Bất cập về phương án rút BHXH một lần
Bộ Tư pháp vừa có văn bản gửi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) về việc góp ý Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi). Một trong những nội dung Bộ Tư pháp góp ý liên quan đến nội dung BHXH một lần. Bộ Tư pháp cho biết, dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) quy định “Sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không tham gia BHXH tự nguyện và có thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 20 năm mà người lao động có yêu cầu…”, đồng nghĩa với trường hợp người lao động sau 12 tháng mà thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc và có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm sẽ không được hưởng BHXH một lần.
“Quy định này nếu không làm tốt công tác tuyên truyền, giải thích chính sách để người lao động hiểu được cặn kẽ ý nghĩa, mục đích của quy định mới có thể làm phát sinh những phản ứng không tốt như quy định của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014. Nhất là trong trường hợp người lao động làm việc trong các khu công nghiệp, doanh nghiệp có thời gian đóng bảo hiểm xã hội ngắn, gặp khó khăn và có nhu cầu nhận BHXH một lần để trang trải cuộc sống trước mắt” - Bộ Tư pháp cho biết.
Ngoài ra, theo Bộ Tư pháp, đối với phương án 2, ngoài việc có thời gian dưới 20 năm đóng BHXH thì dự thảo luật đã có quy định giới hạn người lao động chỉ được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng BHXH còn lại được bảo lưu để người lao động hưởng chế độ BHXH khi đủ tuổi nghỉ hưu. Bộ Tư pháp cho rằng, quy định này là chưa rõ người lao động có tiếp tục được hưởng BHXH một lần nếu có yêu cầu hay không (trừ các trường hợp đã quy định tại các Điểm a, b, c, d Khoản 1 Điều này).
Người lao động băn khoăn
Chị Nguyễn Thị Thật (Bắc Giang) năm nay 32 tuổi, chị có thời gian đóng bảo hiểm xã hội hơn 12 năm. Tháng 3.2023 vừa qua, do điều kiện gia đình, chị chủ động xin nghỉ việc. “Tôi dự định nghỉ một thời gian để chăm sóc con nhỏ được tốt hơn, sau đó sẽ kiếm công việc khác” - chị Thật nói.
Nữ công nhân này cũng đã cân nhắc đến việc rút bảo hiểm xã hội một lần. Nguyên nhân là chị thấy tuổi nghỉ hưu của mình quá cao; để được nhận lương hưu, chị phải làm rất nhiều năm nữa.
Chị Thật cho rằng, người lao động hầu như ai cũng muốn về già có lương hưu, đảm bảo cuộc sống. Thế nhưng, không ít người lao động “cực chẳng đã” phải rút BHXH một lần, “gặt lúa non”, là vì muốn có một khoản tiền để giải quyết những khó khăn trước mắt...
Theo nữ công nhân này, nếu công nhân lao động chỉ được rút BHXH 1 lần không quá 50% thì sẽ rất khó khăn đối với không ít người, khi số tiền được nhận sẽ ít hơn so với quy định hiện hành.
“Ngoài ra, tôi cũng có chung thắc mắc với nhiều người là, nếu theo dự thảo, rút BHXH một lần 50% rồi, sau đó nếu có nhu cầu thì công nhân có được tiếp tục rút BHXH một lần nữa không? Điều này dự thảo luật chưa làm rõ” - chị Thật nói.