Duy nhất Hà Nội chưa cho trẻ mầm non đến trường
Mới đây, tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3.2022, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Hoàng Minh Sơn cho biết, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ GDĐT đã hướng dẫn các địa phương triển khai, tổ chức cho học sinh trở lại trường học trực tiếp.
Theo thống kê của Bộ GDĐT, tính đến ngày 4.4, có 62/63 tỉnh/thành phố tổ chức cho trẻ mầm non đi học trực tiếp. Hà Nội là địa phương duy nhất chưa có kế hoạch tổ chức học trực tiếp đối với bậc học này.
Đối với bậc tiểu học có 63/63 tỉnh/ thành phố tổ chức học trực tiếp. Mới đây, Hà Nội là địa phương cuối cùng quyết định cho học sinh tiểu học và học sinh lớp 6 đi học trực tiếp từ ngày 6.4.2022. Như vậy, hiện đã có 92,17% học sinh trở lại trường học. Nếu tính cả Hà Nội, sẽ có 97% học sinh đi học trực tiếp.
Theo Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, hiện chỉ còn Hà Nội chưa có kế hoạch cụ thể cho trẻ mầm non đến trường, vì vậy lãnh đạo Hà Nội cần sớm quyết định việc này và có giải pháp phù hợp.
Mong mỏi trẻ mầm non được đi học
Đã gần một năm trôi qua, trường mầm non tại Hà Nội vẫn "cửa đóng then cài". Giáo viên mất việc, trường học giải thể, phụ huynh khốn khổ tìm giải pháp trông con... tất cả cuốn vào trận "cuồng phong" do đại dịch COVID-19 tạo ra. Rất nhiều giáo viên và phụ huynh cho rằng, khi thủ đô Hà Nội đã định hình một tâm thế mới, phần lớn các hoạt động đã bình thường trở lại, trường học nên rộng cửa đón học sinh.
Trước đó, từ cuối tháng 4.2021, con trai 5 tuổi và 3 tuổi phải ở nhà do dịch bệnh, chị Nguyễn Thị Thủy Tiên (29 tuổi, Cầu Giấy) phải đóng cửa hàng làm đẹp để ở nhà trông con. Nhiều tháng sau, khi các hoạt động dịch vụ được mở cửa trở lại, chị Tiên buộc gửi con về quê nhờ ông bà chăm sóc. Tuy nhiên, chỉ một thời gian ngắn, vì con buồn bã đòi bố mẹ nên vợ chồng chị phải đón con trở lại thủ đô.
Gần một năm trôi qua, gia đình chị Tiên vẫn mòn mỏi trông ngóng lịch đến trường. Hai con trai của chị cùng khoảng 600.000 trẻ mầm non, 140.000 trẻ 5 tuổi chuẩn bị vào lớp 1 vẫn chưa định ngày đến trường.
Chia sẻ với Lao Động, chị Tiên nhắc đi nhắc lại câu hỏi: "Tại sao du lịch mở cửa, phố đi bộ hoạt động, trẻ em theo bố mẹ đi ăn uống, đi du lịch nhưng lại không được đến trường học tập vui chơi? Thành phố Hà Nội còn chần chừ gì nữa?".
Chị Lê Thị Phượng (35 tuổi, Hai Bà Trưng) cho biết, trẻ mầm non là đối tượng cần được tương tác để phát triển về thể chất và tinh thần. Việc giữ trẻ ở nhà quá lâu khiến con bị ảnh hưởng về vấn đề giao tiếp, có xu hướng nghiện điện thoại, tivi. Đặc biệt, thời điểm này khó tìm giáo viên hay nhóm trông trẻ tại nhà vì đã kín lớp.
"Nếu chưa mở cửa đồng bộ, thành phố có thể thí điểm hoặc mở cửa trường lần lượt dựa trên nhu cầu và tinh thần tự nguyện của phụ huynh. Nghỉ gần một năm là quá đủ rồi, thủ đô cũng đã định hình một tâm thế mới, trường học nên rộng cửa đón học sinh" - chị Phượng mong mỏi.
Không chỉ phụ huynh, giáo viên cũng khao khát tiếng cười trẻ thơ, mong mỏi ngày đến lớp. Từng làm công nhân thời vụ, đi vay nợ để trang trải cuộc sống, cô Trần Kim Vân - giáo viên mầm non tại Bắc Từ Liêm (Hà Nội) vẫn mong mỏi chờ ngày được đón trẻ đến lớp.
"Gần 1 năm qua, chúng tôi sống trong khốn khó, bươn chải đủ nghề để có tiền trang trải. Hiện tại, tôi chỉ mong dịch bệnh mau chóng qua đi, học sinh được đến lớp, giáo viên được đến trường, cuộc sống trở lại như trước kia, để trường mầm non luôn ngập tràn nụ cười con trẻ" - cô Vân hy vọng.