Một miếng giữa làng

HOÀNG CÔNG DANH |

Trong các làng quê Quảng Trị, việc cúng tế hiện nay vẫn giữ những nét cổ truyền xa xưa. Dù người ta có kêu gọi tiết kiệm khâu tổ chức lễ hội, thì các lễ làng vẫn không có gì thay đổi, bởi… đã tiết kiệm lắm rồi. 

Một cái đầu heo, một vò xôi nếp, chai rượu trắng, thế là coi như đủ lễ. Xuân thu nhị kỳ, vào rằm tháng hai và rằm tháng tám thì lễ cúng chay, chỉ xôi và chè đỗ xanh bóc vỏ. Nhưng cái đơn giản của lễ lược làng quê hóa ra lại là cớ để đánh thức một vị giác tưởng chừng quên lãng: ăn để nhớ, ăn để biết ta biết mình.

Sau nghi thức cúng tế, phần lễ vật “thừa thần chi huệ” được bày ra trên những chiếc mâm tròn. Ngày xưa mâm đồng, sau đồng được giá nên người quê bán hết, chuyển qua mâm nhôm, mâm inox. Mỗi cái mâm như vậy có một phần xôi, một phần thịt heo đủ loại từ thịt đầu cho đến lòng.

Ở một vài làng, phần lễ vật sau khi cúng xong, cái ngon nhất được cắt riêng cho các cụ trưởng lão chức sắc, những thứ còn lại mới đến lượt con cháu. Khoảng mười người ngồi xếp bằng tròn quanh cái mâm đó và ăn bằng tay. Xôi vốc nắm chấm muối mè, thịt lợn chấm nước mắm ớt chỉ thiên. Chỉ thế thôi nhưng ai cũng khen ngon.

Một miếng giữa làng bằng một sàng trong bếp, ý đơn giản của thành ngữ xưa là vậy. Nhưng thành ngữ còn nhiều hàm nghĩa hơn, đó là về vai trò của con người trong hệ thống làng mạc họ tộc.

Một cái chức không có lương bổng như đại bái làng, trưởng làng, trưởng họ, hay thậm chí chỉ là chức soạn văn tế, đánh chiêng trống, rót rượu cúng… cũng không dễ được giao. Những quy ước của hương thôn xưa cho đến nay vẫn được giữ, đó là một nét đẹp của văn hóa làng quê.

Chẳng hạn người đứng đầu làng, đứng đầu họ tộc phải là chủ lễ, nên chọn người trước hết có thứ bậc huyết thống, tiếp đến phải có tuổi (trên sáu mươi, thậm chí trên bảy mươi) nhưng phải còn sức khỏe, đời sống gia đình không bị điều tiếng, không bị khuyết tật trên cơ thể mới có thể trang nghiêm khi vái lạy…

Đáp ứng được những tiêu chuẩn đó mới được hội đồng bổn tộc, hội đồng hương thôn chọn để “hầu ngài”. Vậy nên người được chọn cảm thấy tự hào, vinh dự, trước hết bởi vì mình đã lọt qua mấy cái tiêu chuẩn tưởng đơn giản nhưng không phải cứ phấn đấu là được. Cái vinh dự của “một miếng chức sắc giữa làng” là ở chỗ đó.

Dự lễ làng lễ họ cũng phải đủ tuổi mới được tham gia, thường là thanh niên trên mười tám, qua cái tuổi trẻ trâu và đã biết điều phải trái. Mặc áo dài đen chít khăn đóng cũng phải có tuổi, qua trung niên, hoặc đã có cháu nội cháu ngoại.

