Hoàng Anh Gia Lai "trói chân" cầu thủ 8 năm
Lứa cầu thủ tốt nghiệp Học viện khóa 1 Hoàng Anh Gia Lai Arsenal JMG với đa số cầu thủ sinh năm 1995 như Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường… là những tài năng mà bầu Đức yêu mến.
Tất cả đã sớm ký hợp đồng chuyên nghiệp từ năm 19 tuổi, khi được đưa lên thi đấu chuyên nghiệp ở V.League 2015. Theo tiết lộ của cựu Giám đốc điều hành Huỳnh Mau, đội bóng này đã ký hợp đồng chuyên nghiệp với các cầu thủ kéo dài đến 8 năm.

Như vậy đồng nghĩa với việc, Công Phượng và nhiều đồng đội khác phải cống hiến cho đội bóng phố Núi đến năm 28 tuổi mới được phép chuyển nhượng tự do.
Theo Điều 2, khoản 18 Quy chế tư cách cầu thủ của FIFA; Quy chế bóng đá chuyên nghiệp sửa đổi bổ sung mới nhất của VFF và luật lao động, HAGL đã làm sai luật khi quy định của thời hạn một hợp đồng chuyên nghiệp chỉ là 3 năm.
Về mặt tình có thể dễ hiểu bản hợp đồng 8 năm để "trả ơn" câu lạc bộ. Nhưng về mặt lý thì đó là sự "trói buộc", khiến cho chính các cầu thủ chịu nhiều thiệt thòi.
Bầu Đức từng tuyên bố, Công Phượng không phải là để bán. Thế nhưng, liệu HAGL có còn là nơi hạnh phúc với các cầu thủ thuộc lứa tài năng nhất mà ông có? Và những cầu thủ như Tuấn Anh, Xuân Trường, Văn Toàn... có phải những "nô lệ đá bóng" như cách cảm thán của nhiều đồng nghiệp?
Hà Nội thu tiền quảng cáo từ Facebook của cầu thủ
Vào tháng 4 vừa qua, Công ty cổ phần thể thao Hà Nội T&T đã ban hành quy định về việc quản lý sử dụng hình ảnh cầu thủ, huấn luyện viên câu lạc bộ Hà Nội. Trong đó có quy định các cầu thủ sẽ phải chia sẻ cả thù lao và các khoản thu nhập nhận được khi sử dụng tài khoản cá nhân trên các trang mạng xã hội như facebook, Instagram, zalo, Twitter… để quảng bá sản phẩm, dịch vụ cho các thương hiệu.

Đây là vấn đề đang gây ra nhiều tranh luận với các ý kiến trái chiều. Một câu hỏi được đặt ra: cầu thủ quảng cáo trên Facebook bằng hình ảnh cá nhân, công cụ cá nhân nhưng phải chia sẻ cho câu lạc bộ liệu có hợp lý?
Lượng theo dõi trên trang facebook cá nhân của Quang Hải tăng đột biến với 2,2 triệu sau "cơn sốt" Thường Châu. Điều này có được phần lớn nhờ hiệu ứng U23 Việt Nam mang lại. Bên cạnh đó là nhờ vào sự xuất sắc của cá nhân Quang Hải.

Do đó mà nếu đặt giá trị hình ảnh của Quang Hải bằng các cầu thủ khác trong đội liệu có công bằng? Theo quan điểm của các chuyên gia, Hà Nội nên có cuộc đàm phán, thương lượng cụ thể với từng cầu thủ để đảm bảo quyền lợi.
Quy định mới của Hà Nội nhằm chuẩn hoá các quy định về sở hữu thương hiệu, quyền và nghĩa vụ khi sử dụng hình ảnh. Đó là điều cần khi bóng đá phát triển lên chuyên nghiệp, thế nhưng nó sẽ nảy sinh nhiều bất cập nếu áp đặt thay vì dựa trên những thỏa thuận để minh bạch, công bằng nhất...