Công nhân thiếu lương thực, Bắc Giang lập “siêu thị 0 đồng” hỗ trợ
Để phòng chống dịch COVID-19 trong các KCN, tỉnh Bắc Giang đã ra quyết định dừng hoạt động 4 KCN là Quang Châu, Vân Trung, Song Khê - Nội Hoàng và Đình. Cùng với đó, hàng chục nghìn công nhân ở trọ trên địa bàn tỉnh cũng phải thực hiện cách ly phòng, chống dịch COVID-19.
Để bảo đảm phòng, chống dịch hiệu quả, các dịch vụ cung ứng hàng hóa cũng dừng hoạt động nên rất nhiều công nhân ở trọ gặp khó khăn về đời sống.
Phản ánh tới phóng viên Lao Động, nhiều công nhân ở trọ trên địa bàn huyện Việt Yên (nơi có hàng chục nghìn công nhân ở trọ) cho biết, trong thẻ ATM vẫn còn tiền nhưng khu vực ở trọ bị phong tỏa nên họ không thể ra ngoài rút tiền mặt để chi tiêu, rất cần các tổ chức xã hội, mạnh thường quân hỗ trợ lương thực, thực phẩm...
Trước thực trạng này, để hỗ trợ công nhân, tỉnh Bắc Giang đã quyết định thành lập tổ hỗ trợ đời sống công nhân ngoài tỉnh đang ở trọ trên địa bàn tỉnh trong thời gian cách ly phòng, chống dịch COVID-19. Đồng thời thành lập “siêu thị 0 đồng”.
Sáng 23.5, trao đổi với phóng viên, ông Phạm Văn Thịnh, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Bắc Giang cho biết, trong ngày 22.5, 10 “Siêu thị 0 đồng hỗ trợ công nhân” đã được khẩn trương thành lập, trong đó Việt Yên 7 điểm, Yên Dũng 3 điểm. Hàng chục tấn gạo, thực phẩm, rau xanh và các nhu yếu phẩm khác từ các đoàn thể, nhà hảo tâm, doanh nghiệp đã được cung ứng vào “siêu thị”. Trong ngày 22.5 đã có hàng nghìn chủ nhà trọ đến nhận lương thực, thực phẩm tại “siêu thị” và đã chia đến tay gần 20.000 công nhân.
Trưa 23.5, trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, nhiều công nhân ở trọ tại các thôn Nam Ngạn (Quang Châu, Việt Yên), tổ dân phố My Điền 1,2,3 (thị trấn Nếnh, Việt Yên), thôn Nội Hoàng (Yên Dũng) cho biết, đã nhận được nhiều gạo, mì tôm thực phẩm, rau xanh và các nhu yếu phẩm khác từ siêu thị 0 đồng. Thực phẩm được các chủ nhà trọ nhận tại “siêu thị 0 đồng” rồi phân chia đến các công nhân đang ở trọ. Mỗi lần nhận thực phẩm, công nhân có thể sử dụng trong vài ngày.
Bắc Ninh: Hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp duy trì sản xuất
Trao đổi với phóng viên, ông Vương Quốc Tuấn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh khẳng định, Bắc Ninh hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp FDI trên địa bàn duy trì sản xuất kinh doanh liên tục, không bị gián đoạn vì COVID-19.
Sau khi dịch bệnh bùng phát, tỉnh Bắc Ninh đã thực hiện nhiều biện pháp mạnh, lập các chốt, trạm kiểm soát phòng COVID-19 tại một số khu vực nhằm ngăn nguy cơ lây lan COVID-19. Nhưng theo phản ánh của Tổ hợp Samsung, Công ty TNHH Canon Việt Nam và một số doanh nghiệp tại các khu công nghiệp, các xe chở công nhân, chuyên gia, xe chở nguyên vật liệu của doanh nghiệp gặp khó khăn khi qua các chốt, trạm kiểm dịch phòng COVID-19 này.
Để gỡ khó, UBND tỉnh Bắc Ninh đã yêu cầu các đơn vị chức năng cho phép xe chở công nhân, chuyên gia, xe chở hàng, công nhân đi xe riêng có biển hiệu hoặc đeo thẻ được phép qua các chốt, trạm kiểm dịch COVID-19, nhất là ở 3 khu vực đang cách ly xã hội là huyện Yên Phong, Thuận Thành và TP.Bắc Ninh.
Ngoài ra, tỉnh Bắc Ninh cũng đồng ý cho nhà máy của Công ty TNHH Canon Việt Nam đặt tại khu công nghiệp Quế Võ được hoạt động trở lại từ 0h ngày 24.5, để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh liên tục, không gián đoạn. Trước đó, ngày 9.5, công ty này ghi nhận ca nhiễm COVID-19 và tạm dừng hoạt động để khoanh vùng, dập dịch.
Được phép hoạt động trở lại, nhưng tỉnh Bắc Ninh yêu cầu Canon Việt Nam phải chịu trách nhiệm và tuân thủ, chấp hành nghiêm các quy định phòng, chống COVID-19. Tỉnh Bắc Ninh giao Sở Y tế chủ trì, phối hợp với Ban quản lý các khu công nghiệp Bắc Ninh rà soát, kiểm tra điều kiện phòng, chống COVID-19 tại nhà máy của Công ty Canon Việt Nam.
Phối hợp để tránh đứt gãy chuỗi sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia
Hiện tại, 2 tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang đang phối hợp để có phương án đảm bảo hoạt động, tránh đứt gãy chuỗi sản xuất của các tập đoàn lớn, đa quốc gia như Samsung (Bắc Giang có 13 cơ sở sản xuất linh kiện cho Samsung)… đảm bảo thực hiện “mục tiêu kép”, vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế.