Nguyện vọng 1 là nguyện vọng yêu thích nhất
Dành lời khuyên cho thí sinh khi đăng ký xét tuyển đại học năm 2022, PGS.TS Nguyễn Phong Điền - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, trước tiên thí sinh cần nắm rõ các thông tin liên quan đến đăng ký xét tuyển đã được công bố.
Theo đó, điều quan trọng nhất cần chú ý là sắp xếp nguyện vọng theo thứ tự từ cao xuống thấp. Nguyện vọng 1 là nguyện vọng cao nhất, sau đó đến nguyện vọng 2 ,3, 4, 5... Số lượng nguyện vọng phụ thuộc vào sở thích, học lực, năng lực của thí sinh. Lưu ý, nên đặt nguyện vọng 1 là nguyện vọng bản thân yêu thích nhất.
"Đến thời điểm này, nhiều em đã trúng tuyển sớm bằng các phương thức như xét học bạ, xét điểm thi đánh giá năng lực. Nếu đó là ngành học đúng với nguyện vọng các em yêu thích thì các em nên đăng ký là nguyện vọng 1.
Nếu đó chưa phải là nguyện vọng mong muốn nhất, đối sánh thấy vẫn còn cơ hội tốt hơn thì chiến thuật tiếp theo là đăng ký nguyện vọng mình yêu thích ở vị trí 1, sau đó đặt phương thức đã trúng tuyển sớm thành nguyện vọng tiếp theo" - PGS.TS Nguyễn Phong Điền chia sẻ.
Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cũng lưu ý, thí sinh cần xác định yêu cầu cần và đủ để đăng kí xét tuyển vào một trường đại học nhằm tăng cơ hội trúng tuyển. Bên cạnh đó, thí sinh nên chọn ngành trước khi chọn trường bằng tư vấn chuyên sâu, có thể theo truyền thống của gia đình hoặc sở trường bản thân.
GS.TS Lê Thanh Sơn - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Tự nhiên - cũng lưu ý, với cách thức xét tuyển như hiện nay, thí sinh nên đặt ngành, trường yêu thích ở nguyện vọng 1. Các nguyện vọng sau là ngành và trường vừa tầm với năng lực cá nhân để đảm bảo cơ hội trúng tuyển.
Lưu ý khi đăng ký nguyện vọng xét tuyển
Trước điểm mới trong quy chế tuyển sinh năm nay, TS Phạm Như Nghệ - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GDĐT lưu ý, nếu trong danh sách đăng ký nguyện vọng của thí sinh có đăng ký nguyện vọng đã trúng tuyển có điều kiện, mặc dù không phải là nguyện vọng 1 thì thí sinh vẫn có thể trúng tuyển, nếu các nguyện vọng trước đó không trúng tuyển.
Trường hợp thí sinh không đăng ký nguyện vọng nào trong số các nguyện vọng trúng tuyển có điều kiện theo quy chế tuyển sinh hiện hành, thí sinh sẽ không trúng tuyển các nguyện vọng đã được xét tuyển sớm dù được cơ sở đào tạo thông báo đủ điều kiện trúng tuyển.
Theo kế hoạch, thí sinh sẽ đăng ký, điều chỉnh, bổ sung nguyện vọng xét tuyển đại học từ ngày 22.7 đến 20.8, TS Phạm Như Nghệ lưu ý, các em được đăng ký không giới hạn số lượng nguyện vọng đăng ký xét tuyển và được điều chỉnh nguyện vọng trong mốc thời gian nêu trên.
Việc sắp xếp thứ tự các nguyện vọng do thí sinh tự lựa chọn và chịu trách nhiệm về quyết định của mình.
Để tránh sai sót khi đăng ký nguyện vọng xét tuyển, thí sinh cần thực hiện đúng, đủ, hết quy trình theo hướng dẫn và nộp lệ phí theo quy định; tránh nhầm lẫn giữa các phương thức xét tuyển, giữa các mã ngành/nhóm ngành tuyển sinh; giữa các cơ sở đào tạo (đặc biệt là các cơ sở đào tạo có các phân hiệu, hay cơ sở đào tạo ngoài trụ sở chính).
Lưu ý, phải kiểm tra các nguyện vọng xét tuyển và trúng tuyển có điều kiện đã được đăng ký chưa.
Sau khi đăng ký xét tuyển xong, thí sinh cần thoát khỏi hệ thống, đăng nhập lại, in danh sách các nguyện vọng đã đăng ký để kiểm tra, rà soát - đảm bảo các nguyện vọng đăng ký xét tuyển đã được cập nhật hợp lệ trên hệ thống.