Những người "mắc kẹt" ở Than Quảng Ninh
"Hôm nay, mấy chục anh chị em chúng tôi chính thức thất nghiệp. Từ nhân viên bảo vệ, lái xe, phụ xe, đầu bếp, tạp vụ, khối văn phòng, bác sĩ, ban huấn luyện đội 1, ban huấn luyện các đội trẻ,... Tất cả đã phải gồng gánh suốt 10 tháng đằng đẵng nợ lương. Trong suốt nhiều năm làm việc, đã quen với những khó khăn của công ty, ai cũng nghĩ mọi chuyện rồi sẽ qua" - anh Tiến Thành, cán bộ truyền thông của câu lạc bộ Than Quảng Ninh tâm sự.
Anh Thành là một trong số những cán bộ của Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên bóng đá Quảng Ninh bị nợ lương trong nhiều tháng qua. Số tiền đó vẫn chưa biết khi nào mới được nhận lại khi câu lạc bộ Than Quảng Ninh đã chính thức dừng hoạt động hôm 25.8 vừa qua. Lý do là bởi chủ tịch Phạm Thanh Hùng không thể tiếp tục gồng gánh đội bóng khi số tiền nợ cầu thủ, cán bộ nhân viên lên đến 70 tỉ đồng.
"Nhận tin công ty sẽ dừng hoạt động qua báo đài, tất cả cùng chung cảm giác bàng hoàng và hụt hẫng. Tìm việc mới trong lúc dịch bệnh vô cùng khó khăn. Việc thanh toán tiền bảo hiểm xã hội là quá sức với ban lãnh đạo, thế nên công nhân viên cũng không thể lãnh bảo hiểm thất nghiệp cũng như được chi trả bảo hiểm y tế.
Cũng qua báo đài, được biết chủ tịch câu lạc bộ không còn khả năng chi trả, trong khi đó tỉnh Quảng Ninh cũng không có nghĩa vụ thanh toán nợ cho đội bóng. Lương không thể nhận, bảo hiểm không thể lãnh, ốm cũng "không được" đi bệnh viện. Những khoản nợ ngày một phình to. Quả là một cái kết đắng lòng cho những người đã đồng hành và bây giờ mắc kẹt lại với bóng đá Quảng Ninh", anh Tiến Thành bày tỏ nỗi lòng.
Trước đó, rất nhiều cầu thủ Than Quảng Ninh đã viết tâm thư yêu cầu lãnh đạo đội bóng đất Mỏ phải thanh toán hết số tiền nợ trong nhiều tháng qua. Đồng thời, họ cũng gửi giấy tờ liên quan đến ban kỉ luật Liên đoàn bóng đá Việt Nam, Liên đoàn bóng đá Châu Á và nếu cần là cả FIFA để giải quyết sự việc.
Đáng buồn hơn khi một số cầu thủ như Nghiêm Xuân Tú, Hoa Hùng,... cũng không được ban lãnh đạo thanh lý hợp đồng dù có nguyện vọng ra đi tìm bến đỗ mới.
Cầu thủ Than Quảng Ninh khó đòi tiền?
Dưới góc độ pháp lý, luật sự Nguyễn Đức Chánh cung cấp thông tin: “Theo luật doanh nghiệp thì các doanh nghiệp được đừng hoạt động trong vòng 1 năm, vì thế họ có quyền tạm dừng hoạt động. Đối với trường hợp của Quảng Ninh thì không thể giải thể được. Tình huống giải thể chỉ được áp dụng khi câu lạc bộ không còn bất kì 1 khoản nợ nào và hoàn thành nghĩa vụ với nhà nước như thuế, bảo hiểm xã hội, các chế độ,… thì mới được gọi là giải thể”.
Với trường hợp của Than Quảng Ninh nếu muốn chấm dứt hoạt động của doanh nghiệp này thì Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên bóng đá Quảng Ninh bắt buộc phải nộp 1 hồ sơ phá sản theo thủ tục phá sản và quy định của luật phá sản.
Luật sự Chánh cho biết: "Thật buồn, nhưng giới luật chúng tôi hay đùa vui là thủ tục phá sản có thể xem là phương án để "trốn nợ" hợp pháp. Khi làm thủ tục phá sản thì toà án sẽ thụ lí hồ sơ, thẩm phán được phân công thụ lí sẽ cùng với quản tài viên sẽ kiểm kê tài sản của doanh nghiệp này còn cái gì. Người ta sẽ lập các danh sách chủ nợ, trong đó ví dụ như người cắt cỏ đang bị nợ tiền,… cũng được coi là chủ nợ”.
Luật sư Nguyễn Đức Chánh là người đại diện hỗ trợ pháp lý cho khá nhiều cầu thủ tại V.League. Do vậy, ông từng gặp phải nhiều “ca khó” tương tự như tình cảnh của cầu thủ của Than Quảng Ninh.
"Nếu cầu thủ Than Quảng Ninh đi đòi nợ thì về mặt pháp lý là khả năng thắng rất cao, nhưng khả năng để thi hành án lại rất thấp bởi vì rõ ràng thi hành án phụ thuộc vào khả năng tài chính của doanh nghiệp nữa. Trong trường hợp này, nếu đặt ra tình huống doanh nghiệp không còn nguồn tiền để trả cho cầu thủ, tài sản không còn thì lấy gì để thi hành án”, ông Chánh nói.
Vị luật sư này chỉ ra rằng, nếu cầu thủ Than Quảng Ninh không kiện để đòi tiền thì nguy cơ mất trắng là rất cao. Nhưng nếu làm thủ tục pháp lí thì họ còn cơ may nào đó khi Than Quảng Ninh vẫn còn cái nguồn tài chính phải thu. Đây là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, trước đây có người cam kết rót vốn vào công ty là bao nhiêu tỉ, nhưng chủ sở hữu đó khi đã vào cuộc phải xác định xem vốn đã góp đủ chưa. Nếu chưa góp đủ thì đó là nghĩa vụ của chủ sở hữu. Nhưng thực tế không ai nắm được tình trạng chính xác của doanh nghiệp.
Liên đoàn bóng đá Việt Nam cũng rất khó để giúp cầu thủ đòi tiền. Ông Chánh trình bày: "Vấn đề nằm ở câu chuyện VFF sẽ hành động như thế nào để bản vệ quyền lợi cho cầu thủ. Tôi nghĩ rằng trường này rất khó để VFF can thiệp, bởi nó là quan hệ lao động giữa cầu thủ và câu lạc bộ. VFF cũng chỉ áp dụng quy định về kỉ luật thôi, chứ để giúp cầu thủ lấy lại tiền thì không thể nào can thiệp được”.