Tập 4 "Thương ngày nắng về" lên sóng tối 22.11 mang đến cho người xem nhiều tình tiết xúc động xoay quanh cô bé bất hạnh - Hoa (Diệp Anh).
Cụ thể, dù bị Khánh (Hồng Nhung) hết lần này đến lần khác đuổi đi, nói lời khinh miệt, thế nhưng Hoa vẫn bỏ ngoài tai và luôn xuất hiện kịp thời để giúp đỡ Khánh từ việc đánh lại đám con trai bắt nạt chị cho đến việc cõng Khánh đi cấp cứu.
Ngoài ra, từ khi bị mẹ bỏ rơi lại quán của bà Nga (Ngọc Dung), Hoa luôn là một cô bé hiểu chuyện, ngoan ngoãn. Không chỉ nhanh nhẹn phụ việc giúp bà Nga, Hoa còn nhiều lần nhận sai vì sợ Khánh bị bố mẹ mắng.
Trong tập này, phân cảnh Hoa nói chuyện để xin được ở lại nhà gia đình ông Mậu - bà Nga gây xúc động. "Cháu sẽ ngoan mà. Cháu sẽ làm việc nhà. Cháu muốn ở đây để đợi mẹ về. Cháu sẽ phụ giúp bác bán hàng ngoài chợ. Cháu sẽ không để chị Khánh bực mình. Cháu sẽ không mặc đồ chị Khánh nữa. Cháu ăn ít đi. Chỉ cần hai bác cho cháu ở lại đây đợi mẹ là được ạ".
Tập phim khép lại với cảnh chia ly của Hoa và gia đình ông Mậu - bà Nga. Cho đến cuối cùng, Hoa vẫn là một đứa trẻ hiểu chuyện khi âm thầm để lại tiền của mẹ để gia đình bà Nga thanh toán nợ nần thay vì đưa cho bà ngoại không có chút tình thương nào dành cho cháu gái.
Ngoài diễn xuất ấn tượng của sao nhí Diệp Anh, phim còn khiến khán giả rơi nước mắt về thông điệp ý nghĩa thông qua nhân vật Hoa. Hoa trong phim chính là hình mẫu của những đứa trẻ hiểu chuyện quá sớm. Vì sống thiếu thốn tình cảm, bị mẹ bỏ rơi nên cô bé luôn nỗ lực để những người xung quanh không phải phiền lòng vì mình.
Khi phải đến ở nhờ nhà bà Nga để đợi mẹ, Hoa hiểu chuyện đến mức luôn chăm chỉ làm mọi việc và luôn nhìn sắc mặt của Khánh để sống. Cô bé e dè vì sợ bản thân làm sai, sợ bị Khánh ghét, sợ bị bà Nga - ông Mậu đuổi về nhà bà ngoại...
Không phải Hoa không có ước mơ. Thậm chí, cô bé còn lên kế hoạch cho cuộc đời của mình, đó là lớn thật nhanh, đi tìm mẹ và bảo vệ mẹ. Nhưng thay vì nói ra với mọi người, Hoa giấu nhẹm nỗi nhớ mẹ trong lòng.
Câu chuyện của Hoa được khán giả đánh giá xây dựng chân thực. Ngoài đời, cũng có nhiều đứa trẻ vì bố mẹ ly hôn, hay nhiều lần phải chứng kiến cảnh bố mẹ cãi vã mà bắt buộc phải trưởng thành. Thậm chí, có nhiều cô/ cậu bé còn là cầu nối đứng ra hòa giải mâu thuẫn cho các bậc phụ huynh.
Sự trưởng thành này dường như là điều tất lẽ phải xảy đến với những đứa trẻ lớn lên trong hoàn cảnh gia đình có vết khuyết. Thế nhưng, không khỏi khiến những người chứng kiến phải đau lòng, vì những điều này, vô tình đã làm cho con trẻ mất đi sự ngây thơ cần có ở độ tuổi của chúng đáng phải được hưởng.