93 năm về trước, lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh làm Báo Lao Động

LAO ĐỘNG |

Lao Động có được như ngày hôm nay phải kể đến những viên gạch đặt nền móng đầu tiên của lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh.

Những ngày đầu tiên

Trong hoàn cảnh khó khăn thiếu thốn, phải đối phó với sự rình rập của mật thám, Báo Lao Động - cơ quan ngôn luận của Tổng Công hội Đỏ Bắc kỳ đã được chuẩn bị khẩn trương và kịp ra số đầu tiên sau ngày 28.7 khoảng hai tuần. Số thứ nhất báo Lao Động ra ngày 14.8.1929 (tức là ngày 10.7 năm Kỷ tị); các số 2, 3, 4 ra tiếp trong các tháng 9, 10, 11 và ngày ra báo có xê dịch so với ngày ra số đầu tiên.

Do sự khó khăn về mọi mặt, nên Báo Lao Động trong buổi đầu được in ấn bằng phương pháp thủ công, trên bản đất sét. Khổ báo là 22x32cm trên nền giấy Đáp Cầu mầu vàng nhờ, có một mặt ráp và một mặt mịn. Đây là loại giấy dùng để gói thuốc lào và được bán với giá rẻ, mỗi thếp có 100 tờ. Trần Học Hải đã nhờ bà chủ nhà mua về từng ít một để lẫn trong hàng đồng nát bà mua về.

Do thiếu thốn nguyên liệu và việc vận chuyển phát hành gặp nhiều khó khăn nên báo Lao Động chỉ được in mỗi số từ 300 – 400 tờ. Thông qua sự giúp đỡ của anh con trai bác chủ nhà (làm nghề kéo xe tay), báo Lao Động được cất giấu ở chùa Hương Tuyết (nay thuộc phố Bạch Mai) từ đó được bí mật phân phát đi các tỉnh, thành phố lớn. Chủ yếu là Nam Định, Hải Phòng, Quảng Ninh, Vinh - Bến Thủy…

Báo Lao Động đã được nhiều cán bộ của Đông Dương Cộng sản đảng và Tổng Công hội Đỏ Bắc kỳ đưa vào Sài Gòn và các đồn điền miền Đông Nam Bộ. Như đồng chí Lê Văn Lương (tức Nguyễn Công Miều) khi vào Nam kỳ hoạt động cách mạng đã đem theo 60 tờ Lao Động phân phát cho các cơ sở Công hội ở Sài Gòn - Chợ Lớn.

Số thứ Nhất - số ra mắt của Báo Lao Động được trình bày đơn giản, nội dung truyền tải ngắn gọn đã thông báo cho toàn thể công nhân, lao động biết về sự kiện quan trọng là Tổ chức Tổng Công hội Đỏ Bắc kỳ được thành lập vào ngày 28.7.1929. Đây là tổ chức Công hội cách mạng của giai cấp công nhân và những người lao động Việt Nam, có nhiệm vụ chống đế quốc, thực dân, phong kiến, góp phần giải phóng dân tộc – giải phóng giai cấp.

Số thứ Nhất đã đăng toàn bộ cương lĩnh, điều lệ và tuyên cáo của tổ chức Tổng Công hội Đỏ Bắc kỳ; báo kêu gọi công nhân, lao động các nhà máy, xí nghiệp, hầm mỏ, đồn điền tham gia tổ chức Công hội, đoàn kết đấu tranh chống bọn tư bản – đế quốc. Măng – sét của báo dưới chữ Lao Động to đậm là dòng chữ: “Giai cấp vô sản và các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới đoàn kết lại”.

Tiếp đó, trang Nhất Lao Động có bài nói về Đại hội Đại biểu lần thứ Nhất của Tổng Công hội Đỏ Bắc kỳ. Bài viết thô sơ nhưng lời trần thuật đầy hứng khởi trong đó hiện rõ hình ảnh “anh B” - tức đồng chí Nguyễn Đức Cảnh đã chủ trì Đại hội. Số 1 báo Lao Động còn nêu lên một số cuộc đấu tranh tiêu biểu của công nhân, lao động ở Bắc kỳ, Nam kỳ trong những tháng đầu năm 1929. Trong đó có cuộc đấu tranh của công nhân hãng Avia Hà Nội (4.1929), đấu tranh của công nhân đồn điền Phú Riềng (tháng 5.1929). Báo cũng đã đưa một số tin và hoạt động của phong trào công nhân và Tổng Liên đoàn Lao động Pháp, hoạt động của Tổng Công hội Đỏ Trung Hoa và tin về Công đoàn Liên Xô trong kế hoạch xây dựng chủ nghĩa xã hội năm năm lần thứ hai (1928 - 1932).

