Lao động thất nghiệp khó tìm việc làm mới
Do ảnh hưởng của tình hình thế giới, nhiều doanh nghiệp ngành gỗ, may mặc ở Bình Dương không có đơn hàng nên phải tạm ngưng hoạt động, hoặc cắt giảm nhân công... Kéo theo nhiều công nhân rơi vào cảnh thất nghiệp. Ghi nhận những ngày gần đây, mỗi ngày có hàng trăm công nhân vào các khu công nghiệp ở Bình Dương để nộp hồ sơ tìm việc làm.
Tại các khu công nghiệp ở thành phố Thủ Dầu Một như Kim Huy, Đại Đăng, Sóng Thần 3... hầu như không còn doanh nghiệp treo bảng tuyển dụng lao động như dịp đầu năm. Tuy nhiên mỗi buổi sáng có hàng chục lao động thất nghiệp vào đây tìm việc làm.
Tại Khu công nghiệp Kim Huy, nhiều người tập trung trước cổng Công ty TNHH Astro Engineering Việt Nam để xin việc. Ở một số công ty khác, có treo bảng tuyển dụng nhưng đây là các bảng từ năm trước.
Anh Trần Minh Quân - 20 tuổi, quê An Giang - than thở: “Tôi đi tìm việc suốt 4 tháng nay nhưng chưa có nơi nào nhận. Không có việc làm, không thu nhập, tôi phải sống dựa vào sự hỗ trợ của gia đình”.
Tương tự tại các khu công nghiệp ở thị xã Bến Cát, thị xã Tân Uyên, chỉ có một số công ty có dán bảng thông báo tuyển dụng, nhưng khi người lao động đến hỏi thì bảo vệ cho biết, đây là bảng cũ chưa được gỡ xuống. Do ít đơn hàng nên công ty chưa tuyển thêm nhân công.
Trong khu công nghiệp VSIP II, nếu trước đây, các công ty trên các tuyến đường trong KCN đều treo, dán bảng tuyển hàng trăm đến hàng ngàn lao động thì nay không có nhu cầu tuyển dụng.
Dự báo năm 2023 tình hình mới khả quan hơn
Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Bình Dương, trong 6 tháng đầu năm, tình hình lao động việc làm ở Bình Dương khá tốt, hầu hết doanh nghiệp trên địa bàn đều tuyển dụng lao động. Tuy nhiên từ đầu tháng 7 đến nay, do ảnh hưởng tình hình thế giới, các doanh nghiệp bị mất đơn hàng, phải thu hẹp sản xuất, cắt giảm lao động, nhất là doanh nghiệp may mặc, da giày, điện tử, gỗ. Hiện trung bình 1 ngày, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Bình Dương ký quyết định cho hàng trăm người hưởng bảo hiểm thất nghiệp. Tính từ đầu năm đến nay có 70.000 người mất việc được hưởng bảo hiểm thất nghiệp.
Trong khi đó, về nhu cầu tuyển dụng, theo thống kê của Trung tâm Dịch vụ việc làm Bình Dương, trong 9 tháng đầu năm, Bình Dương cần tuyển dụng 92.000 lao động nhưng tập trung vào những tháng đầu năm, những tháng gần đây, nhu cầu tuyển dụng rất ít. Trong tháng 8.2022 các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chỉ có nhu cầu tuyển dụng 4.830 lao động, trong đó 847 lao động có chuyên môn và gần 4.000 lao động phổ thông.
Đáng chú ý, những năm gần đây Bình Dương thu hút nhiều doanh nghiệp công nghệ cao, ít thâm hụt lao động. Tuy nhiên, nhu cầu tuyển dụng lao động chuyên môn cũng rất ít. Trong 9 tháng đầu năm toàn tỉnh chỉ có nhu cầu tuyển dụng khoảng 9.800 lao động có chuyên môn. Ghi nhận thực tế, tại thị xã Bến Cát nhiều lao động có chuyên môn, kỹ thuật các lĩnh vực gỗ, may mặc, giày da vẫn rất khó tìm việc làm mới.
Theo khảo sát của Trung tâm Dịch vụ Việc làm Bình Dương, trong quý IV/2022 một số doanh nghiệp sẽ khởi động lại kế hoạch tuyển dụng như: Công ty Cổ Phần Maruichi Sun Steel, Công ty TNHH Polytex Far Eastern, Công ty TNHH Kolon Industries, Công ty TNHH Dong Hwa, Công ty TNHH Esprinta Vn… với số lượng từ 30 công nhân trở lên. Chính vì vậy, thị trường lao động cuối năm tiếp tục có xu hướng cầu giảm. Quý IV/2022 nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp khoảng từ 5.000 đến 10.000 lao động với tất cả ngành nghề. Dự báo, sang đầu năm 2023, các đơn hàng của doanh nghiệp có nhiều hơn, thị trường lao động ở Bình Dương sẽ sôi động hơn.