"Còn sức khoẻ, được làm việc là sướng"
Sau gần 30 năm công tác và giữ vị trí quản lý tại Trung tâm Y tế thành phố Nam Định, ông Nguyễn Viết Chính (sinh năm 1960) được cơ quan cho nghỉ hưu năm 2020.
Chỉ mấy tháng sau khi nghỉ công tác, ông Chính được một công ty trong lĩnh vực may mặc với hàng nghìn công nhân mời về làm việc. Từ đó đến nay, ông Chính đảm nhiệm công việc chuyên môn về y tế ở công ty này. Hàng ngày, ông ra khỏi nhà trên chiếc xe máy từ lúc sáng sớm và trở về nhà lúc tối muộn để tiếp tục công việc của một người đã ngoài 63 tuổi.
“Dù đã được nghỉ hưu nhưng tôi thấy vẫn còn sức khoẻ, chuyên môn để làm việc và tiếp tục cống hiến sức lực lao động của mình. Sau nghỉ hưu, tôi được mời làm việc cho một công ty tư nhân và được giao phụ trách lĩnh vực y tế của đơn vị” - ông Chính nói bằng giọng đầy hào sảng rằng, “còn sức khoẻ, được làm việc là sướng, đó chính là thấy mình có ích, được cống hiến".
Ông Chính chỉ là một trong số rất nhiều người cao tuổi (theo Luật Người cao tuổi) tiếp tục làm việc sau quá trình dài công tác trong các cơ quan nhà nước.

Thống kê của Hội người cao tuổi Việt Nam cho hay, tính đến cuối năm 2022, Việt Nam có khoảng 14,4 triệu người sau độ tuổi nghỉ hưu. Trong số đó, nhiều người cao tuổi vẫn tiếp tục quá trình công việc ở nhiều vị trí khác nhau, đóng góp chung vào sự phát triển của đất nước. Nhiều người cao tuổi là những tấm gương “tuổi cao - gương sáng” có sức lan toả.
Nhiều vị trí việc làm phù hợp với người cao tuổi
Trao đổi với Lao Động, ông Lê Quang Trung - nguyên Phó Cục trưởng phụ trách Cục Việc làm, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội - cho hay, theo các khảo sát ông từng nghiên cứu, có khoảng 50-60% người cao tuổi vẫn có đủ sức khoẻ và nhu cầu việc làm, trong đó khoảng 30% người cao tuổi sống bằng nguồn thu chính từ việc lao động hàng ngày.
Theo đó, nhiều người cao tuổi (từ 60 tuổi trở lên) vẫn có sức khoẻ tốt, có kinh nghiệm, có kiến thức chuyên môn và vẫn có những mong muốn đóng góp cho gia đình, xã hội qua làm việc.
“Nhiều người qua tuổi 60, đã bước sang “màn 2 cuộc đời” nhưng vẫn có mong muốn cống hiến, khát khao làm việc. Thực tế có nhiều doanh nghiệp cũng có nhiều vị trí việc làm dành cho người cao tuổi để tuyển được đối tượng này vào làm việc. Đặc biệt là những người cao tuổi có trình độ chuyên môn, tay nghề cao. Nhiều người cao tuổi được tuyển dụng đảm nhiệm các vị trí như quản lý điều hành, tư vấn quản trị, tư vấn chính sách, tư vấn chuyên môn, các khâu dịch vụ… trong doanh nghiệp” - ông Trung nhấn mạnh.
Cũng theo ông Lê Quang Trung, không chỉ tiếp tục làm việc sau khi về hưu, ở “màn 2 cuộc đời”, nhiều người cao tuổi còn khởi sự doanh nghiệp, tạo công ăn việc làm, thu hút hàng nghìn lao động vào làm việc. Có nhiều người cao tuổi là những tấm gương trong làm kinh tế giỏi.
Dẫn ví dụ từ Hàn Quốc có một chương trình hỗ trợ, tạo việc làm cho người cao tuổi với tên gọi “Chương trình “màn 2 cuộc đời”, ông Lê Quang Trung cho hay, Chính phủ nước này cũng đã có những hỗ trợ rất lớn trong chương trình này. Rất nhiều doanh nghiệp hưởng ứng và thu hút người cao tuổi vào làm việc và thực tế, người cao tuổi được hưởng thụ từ chương trình này.
Từ kinh nghiệm đó, ông Trung cho rằng, chúng ta có thể có những giải pháp bắt đầu từ thông tin về thị trường lao động, tư vấn, hỗ trợ người lao động cao tuổi tìm được việc làm, tổ chức sàn giao dịch về việc làm cho người cao tuổi… Trong công tác chính sách cũng cần có nghiên cứu để tạo thuận lợi cho người cao tuổi làm việc.
“Đây là một mũi tên trúng rất nhiều đích để phát huy được các nguồn nhân lực trong phát triển đất nước. Chúng ta cũng phải tính đến cơ chế, chính sách pháp luật để có một chương trình “màn 2 cuộc đời” ở Việt Nam, có thể triển khai trong thực tiễn” - ông Lê Quang Trung nhấn mạnh.