Số 2 và số 3 báo Lao Động được in và phát hành trong tháng 9, 10.1929. Hai số này đã đăng một số bài của các đồng chí lãnh đạo Đông Dương Cộng sản Đảng, cũng như của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh bàn về đường lối cách mệnh vận động, về vai trò – sứ mệnh lịch sử của công nhân, thợ thuyền trong công cuộc cứu nước.

Đặc biệt số 3 báo Lao Động đã có bài của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh phê phán những luận điểm sai lầm của tổ chức Việt Nam Quốc dân Đảng về lực lượng cứu nước, được báo Hồn Cách Mệnh của tổ chức này đăng tải. Báo Hồn Cách Mệnh đã tuyên truyền cho chủ nghĩa Quốc gia, dựa trên học thuyết Tam dân của Tôn Trung Sơn (lãnh tụ Quốc Dân Đảng Trung Hoa). Chủ nghĩa Quốc gia của Việt Nam Quốc dân Đảng, chủ trương chống đế quốc thực dân nhưng không chống tư sản, không xóa bỏ bóc lột; lực lượng cứu nước là các nhà hào phú, thương gia, nhân sỹ, binh lính… không hề có công nhân, nông dân – những người lao động chiếm số đông trong xã hội Việt Nam. Hồn Cách Mệnh của Việt Nam Quốc dân Đảng cũng được in khổ nhỏ, lưu hành bí mật, ra được khoảng 4 số và bị xóa bỏ trước cuộc bạo động Yên Bái (2.1930).

Để luận bàn về vấn đề quan trọng này, Nguyễn Đức Cảnh và Trần Học Hải đã nhiều lần gặp một số thành viên của Quốc Dân Đảng tranh luận về vai trò, sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân, của tổ chức Công hội Việt Nam. Bằng tài năng và uy tín của mình, Nguyễn Đức Cảnh đã được nhiều người bên Quốc Dân Đảng nể phục và có người trong số đó sau này đã ly khai khỏi hàng ngũ Quốc Dân Đảng, đi theo con đường cách mạng vô sản.

Số 4 báo Lao Động ra ngày 1.11.1929, rút kinh nghiệm in ấn trình bày từ 3 số trước, số báo này được cải tiến nhiều về hình thức, về ngôn ngữ và sắp xếp các nội dung quan trọng. Trang một ở bên trái có dòng chữ: “Anh chị em lao động muốn được giải phóng phải tự mình làm lấy” và ở bên phải: “Hỡi các anh em thợ thuyền muốn đòi lại các quyền lợi của mình phải vào công hội”.

Thời điểm này trên đất nước ta, ba tổ chức cộng sản đều đã ra đời, đều tăng cường công tác tuyên truyền, vận động để khuyến trương sức mạnh và uy tín trong giai cấp công nhân. Yêu cầu về việc thành lập một chính Đảng thống nhất đã chín muồi trong phong trào yêu nước của dân tộc, của giai cấp công nhân. Đặc biệt là tại Bắc kỳ, trung tâm của phong trào cách mạng và phong trào công nhân đang có nhiều cuộc đấu tranh quyết liệt.

Số 4 báo Lao Động đã đăng toàn văn bức thư của Đông Dương cộng sản Đảng, gửi cho đoàn viên Tổng Công hội Đỏ Bắc kỳ, phản ánh những sự kiên tiêu biểu của công nhân, lao động.

Lao Động số 4 đã kêu gọi các hội viên của Tổng Công hội Đỏ tổ chức đấu tranh đòi xóa bỏ các án trên của phong kiến Nam triều, tay sai của đế quốc thực dân. Ngoài ra, báo còn đưa tin về một số cuộc đấu tranh của thợ mỏ Đông Triều, công nhân dệt Nam Định, công nhân nhà máy xi măng Hải Phòng. Báo còn trích đăng cảm tưởng của một công nhân ở Hà Nội về sự kiện Tổng Công hội Đỏ Bắc kỳ ra đời. “Thế là anh chị em chúng mình từ nay có người chỉ đường, dắt lối có đích mà theo. Xin chúc mừng các bác của Công hội vạn vạn tuế”.

