Phản biện hay không phản biện?
Không chỉ bóng đá mà bất kỳ lĩnh vực nào, sự phản biện trên tinh thần xây dựng luôn là động lực thúc đẩy sự phát triển. Với tuyển Việt Nam, nhiều ý kiến cho rằng, ông Park Hang-seo trong vai trò huấn luyện viên trưởng đang thiếu đi sự phản biện cần thiết. Tuyển Việt Nam đang không có phong độ tốt nhưng không có sự thay đổi đáng kể nào từ lối chơi và đặc biệt là 11 vị trí trong đội hình xuất phát.
Dư luận đặt ra câu hỏi về những Văn Đức, Hồng Duy hay phần nào là cả Tiến Linh thi đấu thiếu ổn định nhưng vẫn ra sân đều đặn. Hoặc, tại sao ông Park lại đưa Thanh Bình vào sân thay Tiến Dũng để rồi trung vệ này mắc sai lầm nghiêm trọng dẫn đến 2 bàn thua của tuyển Việt Nam?
Thực tế qua góc máy quay các trận đấu, vẫn có thể quan sát thấy ông Park có sự trao đổi trực tiếp với các cộng sự của mình, trong đó có trợ lý Lee Young-jin. Có sự trao đổi hay cao hơn là phản biện hay không, câu trả lời là có.

“Trên nguyên tắc làm việc của Hội đồng huấn luyện viên quốc gia, hội đồng sẽ hỗ trợ huấn luyện trưởng hoàn thành nhiệm vụ của mình. Riêng về việc phản biện thì sau mỗi giải đấu sẽ có những cuộc họp để xem xét, rút kinh nghiệm cho những giải đấu khác sắp tới. Chứ còn thời điểm đội tuyển đang thi đấu thì không thể vì họ vẫn còn phải làm việc và thi đấu” - huấn luyện viên Phan Thanh Hùng, thành viên Hội đồng huấn luyện viên quốc gia, trao đổi với Lao Động.
Như vậy, giới chuyên môn có những cách riêng để phản biện, chứ không hoàn toàn thiếu đi những tiếng nói với ông Park. Nhưng, rõ ràng tuyển Việt Nam đang cần những sự thay đổi mang tính cấp thiết chứ không thể chờ đợi đến khi vòng loại kết thúc rồi hội đồng chuyên môn mới họp lại.
Thay đổi hay kiên định?
Mỗi huấn luyện viên có triết lý riêng của mình, triết lý ấy được xem là “xương sống” trong sự nghiệp. Có thể ông Park Hang-seo luôn theo đuổi cách xây dựng đội bóng dựa trên nền tảng phòng ngự và sơ đồ có 3 trung vệ. Cách tiếp cận trận đấu của tuyển Việt Nam trước các đối thủ mạnh luôn là lùi sâu đội hình và chờ đợi thời cơ, ít khi thầy trò ông Park đánh phủ đầu đối phương.
Nhưng khi cách đá ấy không còn hiệu quả bởi nhiều lý do như phong độ cầu thủ, sự vắng mặt của trụ cột, sức mạnh đối phương vượt trội… chiến lược gia người Hàn Quốc có nên tiếp tục kiên định hay phải thay đổi? Nếu thay đổi, nhà cầm quân người Hàn Quốc sẽ phải thay đổi điều gì?
Dưới góc nhìn cá nhân, huấn luyện viên Phan Thanh Hùng cho biết: “Nên nhớ là ở vòng đấu này, trình độ của các đội bóng rất cao, tuyển Việt Nam chọn lối chơi phòng ngự như thế là hợp lý rồi. Chúng ta không nên tạo áp lực mà hãy để huấn luyện viên Park Hang-seo có thể thoải mái, toàn tâm toàn ý làm công việc của mình. Trước mỗi trận đấu, chắc chắn ông Park đã có những tính toán kỹ lưỡng và đưa ra những sự thay đổi tuỳ theo hoàn cảnh”.

Theo ông Hùng, sai số của cầu thủ là điều bình thường và cũng không thể đoán trước. Về tổng thể, cần nhìn nhận lại chất lượng của tuyển Việt Nam so với đối thủ rồi mới có thể xây dựng các phương án hợp lý.
Sự kiên định của huấn luyện viên Park Hang-seo ít nhất giúp tuyển Việt Nam chưa thua cách biệt quá 2 bàn trước các đối thủ mạnh nhất châu lục. Dù vậy, phải nhìn nhận rằng, màn trình diễn của tuyển Việt Nam chưa thật sự mãn nhãn. Vẫn phải có điều chỉnh nhất định về nhân sự để mang đến hy vọng mới, hoặc đôi khi chỉ để chứng minh phương án ban đầu là... tốt nhất.
“Tuyển Oman có trình độ cao hơn tuyển Việt Nam, chơi bóng tốt hơn. Có thể có nhiều ý kiến khuyên ông Park nên thay đổi, nhưng tôi nghĩ rằng, trước một đội bóng mạnh, chúng ta cần tính toán kỹ lưỡng và mục tiêu hướng đến là một trận đấu hay trước đối thủ Oman" - huấn luyện viên Phan Thanh Hùng phân tích.