“Các câu lạc bộ J.League rất thích Quang Hải vì họ đã biết rõ lý lịch của ngôi sao này. Cậu ấy là ngôi sao số 1 của bóng đá Việt Nam, tương tự như Chanathip Songkrasin của Thái Lan. Nếu cậu ấy đến chơi tại J.League, chúng tôi nghĩ rõ ràng sẽ thu hút sự quan tâm của người hâm mộ bóng đá Việt Nam, như những gì đang diễn ra tại Thái Lan”, đại diện J.League chia sẻ.
Ý định đưa Nguyễn Quang Hải sang Nhật Bản thi đấu chưa thành do câu lạc bộ Hà Nội có định hướng khác cho tiền vệ sinh năm 1997. Tuy nhiên, kế hoạch của J.League với thị trường Việt Nam vẫn sẽ không thay đổi
Muốn thành công như Thái Lan
“Những gì chúng tôi hình dung đang bắt đầu xảy ra. Thị trường Châu Á còn rất nhiều dư địa để tăng trưởng”, Kei Koyama – đại diện bộ phận quan hệ quốc tế của J.League chia sẻ.
Từ năm 2012, văn phòng chiến lược Châu Á của J.League đã được thành lập với mục tiêu chính nâng cao tầm ảnh hưởng của J.League tại các nước Châu Á, tạo ra các cơ hội kinh doanh mới cho giải đấu, các đối tác và câu lạc bộ…
Đông Nam Á với gần 700 triệu dân được xem là “mỏ vàng” để J.League khai thác. 2-3 năm gần đây, họ rất thành công tại Thái Lan khi 4 ngôi sao của họ gồm Chanathip Songkrasin (Consodale Sapporo), Theerathon Bunmanthan (Yokoham FC), Teerasil Dangda (Shimuzu S-Pulse) và Kawin Thamsatchanan (Consodale Sapporo) sang J.League thi đấu.
Hai người đầu tiên đã được các đội J.League mua đứt, khẳng định được chỗ đứng tại giải đấu, thậm chí đã vô địch. Đầu năm nay khi Shimizu chạm trán Consodale Sapporo, đó được xem như trận derby Thái Lan tại J.League, thu hút hơn 240.000 người xem trực tuyến.
Kei Koyama chia sẻ, hàng tuần có ít nhất 300.000 người xem các trận đấu J.League tại Thái Lan và đến cuối năm 2020 số lượt xem giải đấu tại đây ước đạt 10 triệu.
Giá bản quyền J.League tại thị trường nước ngoài đã tăng gấp năm lần cho giai đoạn 2019-2022, so với 3 năm trước đó. Doanh thu từ bản quyền phát sóng giải đấu ở nước ngoài ước đạt 23,68 triệu USD, trong đó Thái Lan là thị trường lớn. Bản quyền phát sóng tại nước ngoài chiếm 5% doanh thu của J.League và họ muốn tăng tỉ lệ lên này lên 10%.
Trong một cuộc khảo sát của công ty Neilsen vào năm 2019 về sở thích của người yêu bóng đá Thái Lan, 84% số người được hỏi quan tâm đến Premier League, 62% thích La Liga và 49% thích thú với J.League. “Ngày càng có nhiều cầu thủ trẻ Thái Lan quan tâm đến việc sang chơi bóng ở J.League”, Koyama nhấn mạnh.
Chanathip Songkrasin sang J.League từ năm 2017. Sau 3 năm “Messi Jay” đã tạo nên ảnh hưởng lớn tại J.League khiến những người trong cuộc phải ngạc nhiên, thích thú. “Tôi rất ngạc nhiên khi một video về buổi tập đầu tiên của cậu ấy thu hút đến 3 triệu lượt xem, nhiều hơn cả dân số của Sapporo. Anh ấy đã tạo ra ảnh hưởng rất lớn đến J.League”, Chủ tịch J.League Mitsuru Murai cho biết trên Kyodo News.
Quang Hải và khát khao tấn công thị trường Việt Nam
Ngoài việc củng cố ảnh hưởng tại Thái Lan, J.League rất mong muốn có nhiều người hâm mộ tại Việt Nam và Indonesia. “Chúng tôi muốn tạo ra một Thái Lan thứ 2”, Koyama cho biết trên Asia Nikkei. “Chúng tôi muốn hợp tác với các câu lạc bộ để thu hút nhiều tuyển thủ quốc gia từ các đội Đông Nam Á”, một giám đốc điều hành cấp cao của một câu lạc bộ J.League nói thêm.
Quang Hải được các đội bóng Nhật Bản công khai muốn đưa đến J.League thi đấu. Họ cho rằng với đẳng cấp của mình, tiền vệ sinh năm 1997 hoàn toàn có thể tạo ra chỗ đứng vững chắc tại J.League, thậm chí thành trụ cột như Chanathip. Xa hơn, Quang Hải có thể là cú hích để J.League thật sự có chỗ đứng tại thị trường Việt Nam.
Trước Quang Hải, Lê Công Vinh đã sang khoác áo Consodale Sapporo năm 2013. Công Phượng sang Mito Hollyhock, Tuấn Anh khoác áo Yokoham FC cùng năm 2015. Cả 3 câu lạc bộ này thời điểm đó vẫn khoác áo ở J.League 2 và hiệu quả mà họ mang lại tiếng vang và hiệu quả lớn như với Messi Jay sau này.
Trước mắt, Quang Hải sẽ không sang J.League như định hướng của câu lạc bộ chủ quản Hà Nội. Tham vọng của họ là hướng sang thị trường Châu Âu. Tuy nhiên mục tiêu của J.League với thị trường Việt Nam vẫn không dừng lại. Họ có thể nhắm đến những tuyển thủ khác ngoài Quang Hải.
Việc thuyết phục các câu lạc bộ Việt Nam kiên định cùng chung tay J.League nỗ lực phát triển cầu thủ là thách thức lớn. “Nhật Bản và các nước Đông Nam Á có nhiều điểm chung về văn hóa. Trong sự hiểu biết lẫn nhau ấy, chúng tôi nhìn thấy cơ hội”, Koyama chốt lại.