịu cưới vợ, không tập trung làm ăn, bây giờ rất phấn khởi, ủng hộ công việc của Trung. Bà Ba Huy cười vui nói: “Việc làm của Trung và cả đội vá đường tình nguyện được người dân, chính quyền khen ngợi nên khiến tôi rất vui. Và bây giờ tôi thấy quyết định của con trai là đúng nên ủng hộ 
hết mình”.

Mời bạn đọc tham gia cuộc thi “Viết về người lao động - viết cho người lao động”

Báo Lao Động mời bạn đọc tham gia cuộc thi “VIẾT VỀ NGƯỜI LAO ĐỘNG - VIẾT CHO NGƯỜI LAO ĐỘNG”

Đối với các ấn phẩm trên báo in Báo Lao Động

- Tác phẩm dự thi phải bảo đảm tính chân thực, khách quan, kịp thời. Mỗi tác phẩm không quá 1.700 chữ và ít nhất 1 ảnh, khuyến khích tác phẩm gửi kèm nhiều ảnh.

- Tác phẩm dự thi ngoài bút danh (nếu có) phải ghi rõ họ tên, địa chỉ, số điện thoại liên hệ, thư điện tử (email) của tác giả.

- Tác phẩm dự thi gửi qua email hay đường bưu điện phải ghi rõ: Bài dự thi cuộc thi viết “VIẾT VỀ NGƯỜI LAO ĐỘNG - VIẾT CHO NGƯỜI LAO ĐỘNG”.

- Ban Tổ chức không hoàn trả tác phẩm dự thi.

Đối với tác phẩm video:

- Tác phẩm dự thi có thời lượng không quá 5 phút.

- Ngoài bút danh (nếu có) phải ghi rõ họ tên, địa chỉ, số điện thoại liên hệ, hòm thư điện tử (email) của tác giả.

- Tác phẩm tham dự cuộc thi gửi về: Ban TKTS, Báo Lao Động, số 6 phố Phạm Văn Bạch, P.Yên Hòa, Q.Cầu Giấy, Hà Nội.

(Bì thư ghi rõ: Tham gia Cuộc thi

Thư điện tử theo địa chỉ: thivietvelaodong@laodong.com.vn

Kính mời bạn đọc cả nước tham gia.

BBT BÁO LAO ĐỘNG

TRẦN ĐÌNH PHƯỢNG
TIN LIÊN QUAN

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có nhiều giải pháp hỗ trợ người lao động mất việc

PHƯƠNG NGÂN - CHÂN PHÚC |

TPHCM - Tại LĐLĐ quận Bình Thạnh, sáng ngày 17.1, ông Trần Thanh Hải - Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam đã đến thăm, động viên và trao quà Tết cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn đang làm việc trên địa bàn. Đồng thời, ông Trần Thanh Hải cũng đã thông tin một số giải pháp nhằm hỗ trợ người lao động bị mất việc, giảm việc.

Ông Park Hang-seo dặn dò cầu thủ tuyển Việt Nam trong ngày chia tay

AN NGUYÊN |

Kết thúc AFF Cup 2022, huấn luyện viên Park Hang-seo đã nói lời cuối cùng trên cương vị huấn luyện viên trưởng và bày tỏ tình cảm của mình với các cầu thủ tuyển Việt Nam.

Rung lắc thượng tầng tại Eximbank: Thập kỷ rối ren chưa kết thúc

Đức Mạnh |

Cơ cấu thượng tầng tại Ngân hàng Eximbank đã có nhiều biến động mạnh. Cổ đông ngoại gắn bó 16 năm đã chuyển nhà, thế chân bởi nhân tố bí ẩn liên quan đến Tập đoàn Bamboo Capital.

Cha đẻ của mèo AI mà cư dân mạng nhầm tưởng ở Ninh Thuận lên tiếng

Hữu Long |

Nguyễn Lê Thái Nguyên vẽ mèo Tết bằng công nghệ AI rồi chia sẻ lên trang cá nhân. Những hình ảnh tuyệt đẹp về mèo nhận được vô số lời khen từ nhiều người bạn. Có không ít người đến nay vẫn nhầm lẫn đây là mèo Tết có nguồn gốc từ Ninh Thuận.

Cận Tết, showroom xe ôtô cũ chấp nhận bán hòa, cắt lỗ để thu hồi vốn

LÂM ANH |

Cuối năm thường là mùa thu hoạch của thị trường xe ôtô cũ nhưng năm nay điều này đã không đến bởi việc ngân hàng siết cho vay, lãi suất cao đã khiến lượng khách hàng giảm đi đáng kể. Những ngày cuối cùng trước khi nghỉ Tết, chủ showroom chấp nhận bán hòa vốn hay thậm chí, bán cắt lỗ để thu hồi vốn trước Tết.

Xu hướng công khai tiền lương ở Mỹ: Ai sẽ được hưởng lợi?

Thanh Hà |

Luật thanh toán minh bạch ở Mỹ góp phần giảm chênh lệch tiền lương.

3 phim Việt ra rạp đúng mùng 1 Tết: Tác phẩm nào có khả năng thắng thế?

Chí Long |

3 phim điện ảnh Việt đồng loạt ra mắt đúng mùng 1 Tết Quý Mão 2023 là Chị chị em em 2, Siêu lừa gặp siêu lầyNhà bà Nữ.

Bi hài chuyện người già online: Suýt bị lừa gần 300 triệu đồng

BẠN ĐỌC NGUYỄN MINH ÚT |

Tôi nhận được một tin nhắn trên Facebook với nội dung vô cùng phấn khởi: “Xin chúc mừng tài khoản của bạn đã may mắn nhận được giải nhất từ sự kiện tuần lễ tri ân khách hàng năm 2022… Phần quà giải nhất của chị gồm: 1 xe máy Honda SH 150i; 1 phiếu quà tặng trị giá 200 triệu đồng tiền mặt… do tập đoàn Facebook tổ chức bình chọn…”.