Khi xác định không ký tiếp hợp đồng với Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF), huấn luyện viên Park Hang-seo nói rằng, đó là “lựa chọn tất yếu của ông”. Sự tất yếu ở đây là “cả ông và đội tuyển Việt Nam cần sự thay đổi để tiến bộ”.
VFF đang hướng đến huấn luyện viên Philippe Troussier để kế nhiệm vị trí của thầy Park, nhưng câu hỏi đặt ra là, ông cần mang đến những yếu tố nào để đội tuyển Việt Nam “tiến bộ”?
Trước tiên, cần làm rõ yếu tố “tiến bộ” mà bóng đá Việt Nam cần là gì. Huấn luyện viên Park Hang-seo đã mang đến những thành công đáng kể cho bóng đá Việt Nam trên các đấu trường khu vực lẫn châu lục, từ cấp độ trẻ cho đến đội tuyển quốc gia.
Vì thế, trên khía cạnh thành tích, Troussier - hoặc bất kỳ ai đó kế nhiệm, cần ít nhất duy trì được việc giành chức vô địch SEA Games (nếu kiêm nhiệm cả đội U23), AFF Cup, vào sâu tại các giải đấu như Asian Cup.
Quan trọng nữa là, khi tuyển Việt Nam cùng thầy Park đã lọt vào vòng loại thứ ba World Cup, người kế nhiệm không chỉ cần duy trì điều đó mà còn cải thiện kết quả, khi tham vọng đặt ra là tiệm cận cơ hội giành vé dự Cúp thế giới.
Tại vòng loại thứ ba World Cup 2022, tuyển Việt Nam chỉ thắng 1/10 trận (hòa 1, thua 8). Nếu so với lần đội tuyển Thái Lan lọt vào vòng loại thứ ba World Cup 2018, kết quả của tuyển Việt Nam khá hơn, nhưng đó không nên là điều để tự hào.
Và trên khía cạnh chuyên môn, để tiến bộ thì không có cách nào khác là phải tạo dựng được khả năng tổ chức tấn công tốt. Cần nhấn mạnh là “tổ chức tấn công tốt”, chứ không phải là xây dựng lối chơi tấn công.
Nói cách khác, khi huấn luyện viên Park Hang-seo đã tạo ra được nền tảng phòng ngự cho đội tuyển Việt Nam thì người kế nhiệm cần phát huy thế mạnh đó, đồng thời cải thiện khả năng tấn công.
Dưới thời huấn luyện viên Park Hang-seo, không nói đến những trận gặp các đối thủ dưới trình độ, tuyển Việt Nam thường gặp khó khi phải tổ chức tấn công trước những đội ngang cơ hoặc mạnh hơn. Hầu hết bàn thắng đến khi phản công hoặc từ những pha bóng cố định.
Khá nhiều trận đấu của đội tuyển dưới thời Park Hang-seo mang đến cảm giác bế tắc khi phải áp đặt thế trận. Có thể kiểm soát bóng nhiều hơn, bao vây vòng cấm, tạo sức ép nhưng không tìm ra cách nào xuyên thủng được hàng thủ đối phương.
Đó là bởi nhiều lúc, các cầu thủ vận dụng các pha phối hợp quá phụ thuộc theo “bài”. Mà khi đối thủ đủ thể lực, đủ trình độ để theo sát, “bài” trở nên mất tác dụng nếu không có sự đột biến.
Đột biến ở đây là gì? Là vai trò của cầu thủ nào đó trong một trận đấu cụ thể. Đó là một pha di chuyển, một đường phát động, một đường chuyền… nằm ngoài sự phán đoán của đối phương.
Cứ lấy ví dụ như Theerathon Bunmathan của đội tuyển Thái Lan tại AFF Cup vừa qua chẳng hạn, đồng đội vẫn thực hiện các bài di chuyển nhưng đội trưởng của họ xuất hiện ở vị trí quan trọng để khởi phát một pha bóng, tung ra đường chuyền kiến tạo hoặc tự mình dứt điểm.
Bóng đá Việt Nam có những nhân tố như vậy không? Có, nhưng như đã nói, chưa có sự chủ động. Đó là điều tân huấn luyện viên cần thay đổi cho đội tuyển.
Tất nhiên, còn một điều quan trọng nữa – thậm chí quan trọng nhất, là yếu tố tâm lý. Nhiều người vẫn thắc mắc vì sao các tuyển thủ vẫn thường thể hiện tốt trước các đối thủ mạnh (chỉ thua tối thiểu trước những Australia, Saudi Arabia hay Nhật Bản, Oman), nhưng khi gặp Indonesia, Malaysia, Thái Lan lại có phần lúng túng?
Mà cũng trước chính các đối thủ trong khu vực Đông Nam Á, khi phải chơi theo kiểu phòng ngự, “chiến đấu” thì tinh thần rất tốt, nhưng khi phải áp đặt thế trận lại dễ nóng vội…