Học sinh ngơ ngác vì chưa thấy bao giờ
"Cửa đóng then cài", nằm ngay "tử cấm thành", không rõ vị trí, chưa thấy bao giờ... là những cụm từ chỉ phòng tư vấn tâm lý học đường do học sinh chia sẻ. Quay trở lại trường học tập trực tiếp, được gặp gỡ bạn bè thầy cô là niềm vui lớn của Nguyễn Thu Tr (học sinh lớp 9 tại Thanh Trì, Hà Nội). Tuy nhiên, sau quãng thời gian dài học trực tuyến do đại dịch COVID-19, cộng thêm nỗi lo về kỳ thi vượt cấp sắp tới, Trà mang trong mình nhiều áp lực.
Cô học trò lớp 9 cho biết, bản thân chưa từng tâm sự với giáo viên hay chuyên gia tâm lý nào ở trường, bởi phòng tư vấn tâm lý nằm ở đâu em cũng không biết. Trà cũng tỏ ra e ngại về việc gặp gỡ trực tiếp hay chủ động liên hệ với giáo viên để giải đáp thắc mắc hay nhận sự tư vấn về học tập, cuộc sống.
"Em không rõ vị trí của phòng tư vấn tâm lý học đường, em cũng chưa nghe bao giờ. Em nghĩ trường sẽ có nhưng cơ bản học sinh có dám mở lòng tại đó hay không? Với bản thân em, em chưa thực sự tin tưởng, cũng không đủ thân thiết để giãi bày với các thầy cô. Vì vậy, em không tâm sự với ai, mỗi lúc áp lực em sẽ bật nhạc đi ngủ và tự an ủi mình bằng cách "kệ đi, kiểu gì cũng giải quyết được" - Trà bộc bạch.
Tỏ ra bất ngờ về cụm từ "phòng tư vấn tâm lý", Nguyễn Việt Hoàng (học sinh lớp 12 tại Phúc Yên, Vĩnh Phúc) cho biết, bản thân chưa bao giờ nghe thấy thầy cô nhắc đến bộ phận này trường học. Hoàng cho hay, chính em và các bạn học sinh cuối cấp hiện nay có rất nhiều áp lực về học tập, thành tích, tương lai... Thậm chí, nhiều áp lực lại đến từ chính gia đình và nhà trường, khiến các em mệt mỏi.
"Nếu có một phòng tư vấn tâm lý học đường đúng nghĩa, có các chuyên gia hỗ trợ, chúng em sẽ tìm đến. Nếu được như vậy, học sinh sẽ có nơi giãi bày, không sợ ai biết và sẽ nhận được những lời khuyên cũng như cách giải quyết phù hợp với vấn đề mình đang gặp phải" - Hoàng nói.
Không đủ tin tưởng để chia sẻ
Không dám vào phòng tư vấn tâm lý do căn phòng này nằm ngay trong dãy nhà hiệu bộ, Lê Thị H.Tr (học sinh lớp 8 tại Đông Sơn, Thanh Hóa) đã từng gặp trực tiếp giáo viên chủ nhiệm để tâm sự vì cô là người tâm lý và hiểu học trò. Tuy nhiên, cuộc trò chuyện giữa hai cô trò đã bị nhiều học sinh, giáo viên khác biết.
"Lúc đó, em thật sự rất buồn. Em đã đặt niềm tin sai chỗ vì câu chuyện giữa em và cô lại bị nhiều người biết. Vì vậy, sau đó, em không bao giờ nói chuyện hay tâm sự với ai trong trường. Thật sự, nếu phòng tư vấn tâm lý chuyển sang một nơi khác, ở đó có các chuyên gia tâm lý, các thầy cô em không quen biết, em sẽ sẵn sàng chia sẻ và nhận lời khuyên hơn" - Trang mong mỏi.
Khẳng định công tác tư vấn tâm lý trong cơ sở giáo dục là điều rất quan trọng, giúp học sinh đang gặp phải khó khăn về tâm lý trong học tập và cuộc sống tìm hướng giải quyết phù hợp, cô Nguyễn Thị Nga - giáo viên Ngữ Văn, Trường THPT Đông Sơn 1 (Thanh Hóa) - cho rằng, các nhà trường nên đẩy mạnh công tác truyền thông, giới thiệu hoạt động của phòng tư vấn tâm lý đến học sinh để các em có thể đến giãi bày.
Bên cạnh đó, cần xác định rõ thời gian hoạt động của phòng tư vấn tâm lý, không gian tư vấn. Đặc biệt nâng cao phẩm chất và năng lực của các thầy cô tham gia tư vấn, tạo niềm tin cho học sinh dễ chia sẻ.
Trao đổi về vấn đề trên, cô Ngô Thị Bích Thủy - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Dịch Vọng A (Cầu Giấy, Hà Nội) - nói rằng, nhiều năm nay, giáo viên đang làm công việc kiêm nhiệm, đảm nhiệm nhiều vai cùng một lúc. Theo đó, chỉ có một số giáo viên phụ trách trực tiếp được học bồi dưỡng có chứng chỉ, nhưng vẫn không phải chuyên gia tư vấn tâm lý cho học sinh.
"Điều chúng tôi mong mỏi nhất hiện nay là có nhân sự thuộc tổ tư vấn học đường là chuyên gia tư vấn tâm lý có chuyên môn, giúp đỡ và hỗ trợ học sinh về mặt tâm lý" - cô Thủy nói.