Hào hứng khoe tấm bằng lái xe ô tô hạng C mới thi xong, anh Trần Tiến Dũng (29 tuổi, Nam Định) không giấu nổi niềm vui và hạnh phúc. Bởi đây là một kỳ thi vô cùng khó khăn với anh Dũng đồng thời chi phí học để có tấm bằng cũng khá rẻ, chỉ vài triệu đồng.
Lý giải về điều này, anh Dũng cho biết, sau khi nghỉ làm công nhân, anh quyết định học lái xe để hành nghề taxi vận chuyển. Nghe lời bạn bè, anh Dũng đã làm đơn hưởng trợ cấp thất nghiệp và đăng ký học nghề lái xe cùng lúc.
"Tôi đi làm, đóng bảo hiểm tổng cộng 2 năm 6 tháng với mức lương đóng hàng tháng 4.150.000 đồng. Khi làm đơn hưởng trợ cấp thất nghiệp, mỗi tháng tôi được bảo hiểm xã hội chi trả về tài khoản 2.490.000 đồng" - anh Dũng nói.
Thời gian này do không đi làm ở đâu, chỉ chú tâm vào học lái xe nên anh Dũng được hưởng trọn cả 3 tháng thất nghiệp. Số tiền trợ cấp hàng tháng giúp anh đảm bảo việc ăn uống hàng ngày để an tâm học lái xe và bắt đầu với công việc mới.
Bên cạnh đó, vì đăng ký học nghề lái xe theo diện bảo hiểm thất nghiệp nên anh Dũng được hỗ trợ 7,5 triệu đồng (5 tháng học nghề). Như vậy, số tiền học phí lái xe ô tô hạng C còn lại anh Dũng phải đóng chỉ còn 3 triệu đồng.
Suy rộng ra, một lần hưởng trợ cấp thất nghiệp của nam thanh niên được hỗ trợ gần 15 triệu đồng.
Anh Trần Văn Thắng (30 tuổi, Nam Định) cũng được ưu đãi học nghề sửa chữa điện lạnh, điện dân dụng với số tiền trọn gói 6 triệu đồng (4 tháng). Như vậy, trong suốt quá trình học nghề, anh Thắng không phải đóng thêm bất kỳ khoản học phí nào nữa.
Trao đổi với Lao Động, anh Thắng cho biết, bản thân đi làm nhiều nơi nhưng đây là lần đầu tiên anh hưởng thất nghiệp. Vì những lần trước khi nghỉ công ty cũ chưa đầy 2 tuần anh đã đi làm ở công ty mới nên không được hưởng.
Với 6 tháng gần nhất đóng bảo hiểm xã hội mức 3.900.000 đồng cùng 4,2 năm đi làm, anh Thắng được hưởng tổng cộng 4 tháng trợ cấp thất nghiệp, mỗi tháng 2.340.000 đồng. Trong thời gian hưởng thất nghiệp, anh tranh thủ lắp đặt thêm điều hòa, camera cho khách nên cũng có đồng ra đồng vào ổn định cuộc sống.
"Sửa chữa đồ điện trong gia đình là ước mơ của tôi hồi nhỏ. Sau bao nhiêu lần trì hoãn vì bận rộn lần này tôi quyết định tạm ngừng hẳn 4 tháng để học nghề, theo đuổi đam mê. Không ngờ vừa có tiền thất nghiệp lại không mất phí học, 4 tháng hưởng thất nghiệp và học nghề được hơn 15 triệu đồng cũng bằng 2 tháng lao động vất vả" - anh Thắng cho hay.
Theo điều 49, Luật Việc làm hiện hành, ngoài trợ cấp thất nghiệp, người lao động đủ điều kiện còn được hỗ trợ chi phí học nghề. Cụ thể, chi phí hỗ trợ học nghề tối đa 4,5 triệu đồng/khóa học với các nghề nghiệp có thời gian học dưới 3 tháng. Với những nghề nghiệp có thời gian học trên 3 tháng sẽ được hỗ trợ tối đa 1,5 triệu đồng/tháng nhưng không quá 6 tháng.
Theo quy định tại Khoản 3, Điều 55 Luật Việc làm thì người lao động theo quy định tại Khoản 1, Điều 43 Luật Việc làm đang đóng bảo hiểm thất nghiệp được hỗ trợ học nghề khi có đủ điều kiện sau:
- Chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc trừ các trường hợp sau đây: người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc trái pháp luật; hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng.
- Đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm theo quy định.
- Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp, trừ các trường hợp sau đây: thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an; đi học tập có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên; chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc; bị tạm giam, chấp hành hình phạt tù; ra nước ngoài định cư, đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng; chết.
- Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 9 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc theo quy định của pháp luật.