Còn quê mà về

NGUYỄN THÙY |

Chú Năm nhắn ba gửi giấy tờ về. “Chắc chú bây định chia đất” - ba tôi dứt lời, cái bật lửa kêu tách tách. Ông châm điếu thuốc, nén tiếng thở dài.

Từ khi còn nhỏ, câu nói “ông Hai giờ giàu rồi!” ghim vào đầu chúng tôi mỗi lần gặp chú Năm. Má hay dặn “để bà nội sống thêm ít năm”. Nay, thì cái tin kia như giọt nước tràn ly.

Từ ngày con đường đi qua ngôi nhà gần ngàn mét vuông của ông bà nội được mở rộng, những người nơi ấy nhấp nhổm, tối ngày chỉ bàn việc bán đất, chia đất. Đi đâu cũng toàn nghe nhắc chuyện tiền tỉ. Đất cát, mấy chục năm bỏ không chẳng ai ngó, trồng cây, nuôi gà còn lo chết nắng mà chừ đắt như tôm tươi.

Mấy nhà họ hàng chung quanh nhà nội, có ông Sang, ông Mười mới nghe người ta trả hai tỉ, ba tỉ thì mấy đứa con bỏ nhà đi biệt mấy năm nay tự dưng lừng lững về. Chúng đòi họp gia đình, đòi chia đất, chia tiền. Mấy ổng bả chết điếng. Có nhà, đòi không được đất, con lấy dao kề cổ cha. Má gào khóc đưa sổ, đưa tiền xong xuôi đâu đó mới yên.

Tôi nhớ lại những câu chuyện chắp vá về tuổi thơ của ba. Ông nội hy sinh lúc cô Sáu mới một tuổi. Chiến tranh, đói khát khiến ba - người anh cả không có một ngày tới trường. Ông theo bà nội đi xin gạo nuôi các em. Lên 10 tuổi, gạo cũng không đủ ăn, bà nội gửi ba theo người họ hàng ra Đà Nẵng “để bớt miệng ăn”. Đổi lại, đứa trẻ còm nhom gắn đời mình với nghề biển từ đó. “Xa quê từ chặp nớ tới chừ, lấy lý chi về nói chuyện với chú bây mà mở lời chuyện đất đai. Có điều bán đất rồi, còn cớ chi mà về” - ba nói như tự vấn với bản thân.

Nhiều ngày sau đó, cha tôi cứ đi ra đi vào. Cho đến một hôm, ông báo tin: “Nội Sáu cũng chuẩn bị bán đất. Mai cả nhà mình về chơi. Nội nhắn”. Nội Sáu là cô của ba. Đất nhà nội xưa cũng là đất của ông bà tôi. Vừa bước vào căn nhà ba gian sắp đập để giao đất cho người ta, nội đón chúng tôi với giọng sang sảng: “Nhà thằng Hai về nè bây ơi. Nắng không con”. Rồi gặp đứa nào nội lì xì đứa đó. Tôi hỏi đùa: “Nội cho rứa rồi tiền mô xây lại nhà, dưỡng già”.

“Cho chừ rồi đợi nội xây nhà xong, còn thì nội cho nữa. Cho hết chứ, rồi cũng chết thôi bây ơi”. Con Út nghe vậy nhao nhao khoe về dự định đi du học của nó. “Ừ, đi mô, nói nội nghe. Nội đầu tư cho một đứa. Cho luôn, miễn học cho giỏi, làm cho giỏi nghe”. Chẳng biết chuyện thật hay đùa nhưng tiếng cười nói rộn ràng cả ngôi nhà. Rồi bỏ mặc chuyện đất đai, tiền bạc, mấy đứa tôi lại nài nỉ nội cho ra vườn nhổ đậu, cắt rau. Tôi chạy tìm bụi tre, phía dưới có ao nước hồi còn nhỏ vẫn hay lội rứa tay. Con Út chạy ra đồng, giọng nó lanh lảnh. Nó chụp ảnh từ con gà đến đám trầu nội ươm để “khoe lên Facebook, bạn con ngưỡng mộ lắm”. Chiều về, nội gom đậu, rau, thêm mẻ mỳ mới tráng thơm phức móc treo đầy xe. “Đem ra ngoài nhà ăn. Hết về lấy tiếp nghe” - nội lại dặn dò như bao lần.

