Cụ thể là trường hợp 4 cán bộ Công đoàn (CĐ) gồm 2 Phó Chủ tịch và 2 Uỷ viên Ban chấp hành (BCH) của Công ty TNHH San Lim Furniture Việt Nam tại huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai (Cty San Lim). Ngày 20.4, BCH CĐCS Cty San Lim nhận được thông báo của Cty về việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ) đối với 4 cán bộ CĐ không chuyên trách và đề nghị BCH CĐ Cty tổ chức họp lấy ý kiến về việc đồng ý thoả thuận đối với vấn đề đơn phương chấm dứt HĐLĐ nói trên.
Bà Đỗ Thị Vân đã gắn bó với Cty 12 năm, vừa là NLĐ vừa là Phó Chủ tịch CĐ. Tương tự, ông Lê Quốc Phong (44 tuổi) - Uỷ viên BCH CĐ, cán bộ chủ quản của Cty San lim - cho hay, ông đã làm việc trong Cty 18 năm, có rất nhiều đóng góp cho Cty nhưng bất ngờ bị đơn phương chấm dứt HĐLĐ.
Bà Vân cho biết, sau khi có thông báo từ Cty, BCH CĐCS Cty San Lim đã họp, xác định các cán bộ CĐ đều có nguyện vọng được tiếp tục gắn bó với Cty và tổ chức CĐ, bảo vệ quyền lợi của NLĐ trong thời điểm khó khăn do dịch COVID-19. BCH đã tiến hành bỏ phiếu, kết quả có 7/9 phiếu không đồng ý với việc đơn phương chấm dứt HĐLĐ với cán bộ CĐ không chuyên trách. BCH CĐCS không đồng thuận với việc Cty San Lim đơn phương chấm dứt HĐLĐ với cán bộ CĐ không chuyên trách và nhờ CĐ cấp trên hỗ trợ.
Ngay sau khi nắm được sự việc, LĐLĐ tỉnh Đồng Nai đã phối hợp với Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), Trung tâm Tư vấn pháp luật CĐ (LĐLĐ tỉnh Đồng Nai) để bảo vệ quyền lợi cho cán bộ CĐ...
Ông Hồ Thanh Hồng - Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Đồng Nai - cho hay, sau khi nắm được thông tin về vụ việc, các cơ quan chức năng đã hướng dẫn, hỗ trợ các cán bộ CĐ thực hiện những thủ tục để bảo vệ quyền lợi chính đáng cho 4 cán bộ CĐ cũng là NLĐ của Cty San Lim. Đồng thời, LĐLĐ tỉnh Đồng Nai cùng Sở LĐTBXH đã mời đại diện Cty San Lim và BCH CĐCS Cty San Lim làm việc để làm rõ vụ việc.
Kết quả, đến ngày 10.6, hai cán bộ CĐ tiếp tục được giữ lại làm việc, còn 2 cán bộ CĐ được nhận chế độ theo đúng luật.
Cán bộ Công đoàn đề xuất hợp lý, chủ doanh nghiệp sẽ đáp ứng
Ông Vũ Tuấn Minh - Chủ tịch CĐ Khu kinh tế (KKT) Nghi Sơn và các Khu công nghiệp (KCN) tỉnh Thanh Hoá - cho hay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá hiện có 34 doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) với số lao động là hơn 130.000 người, chủ yếu thuộc KKT Nghi Sơn và các KCN tỉnh.
Tất cả DN FDI đều có cán bộ CĐ chuyên trách và bán chuyên trách, đa số đều được lựa chọn và đào tạo khá kỹ về kiến thức pháp luật nói chung và kiến thức pháp luật, kỹ năng về lĩnh vực CĐ. Nhiều năm qua, địa bàn chưa xảy ra bất kỳ mâu thuẫn nào lớn giữa chủ DN với cán bộ CĐ.
Theo ông Minh, thực tế, giữa chủ DN với cán bộ Công đoàn cơ sở (CĐCS) cũng luôn tồn tại những vấn đề cần được thảo luận. Nếu cán bộ CĐ không biết cách ứng xử, không vững chuyên môn, kiến thức pháp luật thì khó bảo vệ được NLĐ cũng như bảo vệ chính mình. Nhiều năm qua, tổ chức CĐ ở Thanh Hoá thường xuyên tập huấn, bồi dưỡng, đào tạo kiến thức và kỹ năng cho cán bộ CĐCS.
“Cán bộ CĐCS trong các DN FDI ở Thanh Hoá rất có uy tín với chủ sử dụng lao động. Cơ bản cán bộ CĐ đề xuất vấn đề gì hợp lý đều được chủ DN đáp ứng vì quyền lợi chung của DN và người lao động” - ông Vũ Tuấn Minh nói.Xuân Hùng
Không ít chủ tịch CĐ chịu thiệt
Một cán bộ LĐLĐ TP.Đà Nẵng (giấu tên) cho biết, tại TP.Đà Nẵng đã có những chủ tịch CĐCS mâu thuẫn với chủ DN khi lên tiếng bảo vệ quyền lợi của chính họ, thậm chí có người còn bị ép nghỉ việc để xảy ra kiện cáo.
“Đến lúc ngay cả quyền lợi của chính họ bị ảnh hưởng, họ có ý kiến cũng không được DN tôn trọng nên phải xin tư vấn ở LĐLĐ thành phố. Có trường hợp, chủ tịch CĐCS bị đuổi việc vì lên tiếng cho quyền lợi của bản thân cũng chạy khắp nơi để xin hỗ trợ về pháp luật. Trước những tình cảnh đó, không ít chủ tịch CĐ chấp nhận thoả hiệp, chịu thiệt hoặc chủ động nghỉ việc” - cán bộ LĐLĐ TP.Đà Nẵng cho hay.Thuỳ Trang