Kỷ niệm 110 năm ngày sinh Tổng Bí thư Lê Duẩn (7.4.1907 -7.4.2017):

Hình hài phố núi trên rốn bom Ka Tăng

HƯNG THƠ |

Mùng 2 Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017 - tròn 40 năm sau chuyến ghé thăm của Tổng Bí thư (TBT) Lê Duẩn ở huyện miền núi Hướng Hóa (Quảng Trị), tôi gặp ông Võ Thanh - Chủ tịch huyện này khi ông vào “đạp đất” ở bản Ka Tăng (thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa).
Thế rồi, bên bếp lửa giữa gian nhà sàn ở bản Ka Tăng ngày tết, không chỉ diễn ra lời chúc mừng năm mới, mà xen vào đó là những câu chuyện của quá khứ, hiện tại. Nếu sau những năm chiến tranh, nơi này chỉ là mảnh đất đầy hố bom xác pháo, thì nay Hướng Hóa đã trở mình, hiện hữu một huyện miền núi kiểu mẫu như lời dặn của TBT Lê Duẩn...

Lập nghiệp trên rốn bom

Bên ché rượu cần cạnh bếp lửa ngày tết ở nhà của trưởng thôn Hồ Văn Pổ (bản Ka Tăng), chúng tôi không ngắt được lời của già Hồ Văn Chót. Bởi câu chuyện già kể quá say sưa, đến nỗi ché rượu vơi, phải “tiếp” mấy lần rượu vẫn chưa đủ. 79 tuổi, già Chót trí nhớ rất minh mẫn, từ câu chuyện tiếng súng, quả bom thời chiến cho đến sự đổi thay của gia đình trên chính quê hương qua lời kể của già thật lôi cuốn.

Già Chót nhập ngũ, tham gia chiến đấu ở chiến trường Đường 9 sau những năm 1960. Thời đó, ở đất này đến đâu cũng gặp tiếng bom đạn, nhưng sức trẻ và sự dũng cảm thôi thúc già Chót len lỏi khắp mọi nơi. Khi thì dẫn đường cho bộ đội, khi thì đi trinh sát, giáp mặt quân thù ngày một, ngày hai nhưng già vẫn kiên cường bám trụ. Chưa dừng lại ở đó, già còn sang đất Lào làm nhiệm vụ theo sự phân công của cấp trên, mãi đến năm 1975 mới trở về nước.

Sau đó, già Chót quyết định đưa cả gia đình đang ở xã Hướng Tân lên Ka Tăng chọn đất dựng nhà. Ka Tăng thời đó là một vùng biên nham nhở dấu vết của chiến tranh và chỉ hiện diện những con đường mòn lối nhỏ, đầy rẫy cây bụi và thú hoang. Ban ngày, ai cũng đi phát rẫy trồng lúa, thỉnh thoảng nghe tiếng “bùm” là biết có người đụng bom, không mất mạng thì cũng thương tật. Già Chót thời đó có sức khỏe, ngày đi làm, tối đi đặt bẫy, vợ già cũng siêng năng chăm chỉ nhưng vẫn cứ nghèo đói liên miên, mãi không cất mặt lên được.

“Bây giờ thì khác” - già Chót nói cụt lủn, rồi mở toang cánh cửa bên hông nhà của trưởng thôn Pổ: “Nhà của bố (tôi) ở bên kia, nhìn ngoài rứa thôi, chứ bên trong đầy đủ, không nhất nhì thì cũng có thứ hạng ở Ka Tăng”. Ngôi nhà sàn của ông Chót được bêtông hóa, sơn màu vàng nhạt hãy còn mới. Nếu so sánh với những ngôi nhà sàn của đồng bào Vân Kiều ở trên dãy Trường Sơn này, thì “nhìn ngoài rứa thôi” của gia đình ông Chót thuộc dạng “số má”, nếu không nói là đáng mơ ước của dân bản...

Theo lời Trưởng thôn Hồ Văn Pổ, không chỉ gia đình già Chót, mà 49 nóc nhà sàn ở Ka Tăng đều được bêtông hóa, hoặc bằng gỗ khang trang mà ít ở nơi nào có được. Thêm nữa, cách làm ăn, trình độ dân trí và đời sống của dân bản ngày càng được nâng lên. Ka Tăng bây giờ không còn hộ nào thiếu đói, con em trong độ tuổi đi học đều được đến trường. “Ai đi xa, khi trở về đều ngỡ ngàng vì không nhận ra Ka Tăng đầy bom đạn ngày trước. Bây giờ lạ quá, đẹp quá, từ nhà cửa đến con người, ai cũng vui mừng” - trưởng thôn Pổ nói.

