Chỉ 10% số người dân tin vào thực phẩm an toàn

TRỊNH XUÂN - LÊ PHƯƠNG - THÙY LINH |

Chỉ khoảng 10% số người dân còn tin vào thực phẩm sạch, một chiếc bánh trung thu, một sợi bún có tới 3-4 bộ cùng quản lý, việc thực hiện công tác giám sát an toàn vệ sinh còn yếu, cơ chế quản lý chồng chéo, giẫm chân nhau... là vấn đề liên quan đến thực trạng thực phẩm bẩn tràn lan hiện nay đã được Quốc hội thảo luận trong ngày hôm qua. Đoàn giám sát của Quốc hội nhận định: Để xảy ra tình trạng mất an toàn thực phẩm, trách nhiệm chính thuộc về cơ quan quản lý nhà nước. Còn Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thì đề nghị “phải đưa nội dung an toàn thực phẩm vào tiêu chí thi đua...”.

Pháp luật về an toàn thực phẩm... thi hành chậm

Thực hiện Chương trình kỳ họp thứ 3, ngày 5.6, Quốc hội dành cả ngày để thảo luận ở hội trường “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2016”. Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng trình bày báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2016.

Báo cáo nêu: Văn bản chính sách pháp luật về an toàn thực phẩm thời gian qua đã được ban hành tương đối đầy đủ, kịp thời, tuy nhiên việc ban hành văn bản hướng dẫn thi hành còn chậm, chưa được hệ thống hóa, gây ảnh hưởng tới việc thực thi Luật; một số quy định chưa phù hợp với quản lý an toàn thực phẩm, tính khả thi chưa cao. Một số quy định về phân công trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm còn chồng chéo, chưa rõ ràng…

Tình hình ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm diễn ra khá nghiêm trọng. Trung bình có 167,8 vụ/năm với 5.065,8 người mắc/năm và 27,3 người chết do ngộ độc thực phẩm/năm. Giai đoạn 2011 - 2016, đã ghi nhận 7 bệnh truyền qua thực phẩm làm mắc 4.012.038 ca bệnh với 123 người chết, trung bình mỗi năm có 668.673 ca bệnh và 21 người chết. Mỗi năm có khoảng 70.000 người chết do ung thư và hơn 200 ngàn ca phát hiện mới, trong đó có một phần nguyên nhân từ việc sử dụng thực phẩm không an toàn.

Đoàn giám sát nhận định: Để xảy ra tình trạng mất an toàn thực phẩm như trên, trách nhiệm chính thuộc về cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình cá nhân sản xuất, kinh doanh 
thực phẩm.

Lợn chết bị phát hiện trong một “tổng kho” ở Cao Bằng.Ảnh: PV

“3 bộ quản lý một sợi bún”

Hiện nay, quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm gồm 3 cơ quan: Bộ Y tế, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Nhiều đại biểu Quốc hội nhìn nhận, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng yếu kém trong công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm hiện nay là do sự phân công quản lý nhà nước chưa hợp lý. Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình) cho rằng, không làm rõ được trách nhiệm của mỗi bộ, ngành, địa phương, sẽ khó đảm bảo trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có nhiệm vụ quản lý an toàn thực phẩm trong thời gian tới.

Đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) đưa một ví dụ: Đơn cử như việc quản lý chất lượng bún đang được cả 3 bộ chịu trách nhiệm: Nguyên liệu bột gạo, nước để làm bún thuộc trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; sản phẩm tinh bột thuộc về Bộ Công Thương; sản phẩm bún bán trên thị trường nếu chứa chất gây ngộ độc cho người tiêu dùng thì trách nhiệm thuộc Bộ Y tế. Đại biểu Nhân nhấn mạnh, dẫn chứng này một lần nữa nói lên thực trạng công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm - vấn đề đang gây nhức nhối toàn xã hội nhưng vẫn chưa có giải pháp căn cơ, triệt để.

2 luống rau, 2 chuồng gà: Lương tri ở đâu?

