Khó khăn nhưng không được hỗ trợ
Anh Lê Văn Thi - Trưởng tàu SE22/21 Trạm tiếp viên Đường sắt Đà Nẵng - đã phải tạm hoãn hợp đồng lao động 5 tháng. Dịch bệnh COVID-19 bùng phát, các địa phương phải thực hiện giãn cách theo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, không cho phép các đoàn tàu đón trả khách tại các ga dọc tuyến đường sắt. Do đó Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam phải dừng tất cả đoàn tàu khách trên toàn mạng lưới đường sắt quốc gia mà không có bất cứ quyết định nào của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc dừng hoạt động đối với doanh nghiệp.
Để có thu nhập, trong 5 tháng qua, anh Thi xin đi làm bốc vác. Tiền công được trả theo ngày. Anh Thi tâm sự mình còn may mắn vì là người duy nhất trong số 17 người của tổ tàu xin được việc làm. Lúc đầu, mấy anh em nghe tin có chính sách hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp thì mừng vô cùng. Nhưng vui đấy rồi buồn đấy, khi anh Thi cùng mọi người biết mình không thuộc đối tượng được hỗ trợ, dù đã có thời gian đóng bảo hiểm.
Vợ anh Thi không làm trong ngành Đường sắt và vẫn có việc làm. Còn như vợ chồng anh Đinh Như Lưu thì vô cùng vất vả. 2 vợ chồng cùng ngành, cùng phải hoãn hợp đồng lao động do dịch COVID-19. Có thời điểm anh Lưu đã nghĩ đến việc đi làm xe ôm công nghệ, nhưng dịch bùng phát nên không được chạy xe. Hai vợ chồng vất vả ngày đêm làm tranh đính đá, mong có được thu nhập thì lại bị lừa mất hết tiền cọc.
Anh Lưu kể từng rất phấn khởi khi đồng nghiệp gửi cho đường link để khai báo nhận hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp theo Nghị quyết số 116/NQ-CP vì anh Lưu đóng Bảo hiểm thất nghiệp từ tháng 1.2009 đến tháng 4.2021.
Nhưng rồi anh buồn và thất vọng vì thấy mình không nằm trong đối tượng được hưởng trợ cấp từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp. Đến tháng 5, anh Lưu đi làm lại, rồi tiếp tục hoãn hợp đồng lao động các tháng 6, 7, 8, 9 vì các đoàn tàu phải dừng để thực hiện phòng chống dịch bệnh COVID-19.
Anh Lưu chia sẻ: “Tôi rất thất vọng vì cả 2 vợ chồng đều không là đối tượng được hưởng trợ cấp từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp theo Nghị quyết số 116/NQ-CP và Quyết định 28/2021/QĐ-TTg quy định về thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng COVID-19. Tôi và rất nhiều người lao động ngành Đường sắt có hoàn cảnh khó khăn, bị ảnh hưởng nặng nề bởi COVID-19, đã có thời gian đóng Bảo hiểm thất nghiêp nhưng giờ lại không được hỗ trợ”.
Xem xét bổ sung đối tượng
Theo Công đoàn Đường sắt Việt Nam, hơn 6.000 người lao động của ngành Đường sắt không có việc làm, phải tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương, đời sống vô cùng khó khăn. Đây cũng là những người lao động không được hưởng hỗ trợ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1.7.2021 của Chính phủ, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 7.7.2021 của Thủ tướng Chính phủ do ngành Đường sắt không đủ điều kiện “phải tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch COVID-19”.
Triển khai thực hiện Nghị quyết số 116/NQ-CP của Chính phủ, Quyết định số 28/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Công văn số 3068/BHXH-CSXH của Bảo hiểm xã hội Việt Nam thực hiện hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp, hiện nay, tại nhiều tỉnh, thành phố, đối tượng người lao động đang nghỉ việc hưởng chế độ bảo hiểm xã hội, người tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ không lương tại thời điểm 30.9.2021 vẫn thuộc danh sách tham gia Bảo hiểm thất nghiệp của đơn vị sử dụng lao động và phù hợp với quy định đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ tại Điều 1 Quyết định số 28/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ nhưng chưa được xem xét, giải quyết.
Công đoàn Đường sắt Việt Nam đã văn bản đề nghị Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Bảo hiểm xã hội Việt Nam xem xét, bổ sung đối tượng, chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể việc hỗ trợ cho người lao động đang nghỉ việc hưởng chế độ bảo hiểm xã hội, tạm hoãn hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương tại thời điểm 30.9.2021 theo Nghị quyết số 116/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 28/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.