Chỗ ngồi trong nhà thờ họ tộc, trong đình làng cũng được quy ước. Ai thứ bậc cao ngồi phía trong, căn chính giữa. Ai nhỏ hơn ngồi ra phía ngoài. Bậc con cháu chỉ được ngồi gian hai bên. Làng tôi trước năm bảy lăm có một ông trung tướng chế độ cũ. Mỗi lần về làng ông đi bằng trực thăng. Lễ cúng làng khi ấy thường tổ chức tại một vườn cây gọi là công viên Cây Sanh. Ông tướng về dự lễ làng, tuy có chức vụ cao trong chính quyền và quân đội, nhưng vẫn phải ngồi ngoài, đúng theo vai vế của mình.

Một miếng giữa làng cũng là lời cảnh tỉnh răn đe. Ở một làng nọ, có người giữ quỹ làng nhưng ăn bớt xén, đến khi làng phát hiện ra thì người đó bị cách hết tất cả các chức vụ. Và dù không bị xử phạt gì, nhưng chuyện xấu cứ bị lưu truyền mãi trong làng từ năm này qua năm khác, thậm chí thế hệ sau còn nhắc. Đúng là trăm năm bia miệng vẫn còn trơ trơ! Nên một miếng giữa làng tuy ngon thật, nhưng ăn không đúng, cũng bị mang tiếng xấu muôn đời.

Ở làng, người ta không chỉ lo chuyện ăn để sống mà còn lo cái chỗ để chết. Một chỗ đất khi chôn cất cũng có thể xem là “miếng giữa làng” và phải được làng chấp thuận. Thường những người qua tuổi sáu mươi đã bắt đầu lo chuyện hậu sự. Và việc đầu tiên là họ sẽ nhắm một chỗ đất ở nghĩa địa làng để sau này an táng, chỗ đó gọi là đất “thành phần”, hay mộ phần.

Muốn xin đất thành phần, người xin chuẩn bị một khay cau trầu rượu, rồi nhân một buổi họp làng, trình đồ lễ ra xin làng. Vị đại bái làng sẽ chấp thuận cho điều này và xem xét vị trí chọn đó có vướng đường đi, nằm choán hướng của các bậc tiền bối hữu công hay không, và chỗ đất đó có tương xứng với người đó không. Người không có nhiều đóng góp cho làng, thì không thể được nằm gần các bậc tiền bối chẳng hạn.

Người sống làm nhà phải xin chính quyền xác nhận chỗ đất, có giấy tờ cấp phép hẳn hoi. Nhưng chỗ của người chết ở nghĩa địa làng thì chỉ cần hội đồng hương thôn chấp thuận là được, chính quyền không quản lý. Cái “khe hở” trong quản lý này không phải vì chưa nằm trong phạm vi điều chỉnh của luật pháp, mà nó minh chứng rằng phép vua thua lệ làng.

Cái chỗ đất thành phần quan trọng, nên có khi chọn được chỗ đẹp rồi thì người ta mới yên tâm coi như việc đời đã xong, chỉ đợi ngày thanh thản ra đi. Vậy nên người quê có câu: “Ai chết trước được mồ được mả/Ai chết sau nằm ngả nằm nghiêng”.

Từ chuyện ăn, chuyện phụng sự, cho đến chuyện chết của người quê đều gắn với danh dự, và nhờ đó họ buộc phải sống tử tế, để có được “một miếng giữa làng” xứng đáng.
HOÀNG CÔNG DANH
TIN LIÊN QUAN

Thượng nêu đón tết trong Hoàng cung Huế

Nguyễn Đắc Thành |

Sáng 8.2, (23 tháng Chạp năm Đinh Dậu), tại Đại Nội Huế, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế đã tổ chức nghi lễ thượng nêu theo phong tục cung đình ngày xưa của triều Nguyễn vào dịp Tết Nguyên đán.

Những phong tục đón tết không giống ai của các nước

D.H (T/H) |

Mỗi quốc gia có một phong tục đón tết độc đáo với mong muốn cầu mong may mắn, an lành cho gia đình nhân dịp năm mới.

Với nửa bên kia: Tục lệ là cái gì?