Gieo mầm cho sự ra đời và phát triển những tờ báo của giai cấp công nhân

Với 4 số báo Lao Động ra được từ tháng 8 đến tháng 11.1929, bằng ngôn ngữ cách mạng chính xác, dễ hiểu, gần gũi với đời sống của thợ thuyền, Lao Động đã nhanh chóng được phổ biến ra cả nước. Bằng nhiều con đường, nhiều cách thức giao nhận khác nhau, Lao Động đã có mặt ở các thành phố, các trung tâm công nghiệp, nhiều nhà máy, hầm mỏ, đồn điền ở những địa bàn chính trị - kinh tế quan trọng của chế độ thuộc địa như Hà Nội, Sài Gòn, Hải Phòng, Vinh - Bến Thủy, Quảng Ninh.

Các Đảng viên Cộng sản, các đoàn viên Công hội, khi đi gây dựng phong trào cách mạng cũng là những người phát hành báo Lao Động, tờ báo của tổ chức Tổng Công hội Đỏ Bắc kỳ. Lao Động đã góp phần là vũ khí đấu tranh của công nhân, lao động. Cuộc đấu tranh của công nhân đồn điền Phú Riềng ngày 1.5.1930, kẻ địch đã tịch thu nhiều tài liệu, sách báo cách mạng trong đó có tờ Lao Động của Tổng Công hội Đỏ Bắc kỳ.

Sự kiện lịch sử tổ chức Tổng Công hội Đỏ Bắc kỳ được thành lập cũng như báo Lao Động, cơ quan ngôn luận của phong trào Công đoàn Việt Nam, xuất bản 4 số trong những tháng cuối cùng của năm 1929, đã có giá trị lịch sử sâu sắc. Bằng nội dung, tiếng nói cách mạng của mình, Lao Động đã hòa mình vào dòng báo chí cách mạng Việt Nam, tạo nên sự chuyển biến sâu sắc của phong trào yêu nước, phong trào công nhân trong những năm 1925 – 1930.

Lao Động của Tổng Công hội Đỏ Bắc kỳ đã mở đầu cho sự xuất hiện nhiều tờ báo của giai cấp công nhân, của tổ chức Công hội trong cuộc vận động giành chính quyền. Những giá trị về lý luận, về tư tưởng, về mục tiêu được Lao Động vạch ra từ tháng 8.1929 là định hướng cho các giai đoạn lịch sử tiếp theo. Từ đó sẽ có nhiều thế hệ phóng viên cầm bút làm vũ khí chiến đấu, sẽ kế thừa và tiếp tục các công việc của những chiến sỹ - phóng viên cách mạng là Nguyễn Đức Cảnh, Trần Học Hải, nữ đồng chí Vân…

Cho dù trong buổi ban đầu văn phong, từ ngữ, hình thức trình bày của báo Lao Động còn mộc mạc, giản đơn, nhưng báo Lao Động, cơ quan ngôn luận của Tổng Công hội Đỏ Bắc kỳ chính là tiền thân lớn của tờ Lao Động cơ quan của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, tiếng nói của công nhân, viên chức, lao động Việt Nam hôm nay.

Sau khi số 4 báo Lao Động được in ấn, phát hành thì Ban Biên tập chuẩn bị cho số 5 ra tiếp theo. Thời điểm này, Nguyễn Đức Cảnh giữ cương vị bí thư Xứ ủy Bắc kỳ kiêm Bí thư Hải – Kiến (Hải Phòng – Kiến An cũ) nên chỉ lo được các phần việc chính. Các công việc chủ yếu là do Trần Học Hải đảm nhận, nhất là khâu phát hành đi cơ sở.

Số tiếp theo của báo Lao Động dự kiến ra vào khoảng trung tuần tháng 12.1929, nội dung hình thức trình bày được nâng lên. Báo sẽ có 4 trang khổ rộng hơn, có tranh vẽ minh họa, nhiều tin bài trong nước và quốc tế. Đặc biệt báo sẽ in thư của Quốc tế Cộng sản (Quốc tế thứ III) gửi những người Cộng sản Viễn Đông (tức là xứ Đông Dương) yêu cầu phải hợp nhất để đấu tranh chống kẻ thù chung.

