Thời điểm
Ngay sau khi sử dụng, bạn nên cho thức ăn vào tủ lạnh để bảo quản. Đừng đợi đến lúc nguội hay cách lúc nấu khoảng 2-3 giờ, bởi đây là thời điểm tốt để ngăn chặn vi khuẩn xâm nhập vào bên trong thực phẩm.
Dụng cụ bảo quản
Để bảo quản thức ăn thừa một cách an toàn, gọn gàng và sạch sẽ, hãy sử dụng các hộp đựng thực phẩm chuyên dụng, có nắp đậy hay phụ kiện bọc kín. Điều này sẽ giúp thực phẩm được làm lạnh nhanh chóng, đảm bảo sức khoẻ và tránh việc tủ lạnh bị ám mùi.
Chú ý, người sử dụng cần tránh những loại hộp bằng kim loại, có thể ảnh hưởng đến hương vị của món ăn. Đặc biệt, những kim loại kém chất lượng sẽ ảnh hưởng không tốt đến sức khoẻ gia đình.
Nhiệt độ thích hợp
Không bảo quản thức ăn ở nhiệt độ quá cao hoặc quá thấp để tránh hư hỏng. Điều kiện tốt nhất cho việc giữ thức ăn trong tủ lạnh, hạn chế vi khuẩn xâm nhập cần ở mức khoảng 4-5 độ C. Bên cạnh đó, khi lấy thức ăn ra sử dụng, bạn cần hâm nóng lại ở nhiệt độ 60-100 độ C.
Phân loại thức ăn vào hộp nhỏ
Mỗi loại thức ăn cần được bảo quản riêng trong từng hộp nhỏ để tránh làm hỏng hương vị và gây hư hỏng. Việc chia nhỏ thức ăn còn hạn chế việc hâm đi hâm lại và làm lạnh nhiều lần. Khi cần sử dụng, bạn chỉ cần lấy một hộp nhỏ đựng thức ăn là đủ.
Thường xuyên vệ sinh tủ lạnh
Không nên để tủ lạnh quá đầy hoặc quá trống, hãy bảo quản thực phẩm một cách vừa đủ, có không gian làm lạnh.
Bạn cần thường xuyên dọn tủ lạnh bằng việc loại bỏ những thực phẩm lâu ngày, hết hạn sử dụng. Không gian thông thoáng sẽ giúp khí lạnh lưu thông tốt hơn, giảm thiểu mùi hôi và hạn chế hư hỏng.
Mẹo bảo quản thức ăn thừa trong tủ lạnh
Cơm thừa
Theo Boldsky, cơm là một trong những loại thực phẩm khó bảo quản tốt trong tủ lạnh. Nếu không cẩn thận và đúng cách, cơm thừa dễ gây ngộ độc thực phẩm cho người sử dụng.
Vì thế, sau khi nấu khoảng 1-2h, cơm nên được cho vào tủ lạnh để bảo quản, nhưng không được lưu lại quá 6 ngày. Trước khi sử dụng, cơm cần được làm nóng ở nhiệt độ cao hơn 60 độ C.
Các loại thịt
Đây là những món ăn dễ gây ám mùi nhất trong tủ lạnh. Vì vậy, khi bảo quản cần được giữ trong hộp đựng chuyên dụng, có nắp đậy. Ngoài ra, món ăn được làm từ thịt không nên giữ trong tủ lạnh quá 2 ngày, tính từ ngày bảo quản. Khi sử dụng, thịt đỏ và thịt trắng cần được hâm nóng ở nhiệt độ 75 độ C trở lên.
Rau và hoa quả
Rau củ và hoa quả cần được bảo quản riêng trong các loại rút nhựa đục lỗ hoặc hút chân không. Điều này sẽ duy trì sự khô thoáng, tránh môi trường ẩm ướt, giúp không khí lưu thông tốt hơn.
Lưu ý, không rửa rau củ trước khi bảo quản để hạn chế việc hư hỏng và vi khuẩn xâm nhập. Với rau củ đã được nấu chín, cần để nguội trước khi đóng kín và cho vào tủ lạnh, chỉ sử dụng tối đa trong 2 ngày.
Các sản phẩm từ sữa
Đối với những sản phẩm làm từ sữa, hãy giữ nguyên trong các hộp bao bì từ phía nhà sản xuất rồi cho vào tủ lạnh bảo quản. Tuy nhiên, với kem hoặc sữa đặc đựng trong hộp kim loại, hãy sử dụng những hộp chuyên dụng có nắp đậy để bảo quản được tốt hơn.
Ngoài ra, hãy ưu tiên chọn sữa có hộp nhựa hoặc hộp giấy, tiện lợi hơn cho vào tủ lạnh.