Về sau, ba nói tôi hay, tâm nguyện của nội Sáu là xây được ngôi nhà đẹp đẽ cho thằng Kiệt - đứa cháu trai của nội. Còn tiền và ngàn mét đất trong vườn, nội cũng sẽ chia đều cho mấy cô chú.

“Đứa nào không muốn nộp tiền cắt đất hay không lấy, ta quyên hết cho từ thiện”, giọng nội Sáu nhẹ như không. Rồi bà quay lại, nhìn thẳng vào mắt ba tôi tuyên bố: “Riêng thằng hai phải lấy đất, con Út đi học để ta lo. Mảnh vườn đó bây về dựng cái nhà. Ta chết, mấy đứa nhỏ còn quê mà về”.

Ba tôi trân trối nhìn đôi vai gầy gò của nội Sáu, tôi biết ông buồn nhiều hơn vui.

Dầu sao, cha vẫn còn may mắn hơn đám ông Sang, ông Mười... 

NGUYỄN THÙY
TIN LIÊN QUAN

Cơm tập thể

đỗ phấn |

Điều kiện tiên quyết để “ăn cơm tập thể” là phải có “tập thể” trước đã. Cũng giống như ai đó phát minh ra rằng muốn lấy được vợ trẻ thì việc đầu tiên là đàn ông phải già.

Chọn bạn

ĐỨC LỘC |

“Chọn bạn mà chơi”, người lớn dạy thế. Tôi không tin thế.

Một lần thử trái quách

di li |

Trên đường từ Kandy về Colombo, bác tài cho xe dừng lại vài phút giữa lưng đèo. Có chục quầy hoa quả đang héo hắt chờ đợi khách mua hàng nhưng nhất định không chào mời hay chèo kéo.

Gia tăng hoạt động giết mổ heo lậu vào dịp Tết

Nhóm PV |

TPHCM - Mặc dù đã được Báo Lao Động nhiều lần phản ánh về tình trạng giết mổ heo lậu, sau đó cơ quan chức năng đã vào cuộc xử lý, nhưng các điểm giết mổ lậu trên địa bàn phường 12, Quận Gò Vấp (TPHCM) vẫn tái vi phạm, hoạt động giết mổ heo lậu càng nhộn nhịp hơn vào những ngày cận Tết.

Nghề trông thú cưng ngày Tết ở Trung Quốc đắt khách trở lại

Thanh Hà |

Tại khách sạn của Zhou Tianxiao ở ngoại ô phía bắc Bắc Kinh, lượng đặt phòng đang tăng nhanh khi Trung Quốc nới lỏng quy định ngừa COVID-19 làm bùng nổ du lịch.

Trà Cổ: Làng biển hơn 500 năm tuổi nơi địa đầu tổ quốc

Đoàn Hưng |

Quảng Ninh - Nằm ở mũi Sa Vĩ, làng biển Trà Cổ, TP. Móng Cái  tính đến nay đã hơn 500 năm tuổi. Kể từ khi về đây lập làng, người dân nơi đây đời nối tiếp đời đã viết lên câu chuyện của chính mình với những trầm tích văn hóa đặc sắc.

Chủ tịch Hà Nội kiểm tra trận địa pháo hoa khu vực hồ Hoàn Kiếm

PHẠM ĐÔNG |

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã đến kiểm tra công tác ứng trực lực lượng làm nhiệm vụ tại trận địa pháo hoa phục vụ nhân dân đêm Giao thừa tại khu vực Hồ Hoàn Kiếm.

Một ngày dạo vòng quanh TPHCM - thành phố không ngủ

Chí Long |

Được mệnh danh là "thành phố không ngủ" của Việt Nam, thành phố Hồ Chí Minh ẩn chứa vô vàn điều bất ngờ, thú vị chờ du khách khám phá.

Cơm tập thể

đỗ phấn |

Điều kiện tiên quyết để “ăn cơm tập thể” là phải có “tập thể” trước đã. Cũng giống như ai đó phát minh ra rằng muốn lấy được vợ trẻ thì việc đầu tiên là đàn ông phải già.

Chọn bạn

ĐỨC LỘC |

“Chọn bạn mà chơi”, người lớn dạy thế. Tôi không tin thế.

Một lần thử trái quách

di li |

Trên đường từ Kandy về Colombo, bác tài cho xe dừng lại vài phút giữa lưng đèo. Có chục quầy hoa quả đang héo hắt chờ đợi khách mua hàng nhưng nhất định không chào mời hay chèo kéo.