Theo báo cáo của Quốc hội, giai đoạn 2011-2016 ghi nhận 7 bệnh truyền qua thực phẩm làm mắc hơn 4 triệu ca bệnh với 123 người chết, trung bình mỗi năm có 668.673 ca bệnh và 21 người chết. 35% số ca ung thư do thực phẩm không an toàn. Bên cạnh đó, hằng năm nước ta đang bỏ ra không dưới 770 triệu USD để nhập khoảng 100.000 tấn thuốc bảo vệ thực vật với hơn 4.000 loại khác nhau. Trong đó 90% từ Trung Quốc, nhưng tại chính quốc gia này chỉ đang cho lưu hành 630 loại thuốc. ĐB Phạm Trọng Nhân thừa nhận: “Những gì chúng ta biết và xử lý được chỉ là phần nổi của tảng băng trôi, trong khi mức độ nghiêm trọng ngày càng tăng”.

Thừa nhận đến giờ này ở nhiều nơi, người trực tiếp sản xuất vẫn duy trì 2 luống rau, 2 chuồng gà, 2 chuồng lợn,… Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến báo động lương tri của người sản xuất, DN và nhà sản xuất coi thường sức khoẻ người dân vì lợi nhuận. “Tôi kiến nghị chúng ta sửa ngay Nghị định 38, Nghị định 118 và Luật ATTP theo chỉ đạo của Chính phủ sẽ có đầu mối. Luật Hình sự cũng sẽ đưa ra vấn đề xử phạt vi phạm trong thực phẩm…” - bà Tiến chia sẻ.

Trong phần phát biểu của mình, sau khi lắng nghe ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng: Chúng ta khó tổ chức được một cơ quan thuộc Chính phủ hay một bộ. Bởi lẽ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chuyên nuôi trồng không thể quản lý thực phẩm chức năng. Do đó, có cơ chế giao nhiệm vụ theo từng việc chính cho từng bộ, ngành.

“Chúng ta có nhiều nỗ lực nhưng chưa đạt được yêu cầu, cần quyết tâm hơn, sự kiên trì hơn - Phó thủ tướng nhận định - “Chúng tôi đồng tình ý kiến của ĐBQH, tới đây vấn đề đảm bảo ATTP phải đưa vào tiêu chí thi đua như làng văn hóa, nông thôn mới”.

Thủ tướng Chính phủ: Phải tăng mức phạt vi phạm an toàn thực phẩm

Thủ tướng Chính phủ vừa ra văn bản ngày 4.6, chỉ đạo về việc thực hiện Kết luận số 11-KL/TW về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 08-CT/TW của Ban Bí thư khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với vấn đề an toàn thực phẩm (ATTP) trong tình hình mới. Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khẩn trương tổ chức quán triệt đầy đủ, toàn diện chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng tại Kết luận số 11, nhất là các chủ trương, chính sách mới về quản lý, bảo đảm ATTP, trước hết là đối với các cơ quan, tổ chức, cán bộ, công chức, viên chức trực tiếp thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo đảm ATTP; hoàn thành trong quý III/2017. Thủ tướng chỉ đạo tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm về ATTP. Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Y tế khẩn trương hoàn thành việc xây dựng và trình Chính phủ Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 38/2012/NĐ-CP ngày 2.4.2012 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật ATTP; chậm nhất tháng 11.2017 trình Chính phủ Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 178/2013/NĐ-CP ngày 14.11.2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính về ATTP theo hướng tăng mức xử phạt, bảo đảm tính răn đe. Thủ tướng cũng yêu cầu đẩy mạnh, khuyến khích sản xuất, chế biến thực phẩm theo chuỗi và tăng cường quảng bá các thương hiệu mạnh về ATTP.   T.C.A

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TPHCM) - Trưởng ban Ban Quản lý An toàn thực phẩm TPHCM: Phải quy được trách nhiệm của chủ với sức khỏe công nhân.

