Phát biểu tại buổi làm việc với công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở, công đoàn cơ sở trực thuộc Công đoàn Xây dựng Việt Nam, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho biết: Luật Công đoàn 2012 được Quốc hội khoá XIII thông qua ngày 20.6.2012 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2013. Sau gần 10 năm triển khai thực hiện, bên cạnh những kết quả đạt được, đã xuất hiện các yêu cầu mới đòi hỏi Luật Công đoàn cần phải được tiếp tục sửa đổi. Chính vì vậy Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam muốn khảo sát tình hình thực hiện Luật Công đoàn 2012 tại các cấp công đoàn nhằm đánh giá khách quan, toàn diện thực tiễn thi hành Luật Công đoàn 2012, qua đó xác định những kết quả đạt được, những hạn chế, bất cập và nguyên nhân trong tổ chức thi hành Luật ở các cấp công đoàn, các cơ quan, tổ chức và các doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng mong muốn lắng nghe các vướng mắc, bất cập từ thực tiễn thi hành Luật Công đoàn, những đề xuất, kiến nghị các giải pháp để giải quyết; kiến nghị sửa đổi, bổ sung Luật Công đoàn 2012 và các quy định pháp luật có liên quan, đáp ứng yêu cầu đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới.
Trong khuôn khổ chương trình buổi làm việc, các đại biểu đã nghe báo cáo tình hình thực hiện Luật Công đoàn 2012 tại Công đoàn Tổng Công ty VICEM, Công đoàn Công ty CP Sông Đà 5, Công đoàn Công ty CP VIGLACERA Tiên Sơn.
Nhìn chung, các đơn vị công đoàn các cấp trong ngành đã chấp hành và thực hiện tốt các Luật, các quyền và trách nhiệm của Công đoàn. Tích cực thực hiện công tác tuyên truyền với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, người lao động ý thức được việc chấp hành kỷ luật lao động, nhu cầu tìm hiểu pháp luật lao động và nhận thức về quyền lợi của người lao động từng bước được nâng cao; người sử dụng lao động đã có những nhìn nhận đúng đắn hơn về nghĩa vụ, quan tâm hơn đến tâm tư nguyện vọng và đời sống của người lao động, chế độ chính sách đối với người lao động được thực hiện đầy đủ, đúng pháp luật, phối hợp với tổ chức công đoàn để xây dựng quan hệ lao động hài hoà trong doanh nghiệp.
Công đoàn các cấp chủ động phối hợp với chuyên môn đồng cấp tham gia thanh tra, kiểm tra, kiểm soát hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị; đẩy mạnh việc thành lập công đoàn cơ sở và phát triển đoàn viên mới; xây dựng mối quan hệ với Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp; tham gia giải quyết các tranh chấp và thực hiện chế độ tài chính Công đoàn…
Tại buổi làm việc, ông Ngọ Duy Hiểu ghi nhận những kết quả cũng như giải pháp mà các cấp Công đoàn ngành Xây dựng Việt Nam đã đạt được trong việc triển khai thực hiện Luật Công đoàn năm 2012; báo cáo các đơn vị được chuẩn bị cẩn thận, tỉ mỉ, nêu bật được những kết quả trong quá trình thực hiện Luật Công đoàn 2012.
Đồng thời cho biết các kiến nghị, đề xuất của các đơn vị sẽ góp phần phục vụ công tác điều chỉnh, sửa đổi Luật Công đoàn trong thời gian tới.