Tuy nhiên tình hình cuối tháng 11 đầu tháng 12.1929 có nhiều thay đổi. Mật thám Pháp ở Hà Nội đã phát hiện ra nhiều tờ báo cách mạng trong đó có tờ Lao Động nên chúng tăng cường vây ráp, lùng sục. Chúng đã phát hiện ra cơ sở của Tổng Công hội Đỏ Bắc kỳ cũng như nơi in báo Lao Động ở ngõ Thông Phong, rất may là không đồng chí nào bị bắt. Do đó Trần Học Hải đã quyết định chuyển cơ sở in báo Lao Động lên chùa Hương Tuyết (Bạch Mai), nhờ sự giúp đỡ của sư trụ trì và tạm thời dừng xuất bản số tiếp theo. Tiếp đó cuối tháng 12.1929 đồng chí Nguyễn Đức Cảnh được Đông Dương Cộng sản Đảng cử đi dự Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam tại Hồng Kông (Trung Quốc); đồng chí Trần Học Hải được Đông Dương Cộng sản Đảng cử về làm bí thư Đảng bộ Nam Định. Do đó mọi công việc của Ban Trị sự Tổng Công hội Đỏ Bắc kỳ cũng như báo Lao Động, được Trần Học Hải bàn giao cho đồng chí Trần Văn Lan - người đảm nhiệm vị trí của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh sau này.

Tuy nhiên, một điều đáng tiếc là khi về đến Nam Định và tiếp nhận cương vị Bí thư tỉnh ủy được một ngày thì Trần Học Hải bị bắt. Khoảng tháng 4.1930, tòa án Đại hình Bắc kỳ đã xử Trần Học Hải và một số đồng chí khác án khổ sai chung thân và đày ra Côn Đảo. Tháng 8.1945, Tổng khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi thì Trần Học Hải được cách mạng đón về và sau đó ông công tác tại cơ quan Xứ ủy Nam Bộ.

Những sự việc trên, đã ảnh hưởng nhiều đến hoạt động của báo Lao Động nói riêng cũng như của tổ chức Tổng Công hội Đỏ nói chung. Riêng báo Lao Động không thể ra được các số tiếp theo để tạo nên một dòng chảy liên tục về tiếng nói của cơ quan ngôn luận tổ chức Công đoàn Việt Nam. Mặc dù vậy những tư tưởng, nội dung của những số báo Lao Động đầu tiên đã thấm sâu vào phong trào công nhân, Công hội; góp phần tuyên truyền lý luận cách mạng, tư tưởng công hội vào tầng lớp thợ thuyền. Đặc biệt đã gieo mầm cho sự ra đời và phát triển những tờ báo của giai cấp công nhân, của tổ chức Công hội sau khi Đảng ta ra đời.

+++

Bài viết theo các tài liệu:

- “Nguyễn Đức Cảnh - Tiểu sử và sự nghiệp”, Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Thái Bình, xuất bản năm 1992.

- “Lịch sử 65 năm báo Lao Động”, do Tổng biên tập Xuân Cang soạn, đã được các đồng chí Nguyễn Văn Trân, Đỗ Trọng Giang, Trần Nhật Dụ, Hoàng Trọng Đỉnh đọc bản thảo và góp nhiều ý kiến sửa chữa để kịp hoàn thành trước ngày kỷ niệm thành lập báo 14.8.1994.

- Công trình nghiên cứu “80 năm lịch sử báo Lao Động”, do GS.TS Đỗ Quang Hưng chủ biên, hoàn thành năm 2009.

- “Lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh - hành trình đưa Người về quê hương”, NXB Lao Động, xuất bản năm 2014.

LAO ĐỘNG
TIN LIÊN QUAN

Báo Lao Động thực sự là tờ báo số 1 của đoàn viên, người lao động

TRUNG DU |

Thái Bình - Theo đại diện lãnh đạo Liên đoàn Lao động tỉnh Thái Bình, Liên đoàn Lao động huyện Tiền Hải, thời gian qua, Báo Lao Động đã ngày càng khẳng định được vị thế, vai trò là tờ báo số 1 trong việc tuyên truyền, định hướng về công tác chăm lo, bảo vệ quyền lợi cho đoàn viên, người lao động của tổ chức công đoàn tại địa phương.

Báo Lao Động vượt qua gian khó và trưởng thành trong kháng chiến chống Mỹ

BÁO LAO ĐỘNG |

Những năm 1965 - 1975 được xem là thời kỳ Báo Lao Động phát triển đến đỉnh cao theo quan niệm báo chí vô sản. Nhìn vào các số báo, các trang báo, có thể thấy đầy đủ những mặt mạnh, mặt yếu bắt nguồn từ một quan niệm làm báo đúng đắn, nhưng cũng chứa đựng những mầm mống của một thời kỳ khủng hoảng báo chí về sau…

