Trong đó chỉ tiêu phấn đấu là 100% chủ tịch Công đoàn cơ sở được tuyên truyền nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng, thời cơ và thách thức của tổ chức Công đoàn trong tình hình mới; phấn đấu 100% chủ tịch Công đoàn cơ sở ngoài khu vực nhà nước được tập huấn, bồi dưỡng những nội dung cần thiết.
Hướng dẫn này được ban hành nhằm thực hiện có hiệu quả chủ đề năm 2021 của Tổng Liên đoàn về “Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công đoàn cơ sở".
Hướng dẫn nêu rõ tiếp tục quán triệt, nâng cao nhận thức trách nhiệm của Ban chấp hành, Ban Thường vụ, nhất là trách nhiệm người đứng đầu các cấp Công đoàn trong việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ Công đoàn cơ sở; xác định nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ Công đoàn cơ sở là khâu then chốt, có ý nghĩa quyết định trong việc xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh và thực hiện tốt các mục tiêu theo Nghị quyết 03-NĐ/BCH, ngày 11.01.2019 của Ban Chấp hành Tổng LĐLĐVN về công tác cán bộ Công đoàn trong tình hình mới và Chương trình số 1563/CTr-TLĐ ngày 09.10.2019 của Tổng LĐLĐVN về “Xây dựng đội ngũ chủ tịch Công đoàn cơ sở ngoài khu vực nhà nước đủ năng lực, phẩm chất, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ".
Việc đào tạo, bồi dưỡng được phân cấp theo nguyên tắc: Tổng Liên đoàn trực tiếp tổ chức bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ Công đoàn cho 50 đến 70 chủ tịch Công đoàn cơ sở có 2.500 đoàn viên trở lên. Liên đoàn Lao động cấp tỉnh, Công đoàn ngành Trung ương và tương đương trực tiếp tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ cho 100% chủ tịch công đoàn cơ sở ngoài khu vực nhà nước có 1.000 đoàn viên trở lên (nếu có). Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ cho 100% chủ tịch Công đoàn cơ sở ngoài khu vực nhà nước có dưới 1.000 đoàn viên (nếu có).
Để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ Công đoàn chủ chốt cấp cơ sở, các cấp Công đoàn cần xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cụ thể, trong đó tập trung củng cố, bổ sung các kiến thức, phương pháp, kỹ năng hoạt động Công đoàn phù hợp với tình hình mới. Nội dung đào tạo, bồi dưỡng tập trung ưu tiên một số nội dung: Những vấn đề cơ bản về tiền lương và thương lượng tiền lương; thương lượng tập thể (chú trọng về tiền lương và đối thoại tại nơi làm việc; hướng dẫn chi và công khai tài chính tại Công đoàn cơ sở; ngoài ra đào tạo, bồi dưỡng thêm nội dung về kỹ năng tổ chức các hoạt động tại Công đoàn cơ sở; việc tham gia và giám sát thực hiện quy chế dân chủ tại các cơ quan, đơn vị.
Các địa phương, đơn vị cần tiếp tục lựa chọn, phát huy sử dụng có hiệu quả đội ngũ giảng viên kiêm chức Công đoàn. Giao nhiệm vụ cụ thể cho đội ngũ giảng viên kiêm chức tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ Công đoàn cơ sở. Tiếp tục đổi mới phương pháp đào tạo, bồi dưỡng, khuyến khích đào tạo, bồi dưỡng theo phương pháp học tập tích cực, lấy đối tượng đào tạo làm trung tâm, hạn chế trao đổi thông tin một chiều. Nơi có điều kiện có thể thực hiện đào tạo, bồi dưỡng theo hình thức trực tuyến (E-learning) để mở rộng đối tượng tiếp cận với nội dung đào tạo, bồi dưỡng. Tăng cường đầu tư nguồn lực tài chính, phối hợp với chính quyền đồng cấp, các đối tác, các nhà tài trợ và các cơ quan liên quan để chi cho đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công đoàn cơ sở. Tiếp tục thực hiện mục tiêu phấn đấu chi cho công tác đào tạo, bồi dưỡng đạt 15% tổng chi cho hoạt động của mỗi cấp Công đoàn hàng năm.
Cụ thể hóa chủ đề của năm 2021 của Tổng Liên đoàn về “Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công đoàn cơ sở” thành các tiêu chí cụ thể, gắn các tiêu chí đánh giá, xếp loại hàng năm để nâng cao trách nhiệm của tập thể, cá nhân nhất là trách nhiệm người đứng đầu. Trong quá trình triển khai thực hiện thường xuyên kiểm tra, giám sát phát hiện những sai sót, bất cập để kịp thời điều chỉnh…