Đây là mô hình được Trường THPT Tây Thạnh tổ chức từ tháng 11.2022 để hỗ trợ học sinh sử dụng xe máy điện, xe đạp điện đến trường. Ông Nguyễn Quang Đạt – Hiệu trưởng nhà trường, cho biết trường hiện có khoảng 300 học sinh sử dụng xe đạp, xe máy điện.
Ông Đạt bày tỏ trăn trở khi nhiều lần chứng kiến cảnh học sinh phải dắt bộ vì lốp bị mềm; hoặc đi xe đạp điện nhưng phải đạp vì hết bình ắc quy. Hằng ngày, nhiều học sinh phải tranh thủ xin sạc điện tại một số nơi có ổ cắm xung quanh trường như hầm xe, phòng bảo vệ... Những nơi này vừa hạn chế chỗ sạc, lại không đảm bảo an toàn cháy nổ. Từ đó, hiệu trưởng đã nghĩ đến phương án thực hiện một trạm sạc rộng rãi, thoáng mát và đảm bảo an toàn cho học sinh.
"Thực sự tôi muốn làm trạm sạc cho học sinh từ lâu, nhưng trường phải thực hiện trước nhiều hạng mục quan trọng như sửa sang nhà vệ sinh, cải tạo khuôn viên trường, trang bị ghế đá cho học sinh không bán trú ở lại buổi trưa... Đến nay, khi các hạng mục trên đã ổn định, tôi mới chia sẻ ý tưởng này cho ban đại diện cha mẹ học sinh để hỗ trợ thực hiện", ông Đạt cho biết.

Trạm sạc là công trình do ban đại diện cha mẹ học sinh tài trợ cho nhà trường theo hình thức "Chìa khóa trao tay". Phụ huynh mời đơn vị thiết kế, thi công điện để thực hiện công trình trạm sạc với 24 ổ cắm, mỗi ổ có 2 chấu sạc. Mỗi lần sạc sẽ có tối đa 48 xe. Trạm sạc cũng được trang bị mái che nắng mưa, bình cứu hỏa và hệ thống chống giật, ngắt điện tự động khi xảy ra sự cố. Ngoài ra, trạm sạc được trang bị thêm 8 bơm xe loại dùng tay và dùng chân. Tổng kinh phí thực hiện công trình này là khoảng 100 triệu đồng.
Học sinh được sử dụng hoàn toàn miễn phí công trình này, mọi chi phí phát sinh như tiền điện, kiểm tra bảo dưỡng... đều do nhà trường chi trả. Theo ghi nhận, từ ngày khai trương, trạm sạc luôn trong tình trạng "đắt khách" và nhận được sự hưởng ứng của học sinh.