Trở lại Thủ đô Hà Nội, Báo Lao Động vươn tầm, phát triển rực rỡ

BÁO LAO ĐỘNG |

Năm 1954 –1964 là một thập kỷ đỉnh cao trong lịch sử Báo Lao Động. Trong khoảng mười năm này, báo đã định hình một phong cách, một tiếng nói, tờ báo công nhân, có bản sắc riêng. Trong nhiều năm, toà soạn báo làm việc với nhịp điệu khẩn trương, cứ hai ngày báo ra mắt bạn đọc một lần. Đó cũng là mười năm rèn luyện, trưởng thành đầy vấp váp, chuẩn bị cho báo bước vào những trận chiến đấu lớn đầy gian khổ, phức tạp ở phía trước.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có nhiều giải pháp hỗ trợ người lao động mất việc

PHƯƠNG NGÂN - CHÂN PHÚC |

TPHCM - Tại LĐLĐ quận Bình Thạnh, sáng ngày 17.1, ông Trần Thanh Hải - Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam đã đến thăm, động viên và trao quà Tết cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn đang làm việc trên địa bàn. Đồng thời, ông Trần Thanh Hải cũng đã thông tin một số giải pháp nhằm hỗ trợ người lao động bị mất việc, giảm việc.

Khoảnh khắc AFF Cup: Khép lại hành trình của ông Park Hang-seo

NHÓM PV |

Bản tin Khoảnh khắc AFF Cup ngày 17.1. AFF Cup 2022 kết thúc, khép lại hành trình của huấn luyện viên Park Hang-seo với bóng đá Việt Nam.

Hệ luỵ từ vụ Công đoàn ACB mua chui cổ phiếu bị xử phạt 3 tỉ đồng

Lan Hương |

Thông tin Công đoàn ngân hàng ACB mua chui cổ phiếu ACB đã thu hút sự quan tâm đặc biệt. Động thái trên đã ảnh hưởng đến sự minh bạch của thị trường chứng khoán Việt Nam trong bối cảnh niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường chứng khoán đang bị ảnh hưởng nặng nề.

Rung lắc thượng tầng tại Eximbank: Thập kỷ rối ren chưa kết thúc

Đức Mạnh |

Cơ cấu thượng tầng tại Ngân hàng Eximbank đã có nhiều biến động mạnh. Cổ đông ngoại gắn bó 16 năm đã chuyển nhà, thế chân bởi nhân tố bí ẩn liên quan đến Tập đoàn Bamboo Capital.

Cha đẻ của mèo AI mà cư dân mạng nhầm tưởng ở Ninh Thuận lên tiếng

Hữu Long |

Nguyễn Lê Thái Nguyên vẽ mèo Tết bằng công nghệ AI rồi chia sẻ lên trang cá nhân. Những hình ảnh tuyệt đẹp về mèo nhận được vô số lời khen từ nhiều người bạn. Có không ít người đến nay vẫn nhầm lẫn đây là mèo Tết có nguồn gốc từ Ninh Thuận.

Báo Lao Động thực sự là tờ báo số 1 của đoàn viên, người lao động

TRUNG DU |

Thái Bình - Theo đại diện lãnh đạo Liên đoàn Lao động tỉnh Thái Bình, Liên đoàn Lao động huyện Tiền Hải, thời gian qua, Báo Lao Động đã ngày càng khẳng định được vị thế, vai trò là tờ báo số 1 trong việc tuyên truyền, định hướng về công tác chăm lo, bảo vệ quyền lợi cho đoàn viên, người lao động của tổ chức công đoàn tại địa phương.

Báo Lao Động vượt qua gian khó và trưởng thành trong kháng chiến chống Mỹ

BÁO LAO ĐỘNG |

Những năm 1965 - 1975 được xem là thời kỳ Báo Lao Động phát triển đến đỉnh cao theo quan niệm báo chí vô sản. Nhìn vào các số báo, các trang báo, có thể thấy đầy đủ những mặt mạnh, mặt yếu bắt nguồn từ một quan niệm làm báo đúng đắn, nhưng cũng chứa đựng những mầm mống của một thời kỳ khủng hoảng báo chí về sau…

Trở lại Thủ đô Hà Nội, Báo Lao Động vươn tầm, phát triển rực rỡ

BÁO LAO ĐỘNG |

Năm 1954 –1964 là một thập kỷ đỉnh cao trong lịch sử Báo Lao Động. Trong khoảng mười năm này, báo đã định hình một phong cách, một tiếng nói, tờ báo công nhân, có bản sắc riêng. Trong nhiều năm, toà soạn báo làm việc với nhịp điệu khẩn trương, cứ hai ngày báo ra mắt bạn đọc một lần. Đó cũng là mười năm rèn luyện, trưởng thành đầy vấp váp, chuẩn bị cho báo bước vào những trận chiến đấu lớn đầy gian khổ, phức tạp ở phía trước.