Hình hài miền núi kiểu mẫu

Ông Võ Thanh nói, trước khi lên làm chủ tịch huyện, ông đã nhiều năm làm cán bộ phụ trách mảng nông nghiệp. Thời điểm đó, nếu muốn đến các vùng đồng bào thiểu số, thì phải lội bộ theo đường mòn lởm chởm đá. Mỗi chuyến công tác, phải cơm đùm gạo nắm, ở lại cùng dân bản có khi vài ngày, nhưng ông vẫn hào hứng đi, đi mãi thành quen cho đến bây giờ. Ở gần dân, biết họ thiếu thốn, từ miếng cơm manh áo đến trình độ canh tác, nên nghèo cứ mãi đeo bám.

Xác định để giúp đồng bào thiểu số thoát nghèo không phải ngày một ngày hai, nên nhiều chính sách đã được đưa ra và áp dụng. Bước đột phá giúp kéo gần khoảng cách giữa đồng bào thiểu số với người đồng bằng là ở mô hình “xen cư” và phát triển các cây càphê arabica, cây chuối mật mốc và sắn.

Ông Thanh lấy ví dụ một xóm “xen cư” ở tuyến vùng Lìa (7 xã dọc biên giới huyện Hướng Hóa) thuộc thôn Xuân Phước, xã A Dơi. Lúc trước, ở đây rất khó khăn, xa trung tâm xã nên cuộc sống thiếu trước hụt sau. Nhưng khi người đồng bằng lên đây làm kinh tế mới, người dân bản địa đã học hỏi được nhiều điều. Chẳng hạn lúc trước đồng bào trồng sắn, họ chọc một lỗ nhỏ rồi đặt hom giống xuống. Củ sắn lớn lắm bằng cổ tay đứa con nít. Khi người Kinh lên đây, cũng trồng sắn trên diện tích đất đó, nhưng mỗi củ to bằng cổ chân, mỗi hom sắn thu vài củ như vậy.

Làm có hiệu quả, người Kinh hướng dẫn cho đồng bào trồng sắn không phải chọc lỗ nhỏ, mà phải đào để đặt hom giống, sau đó vun gốc thật cao mới năng suất. Bây giờ, đi dọc cả tuyến vùng Lìa, rất nhiều nông dân là đồng bào thiểu số có tên trong câu lạc bộ trồng sắn hơn 100 triệu đồng. Không riêng ở Lìa, vùng phía tây huyện Hướng Hóa có phần lớn đồng bào thiểu số Vân Kiều - Pa Cô sinh sống cũng khởi sắc ở nhiều mặt. Những con đường lởm chởm đá ngày trước đã được xóa nhòa, thay vào đó là đường bêtông uốn lượn theo núi, hai bên là những vườn cà phê trĩu quả cho giá trị kinh tế cao...

Từ sau ngày giải phóng đến nay, các thế hệ lãnh đạo và nhân dân huyện Hướng Hóa đã cùng chung tay để xây dựng quê hương. Với lợi thế nằm trên trục hành lang kinh tế Đông - Tây, tuyến Đường 9 được xây dựng, trở thành giao thông huyết mạch nối nhiều nước trong khu vực. Ở huyện này đã hình thành các vùng sản xuất tập trung để phát huy tiềm năng, thế mạnh của các cây công nghiệp, góp phần thúc đẩy ngành nông nghiệp chuyên sản xuất theo hướng hàng hoá, mang lại giá trị kinh tế cao.

Với tốc độ tăng trưởng kinh tế hằng năm đạt trên 8,45%, riêng năm 2016 tổng giá trị sản xuất toàn huyện đạt 10.647 tỉ đồng, điều này cho thấy sự chuyển biến mạnh mẽ, bứt phá của một huyện miền núi với xuất phát điểm thấp.

Đặc biệt, đổi thay ở Hướng Hóa hôm nay dễ nhận thấy là đời sống của nhân dân ngày càng được nâng lên. Bên cạnh hai thị trấn Khe Sanh và Lao Bảo đã đạt đô thị loại IV, phát triển năng động, hiện đại được mệnh danh là “Đô thị vàng” nơi đầu cầu Xuyên Á với những căn nhà cao tầng, phố chợ sầm uất, các công trường xây dựng, các nhà máy, khu sản xuất công - nông nghiệp nhộn nhịp, thì những người đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Cô bước ra từ hoàn cảnh thiếu cái ăn, triền miên với sốt rét rừng, đói con chữ nay đã trở thành những điển hình nông dân sản xuất và làm kinh tế giỏi; những gia đình văn hóa; gia đình hiếu học...

