Mới đây, đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội kiến nghị Chính phủ xem xét trình Quốc hội sửa đổi Bộ Luật Lao động theo hướng giữ nguyên độ tuổi nghỉ hưu đối với giáo viên mầm non, tiểu học, THCS như trước đây.
Cụ thể, đối với nam sẽ nghỉ hưu ở tuổi 60, nữ nghỉ hưu tuổi 55 nhằm phù hợp với đặc điểm tâm lý lứa tuổi của học sinh các cấp học này với giáo viên.
Thời gian vừa qua, câu chuyện nghỉ hưu nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Nhiều giáo viên "xin đừng" tăng tuổi nghỉ hưu vì học sinh và vì sự nghiệp giáo dục.
Đến tuổi "xế chiều" không ít thầy cô giáo bước vào thời kỳ suy giảm sức khoẻ, giảm sút thị lực, dẫn đến khó đáp ứng sự đòi hỏi và áp lực cao trong công việc giảng dạy. Đặc biệt, giai đoạn hiện nay, ngành giáo dục đang áp dụng chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới. Việc đổi mới toàn diện đòi hỏi giáo viên phải "mới", phải nhanh nhạy, năng động.
Tâm tư về độ tuổi nghỉ hưu, cô Lê Thị Bá (54 tuổi) – giáo viên cấp THCS tại Gò Công Đông, Tiền Giang cho rằng, 60 tuổi nghỉ hưu là sự quá tải với giáo viên. Những người đứng lớp lúc bấy giờ không đủ sức khoẻ, tinh thần để tiếp tục đứng lớp.
Làm nghề giáo đòi hỏi phải thức khuya, dậy sớm soạn giáo án, đứng lớp giảng nhiều giờ, quản lý học sinh, thậm chí phải làm thêm để kiếm thêm thu nhập, bởi đồng lương hiện tại không đủ đáp ứng nhu cầu cuộc sống.
“Ngoài công việc giảng dạy, giáo viên phải xử lý hồ sơ, sổ sách, tập huấn, tham gia các cuộc thi. Hơn nữa, ngành giáo dục đang áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới nên có rất nhiều công văn, chỉ đạo mới, giáo viên phải liên tục cập nhật thông tin.
Kéo theo đó là thay sách giáo khoa, giáo viên gặp áp lực khi thay mẫu giáo án, đề kiểm tra, phương pháp giảng dạy. Trau dồi, nâng cao kiến thức chuyên môn rất hào hứng nhưng phải xử lý nhiều công việc khác khiến giáo viên mệt mỏi áp lực” - cô Bá tâm sự.
Không những lo lắng về sự đổi mới, cô Bá còn băn khoăn vì hiện đang đảm nhận rất nhiều vai trò. Ngoài việc đứng lớp cô còn làm tổ trưởng chuyên môn, chủ tịch công đoàn, quản lý bộ môn tiếng Anh của huyện… Nhiều khi mệt mỏi muốn nghỉ nhưng vì trách nhiệm, sự tin tưởng, tín nhiệm nên phải cố.
“Năm nay tôi 54 tuổi, tôi rất muốn nghỉ hưu sớm vì áp lực công việc. Giáo viên lớn tuổi lại hay quên, dẫn tới chậm trễ cho người khác. Áp lực bị trách phạt, trừ điểm thi đua cứ thế dồn nén.
Nhiều khi phải nhờ giáo viên trẻ cùng tổ có công việc gì nhớ nhắc nhở tôi để kịp làm cho ngày mai. Thậm chí, muốn đi khám sức khoẻ nhưng không có thời gian để khám định kỳ, dẫn đến việc thờ ơ với sức khoẻ của bản thân. Trừ khi quá mệt mỏi hay ốm đau mới đi khám” - cô Bá thở dài.
Đây là nỗi niềm không chỉ của riêng cô Bá mà rất nhiều giáo viên khác. Tuổi tác cao, người lái đò mong mỏi nghỉ sớm hưu sớm để học sinh không thiệt thòi và cũng đảm bảo chính sức khỏe và tinh thần của mình.