Một trong những bất cập đó là vướng mắc trong giải quyết chế độ tai nạn lao động - Bệnh nghề nghiệp. Chế độ tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp được quy định tại Luật bảo hiểm năm 2014 và Luật An toàn vệ sinh lao động năm 2015, việc giải quyết chế độ này đang gặp một số vướng mắc, trong đó có điều kiện để xác định một vụ tai nạn là tai nạn lao động.
Hiện nay, quy định để xác định điều kiện hưởng chế độ tai nạn lao động đang không thực sự rõ ràng và việc tổ chức thực hiện không thống nhất nên rất cần hướng dẫn cụ thể hơn để đảm bảo căn cứ cho việc điều tra, kết luận và giải quyết chế độ đối với người lao động đảm bảo đúng bản chất của sự việc, cũng như quyền lợi của người lao động và doanh nghiệp, cụ thể: Trường hợp bị tai nạn tại nơi làm việc và trong giờ làm việc nhưng không gắn với thực thi công việc, nhiệm vụ được phân công.
Mặc dù trường hợp tai nạn trên xảy ra tại nơi làm việc và trong giờ làm việc nhưng do không gắn với công việc nhiệm vụ của người lao động được phân công nên theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 45 Luật An toàn, vệ sinh lao động, trường hợp bị tai nạn khi không thực hiện các công việc khác mà Bộ luật lao động và nội quy của cơ sở sản xuất, kinh doanh cho phép thì không thuộc đối tượng giải quyết.
Bên cạnh việc hoàn thành các quy định pháp luật về bảo hiểm, để nâng cao hiệu quả thực hiện pháp luật về bảo hiểm cho người lao động, TS.Nguyễn Huy Khoa cho rằng cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật về bảo hiểm nhằm nâng cao ý thức của các bên trong quan hệ lao động; Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, áp dụng công nghệ thông tin vào hoạt động bảo hiểm nhằm giải quyết nhanh chóng các thủ tục; Tăng cường bồi dưỡng, nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ bảo hiểm ở các cấp; Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và giám sát hoạt động thực hiện pháp luật về bảo hiểm…
Theo TS.Nguyễn Huy Khoa, một trong những nguyên nhân dẫn đến những hạn chế của việc thực hiện bảo hiểm đối với người lao động là nhận thức cũng như ý thức pháp luật của cả người lao động và người sử dụng lao động về bảo hiểm còn chưa tốt. Vì vậy, muốn thực hiện công tác bảo hiểm cho người lao động được hiệu quả thì việc tác động vào ý thức pháp luật và nhận thức của các chủ thể tham gia bảo hiểm là một biện pháp quan trọng.
Tuy nhiên, hiện các hình thức tuyên truyền về bảo hiểm còn đơn giản, chưa thu hút được sự quan tâm của người lao động và người sử dụng lao động dẫn đến đối tượng tham gia bảo hiểm còn thấp so với thực tế. Tính chủ động trong công tác tuyên truyền chưa cao, chưa theo dõi nắm bắt kịp thời dư luận xã hội cũng như những phản ứng trái chiều của người lao động liên quan đến chính sách bảo hiểm để tuyên truyền một cách kịp thời.
Một số cơ quan, tổ chức còn chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của chính sách bảo hiểm nên công tác phối hợp thông tin, tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về bảo hiểm ở một số địa phương còn chậm thực hiện.
Để đạt được hiệu quả tối đa nhằm tăng cường ý thức pháp luật của người dân về việc tham gia bảo hiểm cần phải đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền như: xây dựng các chương trình tìm hiểu về bảo hiểm; triển khai các chính sách về bảo hiểm tới các đơn vị sử dụng lao động và nhân dân trên địa bàn thành phố thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng.
Bên cạnh đó, cán bộ của cơ quan bảo hiểm cần phải nắm rõ các chế độ chính sách để tuyên truyền, tập huấn, trao đổi trực tiếp để các đơn vị sử dụng lao động, người lao động nhận thức đúng về quyền lợi và trách nhiệm của mình trong việc tham gia bảo hiểm. Phòng ngừa tình trạng người lao động do thiếu hiểu biết mà bị các doanh nghiệp lợi dụng.