Người lao động tin tưởng Báo Lao Động
Bà Phạm Thị Thắng - Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Thái Bình - cho rằng: Báo Lao Động tại Thái Bình là kênh tuyên truyền, truyền tải thiết thực các hoạt động của tổ chức công đoàn đến với đoàn viên, công nhân viên chức, người lao động.
Qua kênh tuyên truyền này, vị thế, vai trò của công đoàn các cấp tại Thái Bình được nâng lên, chủ doanh nghiệp, người lao động và các cơ quan quản lý nhà nước có được những nhìn nhận, đánh giá bao quát hơn về hoạt động công đoàn trong những năm qua.
"Theo nhìn nhận của chúng tôi, người lao động trong các công ty, nhà máy có niềm tin vào tờ báo và đặt sự tin tưởng cao. Chính vì vậy, khi có những vướng mắc, khó khăn nhiều năm không giải quyết được, họ đã tìm đến Báo Lao Động để bày tỏ nguyện vọng và mong muốn báo là kênh thông tin bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động" - bà Thắng nói.

Bên cạnh đó, bà Thắng cũng cho rằng, Báo Lao Động có nhiều bài báo sắc nét, có sức nặng, kịp thời phản ánh các khía cạnh cuộc sống liên quan đến đoàn viên, người lao động được nhiều người quan tâm như vấn đề nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội, công nhân tạm dừng việc để đòi hỏi tăng lương, trợ cấp, phụ cấp...
Điển hình như vụ việc hàng trăm người nguyên là công nhân, lao động Công ty TNHH Poong Shin Vina (KCN Phúc Khánh, TP.Thái Bình) được công ty chi trả tiền trợ cấp thôi việc sau khi có tiếng nói phản ánh của Báo Lao Động.
Báo cũng nêu bật được những điểm sáng về các doanh nghiệp đảm bảo điều kiện bữa ăn ca cho công nhân, lao động trong bối cảnh sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát, vật giá leo thang do giá xăng dầu tăng cao; nêu gương sáng về việc doanh nghiệp tự xây dựng nhà trẻ riêng của đơn vị để hỗ trợ công nhân, lao động gửi con nhỏ nhằm yên tâm lao động, làm việc...
Ấn tượng với tờ báo của công nhân, công đoàn
Ông Vũ Thái Học - Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện Tiền Hải (tỉnh Thái Bình) - cho rằng: Thời gian vừa qua, nhất là trong khoảng 2 năm gần đây, sự có mặt của Báo Lao Động tại địa bàn đã khẳng định rằng, đây thực sự là tờ báo uy tín, xứng đáng là tờ báo số 1 về bảo vệ quyền lợi cho đoàn viên, người lao động nói chung.
Với một số sự việc cụ thể xảy ra trên địa bàn huyện Tiền Hải gần đây như vụ việc Công ty sứ Hảo Cảnh chậm trả lương cho công nhân năm 2021, công nhân chi nhánh Công ty Da giày Phúc Mậu tạm thời dừng việc để đòi hỏi một số quyền lợi đầu năm 2022, hay như việc trên mạng xã hội Facebook xuất hiện thông tin sai lệch về việc Công ty Da giày Thuận Phát "cho F0 đi làm, F1 F2 ở nhà cách ly"... Báo Lao Động đã kịp thời vào cuộc, xác minh đa chiều từ các bên có liên quan để nhanh chóng đăng tải những thông tin chính xác, khách quan nhất nhằm đảm bảo định hướng dư luận xã hội, giúp công nhân lao động nắm được đúng bản chất vấn đề, tránh gây tâm lý hoang mang, lo lắng không đáng có từ đó yên tâm lao động sản xuất, chung tay cùng doanh nghiệp, chủ sử dụng lao động vượt qua khó khăn, khủng hoảng.

"Đối với vụ việc Liên đoàn Lao động huyện Tiền Hải, công đoàn cơ sở Chi nhánh Công ty TNHH May mặc Kangaroo phối hợp, gian nan vất vả theo đuổi, đeo bám vụ khởi kiện mở thủ tục phá sản đối với doanh nghiệp trong suốt 3 năm trời để rồi sau đó đạt thành quả là 600 công nhân, người lao động đã được chi trả một phần lương, bảo hiểm bị nợ tưởng chừng mất trắng.
Báo Lao Động sau đó đã kịp thời đưa tin, phản ánh trên báo về thành công của tổ chức công đoàn trong việc đòi hỏi, bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp của người lao động. Qua đó, đã khẳng định, nâng cao vị thế, vai trò của tổ chức công đoàn tại địa phương; đồng thời cũng là vụ việc điển hình, cụ thể để tổ chức công đoàn ở địa phương, đơn vị khác theo dõi, học hỏi kinh nghiệm nhằm áp dụng vào nhiệm vụ công tác tại đơn vị mình khi gặp tình huống tương tự có thể xảy ra" - ông Vũ Thái Học, Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện Tiền Hải, cho biết thêm.