PHẠM THỊ |

Tục lệ là cái gì, em muốn hỏi thế, khi xem cảnh cướp vợ diễn ra ngay tại Sa Pa, một cô học trò lớp 9 lăn lộn dưới đất, van khóc khi bị một gia đình đến bắt vợ cho con trai chiều 5.2, cô bé đang học trường THCS Sa Pả, thuộc huyện Sa Pa. Tục lệ nó thế, một đám đông đứng xem, không can ngăn được “đây là phong tục truyền thống của người Mông nên pháp luật không can thiệp được”, người ta bảo thế.

Nở rộ dịch vụ cho thuê người yêu về nhà ra mắt dịp Tết

Phùng Nhung |

Nhiều người trẻ mỗi dịp về quê ăn Tết lại bị bố mẹ thúc giục chuyện yêu đương, kết hôn, sinh con. Vì lẽ đó, họ tìm đến dịch vụ cho thuê người yêu để trấn an tâm lý gia đình.

Vì sao gốc đào Nhật Tân được chào bán với giá 200 triệu đồng?

Quỳnh Trang |

Sáng 17.1, dọc đại lộ Lê-Nin, thành phố Vinh (Nghệ An) tấp nập cảnh mua - bán hoa, cây cảnh phục vụ Tết Nguyên đán. Trong đó, thu hút nhiều người xem nhất là gian trưng bày gốc đào Nhật Tân của anh Đặng Văn Cường (36 tuổi, trú TP Vinh) bởi nơi đây trưng bày gốc cổ thụ độc đáo với thế "rồng bay".

Nhìn lại diễn biến vụ bé trai rơi xuống trụ bê tông ở Đồng Tháp

Bảo Bình - Dương Anh |

Liên quan vụ bé trai rơi xuống trụ bê tông ở Đồng Tháp, sau hơn nửa tháng tìm kiếm, lực lượng cứu hộ đã đưa được đoạn cọc thứ nhất (dài 12m) trong số 3 đoạn của cọc bêtông lên mặt đất và đang tiến hành các bước cứu hộ tiếp theo.

Khoảnh khắc AFF Cup: Khép lại hành trình của ông Park Hang-seo

NHÓM PV |

Bản tin Khoảnh khắc AFF Cup ngày 17.1. AFF Cup 2022 kết thúc, khép lại hành trình của huấn luyện viên Park Hang-seo với bóng đá Việt Nam.

Khởi tố Giám đốc Trung tâm đăng kiểm duy nhất ở Hòa Bình

PV |

Hoà Bình - Cơ quan công an vừa khởi tố các bị can liên quan đến vụ án “Nhận hối lộ” xảy ra tại Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 28-01S thuộc Sở Giao thông vận tải Hòa Bình.

Thượng nêu đón tết trong Hoàng cung Huế

Nguyễn Đắc Thành |

Sáng 8.2, (23 tháng Chạp năm Đinh Dậu), tại Đại Nội Huế, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế đã tổ chức nghi lễ thượng nêu theo phong tục cung đình ngày xưa của triều Nguyễn vào dịp Tết Nguyên đán.

Những phong tục đón tết không giống ai của các nước

D.H (T/H) |

Mỗi quốc gia có một phong tục đón tết độc đáo với mong muốn cầu mong may mắn, an lành cho gia đình nhân dịp năm mới.

Với nửa bên kia: Tục lệ là cái gì?

PHẠM THỊ |

Tục lệ là cái gì, em muốn hỏi thế, khi xem cảnh cướp vợ diễn ra ngay tại Sa Pa, một cô học trò lớp 9 lăn lộn dưới đất, van khóc khi bị một gia đình đến bắt vợ cho con trai chiều 5.2, cô bé đang học trường THCS Sa Pả, thuộc huyện Sa Pa. Tục lệ nó thế, một đám đông đứng xem, không can ngăn được “đây là phong tục truyền thống của người Mông nên pháp luật không can thiệp được”, người ta bảo thế.