Làm đủ mọi nghề
Từ ngày dịch COVID-19 bùng phát, trường mầm non tạm đóng cửa, chị Trần Thị Hoa (SN 1997) - giáo viên mầm non quận Hà Đông - phải nghỉ ở nhà, nhận làm thêm công việc bán đồ ăn vặt online. Nếu như trước kia, mỗi ngày, chị Hoa đều chia sẻ hình ảnh lớp học lên mạng xã hội, thì giờ đây, trang Facebook cá nhân của chị đang tràn ngập thông tin bán đồ ăn sẵn, nhận ship hàng 24/24.
Chị Trần Thị Hoa chia sẻ: "Trường học đóng cửa triền miên. Mức lương giáo viên mới đi làm chưa được nổi 5 triệu đồng/tháng nên nhiều chị em buộc phải tìm cách xoay xở. Người thì tranh thủ đi buôn, bán rau, bán hoa quả, đồ ăn vặt online... Do không có nhiều vốn liếng nên khi khách đặt mặt hàng nào thì tôi sẽ phải báo lại với tổng kho. Nếu đơn hàng thành công thì những cộng tác viên như tôi sẽ được nhận % hoa hồng từ 20.000 - 30.000 đồng/sản phẩm".
Cũng rơi vào hoàn cảnh “cực chẳng đã", chị Lê Thị Xuân - giáo viên trường mầm non Hoa Hồng, Hà Nội - cũng đang phải rẽ ngang, rẽ dọc, nhận làm mi giả tại nhà để mưu sinh. Từ ngày trường học đóng cửa, với mức lương giáo viên ít ỏi, chị Xuân đã phải tìm mọi cách để thắt chặt chi tiêu, duy trì cuộc sống.
Theo chị Xuân, với mức lương chỉ có 3 - 4 triệu đồng/tháng, nếu như giáo viên mới vào nghề, chưa lập gia đình như chị thì vẫn đủ mức chi tiêu cơ bản nếu biết tiết kiệm. Còn đối với nhiều chị em giáo viên tại trường, đang nuôi con nhỏ thì đây là một áp lực tài chính rất lớn, không biết phải dựa vào đâu để sống?
Cần có giải pháp hỗ trợ giáo viên
Thực tế, theo ghi nhận của Lao Động, có không ít chủ trường, đặc biệt là giáo viên mầm non cũng đang gặp khó khăn về tài chính trong dịch COVID-19. Đóng cửa trường học triền miên, nhiều giáo viên buộc phải xoay xở, làm đủ mọi nghề để kiếm sống. Đa số những giáo viên mầm non khi được hỏi, họ đều mong dịch bệnh nhanh chóng qua đi để có thể quay trở lại trường, ổn định công việc trong thời gian sớm nhất.
Mới đây, tại phiên giải trình do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội tổ chức, nhiều đại biểu Quốc hội, cử tri ngành Giáo dục đã đặc biệt quan tâm đến vấn đề chính sách đãi ngộ, lương nhà giáo. Số liệu thống kê, hiện có khoảng 50% giáo viên trên cả nước chỉ nhận được mức lương 5 - 6 triệu đồng/tháng, những giáo viên có thâm niên cũng chỉ nhận 9 - 10 triệu đồng/tháng. Giáo viên trẻ mới ra trường, đặc biệt là giáo viên mầm non lương chỉ có khoảng 3 triệu đồng/tháng.
Trả lời về nội dung này, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết: Xét trên mặt bằng chung, lương viên chức ngành Giáo dục đã ở mức cao hơn. Nhưng xét về đặc thù nghề nghiệp đào tạo nguồn nhân lực, giáo dục là quốc sách hàng đầu thì mức lương này vẫn còn nhiều bất cập. Không chỉ riêng ngành Giáo dục mà nhiều ngành khác cũng đang gặp bất cập về chế độ tiền lương.
Để giải quyết vấn đề tiền lương giáo viên, Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng phối hợp, sớm nghiên cứu, đề xuất, giải quyết trước mắt các chế độ phụ cấp, chính sách tiền lương mới. Trong đó, lương của nhà giáo sẽ được trả tương xứng với tính chất mức độ phức tạp của công việc và đặc thù nghề nghiệp, không thấp hơn mức lương hiện hưởng.
Qua đó, giảm dần số lượng viên chức giáo dục hưởng lương từ ngân sách nhà nước và tăng số lượng viên chức giáo dục hưởng lương từ nguồn thu sự nghiệp tương ứng. Cải thiện điều kiện làm việc, chế độ đãi ngộ, tạo động lực cho cán bộ, giáo viên cống hiến, gắn bó thông qua các cơ hội phát triển liên tục trong nghề nghiệp.