Huấn luyện viên nội chưa đủ vững
Tính từ cuối năm 2012 cho đến nay, tuyển Việt Nam có 7 huấn luyện viên dẫn dắt. Trong đó, có 4 thầy nội gồm các huấn luyện viên Phan Thanh Hùng (9.2012 - 12.2012), Hoàng Văn Phúc (5.2013 - 4.2014), Nguyễn Hữu Thắng (3.2016 - 8.2017) và Mai Đức Chung (8.2017 - 10.2017). Trong đó, ông Mai Đức Chung và Hoàng Văn Phúc chỉ đóng vai trò tạm quyền.
Các huấn luyện viên nội cũng vừa dẫn dắt tuyển Việt Nam và U23 Việt Nam tham dự các giải U23 châu Á, ASIAD và đặc biệt là SEA Games.
Huấn luyện viên Nguyễn Hữu Thắng có 8 chiến thắng, 6 trận hòa và 2 trận thua khi dẫn dắt tuyển Việt Nam. Nhưng đến SEA Games 2017, ông dẫn dắt U22 Việt Nam bị loại ngay từ vòng bảng, dẫn đến cuộc chia tay sau đó.
Trường hợp của huấn luyện viên Phan Thanh Hùng liên quan trực tiếp đến thất bại của tuyển Việt Nam tại AFF Cup 2012. Từ chỗ nhận được sự kì vọng, ekip của ông Phan Thanh Hùng trải qua những trận đấu thất vọng tại Bangkok.
Đội lần lượt thua Myanmar, Philippines rồi Thái Lan. Với chỉ 1 điểm có được, Việt Nam bị loại từ vòng bảng giải đấu. Đó cũng là lý do mà ông Phan Thanh Hùng chỉ tại vị sau 3 tháng đảm nhiệm cương vị thuyền trưởng.
Thầy ngoại an toàn hơn
Trong hơn 10 năm qua, tuyển Việt Nam mời 3 huấn luyện viên ngoại dẫn dắt.
Ông Toshiya Miura làm huấn luyện viên trưởng từ tháng 5.2014 đến tháng 1.2016. Thời điểm ấy, chiến lược gia Nhật Bản "ươm mầm" thế hệ 9x đời đầu của những Hoàng Thịnh, Thanh Trung, Văn Quyết…
Thành tích lần đầu có mặt ở vòng knock-out ASIAD cùng với đó là U23 châu Á giúp ông Miura nhận được sự ủng hộ và tin tưởng trong một giai đoạn dài.
Chỉ tiếc rằng, nhà cầm quân Nhật Bản vẫn chưa thể đưa Việt Nam đến với đỉnh cao tại Đông Nam Á, khi chỉ giành huy chương đồng SEA Games 2015 hay hạng 3 AFF Cup 2014. Dẫu sao, những dấu ấn mà ông Miura tạo dựng trong 1 năm rưỡi giúp người hâm mộ có niềm tin nhất định vào năng lực của các huấn luyện viên đến từ Đông Á.
Sau đó, VFF kí hợp đồng với huấn luyện viên Park Hang-seo là huấn luyện viên ngoại tiếp theo. Đây cũng là bước ngoặt của bóng đá Việt Nam khi nhà cầm quân Hàn Quốc gắn bó với đội tuyển Việt Nam trong hơn 5 năm, từ tháng 10.2017 đến 1.2023.
Ông trở thành một trong những huấn luyện viên gắn bó lâu nhất với tuyển Việt Nam. Huấn luyện viên Park Hang-seo trải qua 46 trận (19 chiến thắng, 14 trận hòa và 13 thất bại).
Ông Park cùng U23 Việt Nam 2 lần giành huy chương vàng SEA Games, Á quân U23 châu Á 2018, top 4 ASIAD 2018; cùng tuyển Việt Nam góp mặt trong top 8 Asian Cup 2019, vô địch AFF Cup 2018 và lần đầu dự vòng loại thứ 3 World Cup 2022.
Huấn luyện viên Philippe Troussier là trường hợp đáng tiếc nhất. Nhà cầm quân người Pháp chỉ tại vị đúng 1 năm khi dẫn dắt tuyển Việt Nam và U23 Việt Nam. Thành tích không tốt của ông Troussier với 10 thất bại trong 14 trận cầm quân là nguồn cơn dẫn đến việc VFF chia tay "Phù thủy trắng".
Nhưng cần nói thêm, đó là những trận đấu khó của tuyển Việt Nam. 9/10 thất bại của "Những chiến binh sao Vàng" đều diễn ra trước các đối thủ mạnh như Hàn Quốc, Nhật Bản, Iraq, Uzbekistan, Trung Quốc…
Ngay cả Indonesia - đội 3 lần thắng Việt Nam từ Asian Cup đến vòng loại World Cup cũng đang mạnh lên. Bản thân người hâm mộ cũng nhận ra sự thay đổi quá lớn với kế hoạch nhập tịch của Indonesia, đặc biệt là đội U23 nước này liên tục thi đấu ấn tượng tại vòng chung kết U23 châu Á 2024.
Đó có thể xem là mối lương duyên dang dở giữa ông Troussier và bóng đá Việt Nam. Dẫu vậy, nỗ lực xây dựng bóng đá Việt Nam, dựa trên kinh nghiệm cầm quân thâm niên từ huấn luyện viên Troussier cũng đã được ứng dụng trong lịch trình tập trung, rèn luyện của các đội tuyển quốc gia Việt Nam. Bản thân ông cũng dung hòa được quyền lợi của các câu lạc bộ V.League với các đợt tập trung FIFA Days.
Dựa trên cơ sở từ ông Miura, Park Hang-seo và thậm chí là Troussier, hẳn nhiên, niềm tin từ huấn luyện viên ngoại vẫn đem đến mức độ an toàn hơn so với việc lựa chọn huấn luyện viên nội, đặc biệt trong bối cảnh bóng đá Việt Nam đang cần một điểm tựa niềm tin để vực dậy sau giai đoạn gian khó.