Kể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với lao động nữ. Sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với lao động nam và 4 tháng đối với lao động nữ.
Nhiều người lo lắng bước qua tuổi 55 giáo viên suy giảm về sức khỏe, tinh thần, giảm sút thị lực và không thể đáp ứng được yêu cầu giảng dạy và áp lực công việc. Vì vậy, nghỉ hưu sớm là mong mỏi của rất nhiều giáo viên.
Tâm tư về vấn đề này, cô Trần Thị Duyên - giáo viên Trường THCS Nghĩa Hưng (Nam Định) cho biết, với đặc thù công việc phải giảng dạy, đứng lớp liên tục, ngoài chuyên môn còn phải quản lý, bồi dưỡng học sinh giỏi, làm sổ sách, giấy tờ… Giáo viên có tuổi gần như không đủ tinh thần để cống hiến.
Bên cạnh đó, chương trình học mới đòi hỏi giáo viên phải thay đổi tư duy, phương pháp giảng dạy, giáo án. Sách giáo khoa mới, giáo viên phải dày công nghiền ngẫm, nghiên cứu, tham khảo mới có thể mang đến hiệu quả học tập cho học sinh.
Hơn nữa, tâm lý học sinh thích những giáo viên trẻ, năng động, có nhiều phương pháp dạy mới, tạo hứng thú trong giờ học. Những giáo viên tuổi “xế chiều" tuy có kinh nghiệm và am hiểu tâm lý học sinh nhưng không quá phù hợp để đứng lớp.
Cô Duyên cho rằng, kéo dài tuổi hưu giáo viên sẽ hạn chế nguồn lực mới. Những lớp sinh viên sư phạm mới ra trường, thế hệ thầy cô giáo trẻ sẽ được đào tạo bài bản, có sức trẻ, tinh thần nhiệt huyết để tạo nên sức bật cho nền giáo dục.
Đồng quan điểm, cô Phạm Thị Nữ - giáo viên Trường THPT Trần Kỳ Phong (Quảng Ngãi) cho rằng, về hưu sớm giải quyết được nguồn lao động mới trong xã hội, tạo cơ hội việc làm cho nhiều sinh viên mới ra trường.
Cô Nữ phân tích, mỗi năm có hàng chục nghìn sinh viên sư phạm tốt nghiệp, tỉ lệ sinh viên thất nghiệp hoặc làm trái ngành rất lớn. Thực trạng lớp giáo viên trẻ ra trường không có việc làm, còn lớp giáo viên có tuổi muốn về hưu sớm nhưng không được.
“Hiện nay yêu cầu chuẩn giáo viên rất cao, giáo viên vừa là người giảng dạy, vừa là bạn, vừa am hiểu tâm lý học sinh, thành thạo công nghệ thông tin… Đối với giáo viên ở độ tuổi 60 rất khó nhanh nhạy tiếp cận những điều mới để truyền đạt cho học sinh. Tuổi cao vừa phải lo vấn đề sức khỏe lại vừa áp lực công việc chuyên môn, thực sự rất khó khăn.
Trong khi đó giới trẻ với lực lượng lao động mới dồi dào, chịu được áp lực công việc, sẵn sàng tiếp thu học hỏi… Đó là những ưu điểm dễ dàng nhìn thấy. Còn về kinh nghiệm và chuyên môn có thể học tập trau dồi thêm bằng cách đúc rút trong quá trình giảng dạy, tự học, thông qua các buổi tập huấn, học hỏi từ các giáo viên khác…” - cô Nữ bày tỏ.