Công tác quản lý an toàn thực phẩm theo kiểu “cắt ngang”, nói nôm na là sản phẩm ở ruộng, ở chuồng là trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong quá trình phân phối, kinh doanh thì thuộc quyền Bộ Công Thương, khi “lên mâm” thì của Bộ Y tế và việc quản lý như vậy gây ra sự cắt khúc.

Các bếp ăn tập thể có nguy cơ ngộ độc rất lớn khi nguồn thực phẩm và quy trình chế biến không bảo đảm. Vì thế, phải có cơ chế để quy được trách nhiệm đối với chủ doanh nghiệp về sức khỏe công nhân. Đặc biệt, cần có cơ chế ưu đãi, khuyến khích cho các doanh nghiệp để doanh nghiệp đem thực phẩm an toàn đến với công nhân và người thu nhập thấp.

 


 

 

TRỊNH XUÂN - LÊ PHƯƠNG - THÙY LINH
TIN LIÊN QUAN

Tổng LĐLĐ Việt Nam dâng hương tưởng niệm đồng chí Nguyễn Đức Cảnh

TRUNG DU |

Sáng ngày 18.1, Đoàn công tác của Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam do đồng chí Trần Thanh Hải - Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam làm trưởng đoàn đã đến dâng hương kính viếng, tưởng nhớ đồng chí Nguyễn Đức Cảnh tại TP Hải Phòng và tại quê nhà đồng chí ở tỉnh Thái Bình.

Giải cứu thành công người đàn ông ở dưới giếng sâu 25m trong 4 ngày

BẢO TRUNG |

Ngày 18.1, Công an huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk thông tin, đã phối hợp với phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ Công an tỉnh giải cứu thành công một người đàn ông sau 4 ngày rơi xuống giếng sâu 25m trong rẫy vắng.

Cựu Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội nhận 10.000 USD cảm ơn

Việt Dũng |

Ngoài chỉ đạo cấp dưới thương thảo, đàm phán nhà thầu "hỗ trợ" 2-5% giá trị gói thầu, cựu Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội Nguyễn Quang Tuấn còn nhận "cảm ơn".

Lái buôn quất cảnh: Tết năm nay không có bánh chưng

Thiều Trang |

Thẫn thờ nhìn bầu trời Hà Nội mang sắc xám, anh Trần Duy Toàn - lái buôn quất cảnh thở dài: "Năm nay gia đình tôi không có bánh chưng".

Đoàn tàu metro số 1 TPHCM chạy thử nghiệm với hệ thống bảo vệ tàu tự động

Phương Ngân |

TPHCM - Ngày 18.1, ông Nguyễn Quốc Hiển - Phó Trưởng ban Quản lý đường sắt đô thị TPHCM đã trực tiếp kiểm tra công tác chuẩn bị và chạy thử nghiệm 1 đoạn trên cao với hệ thống bảo vệ tàu tự động (ATP) của tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên).

Lịch nghỉ Tết của 19 trung tâm đăng kiểm xe trên địa bàn Hà Nội

PHẠM ĐÔNG |

Sở GTVT Hà Nội thông báo lịch nghỉ Tết của 19 trung tâm đăng kiểm xe cơ giới trên địa bàn thành phố. Đáng chú ý, nhiều trung tâm đăng kiểm ở Hà Nội nghỉ Tết muộn để phục vụ người dân.

Mai vàng cổ 100 năm giá tiền tỉ đổ bộ chợ hoa Tết Quý Mão 2023 ở TPHCM

KHÁNH LINH - ANH TÚ |

TPHCM - Tại chợ hoa xuân Phú Mỹ Hưng (quận 7), nhiều cây mai vàng cổ được các nhà vườn bày bán tập trung tại khu vực lối đi chính khiến nhiều người phải trầm trồ. Đó là những cây mai vàng cổ cao 4-5 mét, đứng sừng sững giữa chợ hoa. Người bán cây cho biết có những cây có tuổi đời chừng 100 năm, giá bán có cây lên tới 4 tỉ đồng.