Sốt ruột đợi ngày con được đến trường
Sau gần 2 năm con học trực tuyến, chị Nguyễn Thị Ngọc Anh (Cầu Giấy, Hà Nội) tha thiết mong con sớm được trở lại trường để học tập và vui chơi cùng bạn bè bởi sau thời gian dài ở nhà, con trai 10 tuổi của chị gặp nhiều hệ quả đáng báo động: gù lưng, cận thị, cơ thể yếu ớt vì thiếu vận động, thiếu kỹ năng giao tiếp,….
“Nhiều khi cuối tuần, tôi rủ cháu ra ngoài chơi, cháu cũng từ chối vì chỉ thích ở nhà để xem tivi, điện thoại, máy tính. Tôi chỉ sợ kéo dài con sẽ bị tự kỉ” – chị Ngọc Anh chia sẻ.
Lo lắng cho sức khỏe tinh thần, thể chất của con, chị Ngọc Anh dành nhiều thời gian hơn để kèm con học vào các buổi tối,… Dù vậy, chị nhận định, không chỉ gặp vấn đề về tâm lí, sức học, khả năng tiếp thu bài của con cũng giảm sút đáng kể.
“Mệt mỏi và áp lực vô cùng. Chỉ mong đến ngày con được đi học lại, chỉ cần 1 buổi hay 1 tuần vài buổi để các cháu được giao tiếp, vui chơi cùng bạn bè, vất vả đến đâu tôi cũng chấp nhận” - chị Trang nói.
Trong khi gia đình chị Ngọc Anh thấp thỏm nỗi lo con mắc chứng tự kỉ thì gia đình anh Nguyễn Huy Minh (Hà Đông, Hà Nội) lại dùng đến biện pháp “cưỡng chế” để “kéo” con ra khỏi nhà, dần rời xa các thiết bị công nghệ.
Theo đó, cứ 5 giờ chiều, anh vội vàng di chuyển từ cơ quan về nhà, cùng cậu con trai học lớp 3 ra sân tập thể dục. Cuối tuần, cả gia đình sẽ dành thời gian đi chơi, có thể về thăm ông bà hoặc đến các khu vui chơi, phố đi bộ…

“Tôi thấy thật khó hiểu khi trẻ con được đi khắp nơi cùng bố mẹ nhưng lại bị cấm đến trường. Thực tế, lớp con tôi đã có đến 70% các cháu đã bị nhiễm COVID-19 và triệu chứng đều rất nhẹ, hầu hết chỉ khỏi sau 5 ngày. Vậy không có lí do gì trì hoãn việc đến trường của các con” – anh Minh tỏ ra sốt ruột.
Ngày mở cửa trường học vẫn còn là "ẩn số"
Tại phiên giải trình của Ủy ban Văn hóa - Giáo dục về tình hình tổ chức triển khai dạy học trong bối cảnh COVID-19 cuối tháng 2, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn khẳng định việc đưa học sinh quay lại trường là xu hướng tất yếu, không thể khác.
Theo Bộ trưởng, việc quay trở lại trường là tình thế buộc phải thích ứng. Vì khó có phương án toàn diện, nên cần chọn phương án khả thi hơn, dù có ảnh hưởng nhất định.
Thực tế, rất nhiều địa phương đã linh hoạt trong việc đón học sinh trở lại trường, đặc biệt là lứa tuổi mầm non, tiểu học dù dịch bệnh vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp và học sinh độ tuổi này chưa được tiêm vaccine COVID-19.
Chẳng hạn, tại Nghệ An, học sinh bậc học từ mầm non, tiểu học, THCS cho đến THPT trở lại trường học trực tiếp từ ngày 4.4. Còn tại Ninh Bình, căn cứ vào điều kiện, tình hình thực tế của từng trường để tổ chức dạy học 2 buổi/ngày và có thể cho học sinh ăn bán trú đối với học sinh tiểu học,…
Trong khi đó, tại Hà Nội, dù học sinh lớp 1-6 của các quận nội thành, trẻ mầm non toàn thành phố đã học trực tuyến tại nhà gần trọn 1 năm học nhưng trong các phương án của Sở Giáo dục và Đào tạo chưa đề cập đến thời gian quay lại trường học của các em.
Mới đây, tại cuộc họp của Thường trực Thành ủy Hà Nội về công tác phòng, chống dịch COVID-19 ngày 28.3, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng cho biết trong tuần qua số ca COVID-19 giảm sâu, tỉ lệ tử vong ở mức rất thấp.
Trao đổi sau cuộc họp, ông Đinh Tiến Dũng đề nghị ngành Y tế và các địa phương phải rà soát công tác chuẩn bị, bảo đảm sẵn sàng phương án, tổ chức diễn tập tiêm vaccine cho trẻ dưới 12 tuổi, để khi có thuốc, có phác đồ là triển khai tiêm nhanh, hiệu quả như đợt tiêm cho trẻ 12-17 tuổi như năm 2021.
Thế nhưng lộ trình mở cửa trường học với học sinh mầm non, tiểu học thì lại không được nhắc tới.
"Phải tiêm được vaccine mới yên tâm đưa trẻ đến trường, nếu có nhiễm SARS-CoV-2 thì cũng nhẹ và giảm thiểu rủi ro" - ông Dũng nói.
Dưới góc độ chuyên gia y tế, PGS.TS Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam nhận định, đã đến lúc Hà Nội mở cửa đón học sinh trở lại trường học dù các em đã được tiêm vaccine hay chưa. Lý giải về điều này, ông nói:
"Người lớn tiêm 3 mũi vẫn có thể mắc COVID-19, trẻ em cũng vậy. Vaccine chỉ làm giảm các triệu chứng nặng khi bị lây nhiễm, mà trẻ em vốn dĩ triệu chứng nhẹ”.