Nói đến đây, ông Võ Thanh chỉ tay về phía thị trấn Lao Bảo, trời đã về chiều nhưng nắng chưa tắt, hình hài của một phố thị hiện ra thật đẹp. Lúc này, tôi tự trả lời được, vì sao ông Võ Thanh “đạp đất” bản Ka Tăng vào ngày mùng 2 Tết Nguyên đán. Bởi đúng ngày này 40 năm trước, TBT Lê Duẩn đã đặt chân đến Hướng Hóa, dặn dò chính quyền và nhân dân phải cố gắng xây dựng nơi này thành huyện miền núi kiểu mẫu. Và hôm nay, đứng ở trên bản Ka Tăng này, nhìn bao quát cả một vùng là sự hiện hữu của phố núi và “đô thị vàng”, nghĩa là huyện miền núi kiểu mẫu đã ở rất gần.

Ông Võ Thanh nói rằng: “Khắc ghi lời căn dặn của TBT Lê Duẩn và kế tục sự phát triển của huyện nhà, chúng tôi quyết tâm xây dựng thành công đô thị Lao Bảo vào năm 2020, từ đó Hướng Hóa mới trở thành huyện miền núi kiểu mẫu. Năm nào tôi cũng vào Ka Tăng, đứng ở đây nhìn lại những thành quả đã làm được, chưa làm được để còn biết mà phấn đấu”...
HƯNG THƠ
TIN LIÊN QUAN

Tổng LĐLĐ Việt Nam dâng hương tưởng niệm đồng chí Nguyễn Đức Cảnh

TRUNG DU |

Sáng ngày 18.1, Đoàn công tác của Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam do đồng chí Trần Thanh Hải - Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam làm trưởng đoàn đã đến dâng hương kính viếng, tưởng nhớ đồng chí Nguyễn Đức Cảnh tại TP Hải Phòng và tại quê nhà đồng chí ở tỉnh Thái Bình.

Nhiều lý do để trừ, cắt thưởng Tết của người lao động

Bảo Hân |

Vụ việc một công ty tại Bạc Liêu có thông báo về việc cắt thưởng cuối năm do không like, share bài của giám đốc đang thu hút sự chú ý của dư luận.

Giải cứu thành công người đàn ông ở dưới giếng sâu 25m trong 4 ngày

BẢO TRUNG |

Ngày 18.1, Công an huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk thông tin, đã phối hợp với phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ Công an tỉnh giải cứu thành công một người đàn ông sau 4 ngày rơi xuống giếng sâu 25m trong rẫy vắng.

Lái buôn quất cảnh: Tết năm nay không có bánh chưng

Thiều Trang |

Thẫn thờ nhìn bầu trời Hà Nội mang sắc xám, anh Trần Duy Toàn - lái buôn quất cảnh thở dài: "Năm nay gia đình tôi không có bánh chưng".

Đoàn tàu metro số 1 TPHCM chạy thử nghiệm với hệ thống bảo vệ tàu tự động

Phương Ngân |

TPHCM - Ngày 18.1, ông Nguyễn Quốc Hiển - Phó Trưởng ban Quản lý đường sắt đô thị TPHCM đã trực tiếp kiểm tra công tác chuẩn bị và chạy thử nghiệm 1 đoạn trên cao với hệ thống bảo vệ tàu tự động (ATP) của tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên).

Lịch nghỉ Tết của 19 trung tâm đăng kiểm xe trên địa bàn Hà Nội

PHẠM ĐÔNG |

Sở GTVT Hà Nội thông báo lịch nghỉ Tết của 19 trung tâm đăng kiểm xe cơ giới trên địa bàn thành phố. Đáng chú ý, nhiều trung tâm đăng kiểm ở Hà Nội nghỉ Tết muộn để phục vụ người dân.

Mai vàng cổ 100 năm giá tiền tỉ đổ bộ chợ hoa Tết Quý Mão 2023 ở TPHCM

KHÁNH LINH - ANH TÚ |

TPHCM - Tại chợ hoa xuân Phú Mỹ Hưng (quận 7), nhiều cây mai vàng cổ được các nhà vườn bày bán tập trung tại khu vực lối đi chính khiến nhiều người phải trầm trồ. Đó là những cây mai vàng cổ cao 4-5 mét, đứng sừng sững giữa chợ hoa. Người bán cây cho biết có những cây có tuổi đời chừng 100 năm, giá bán có cây lên tới 4 tỉ đồng.