"Ác mộng" trên đất Vientiane
Vòng loại World Cup 2022 với 3 trận đấu trên đất UAE, trong đó có 2 trận thắng Malaysia và Indonesia khiến cái tên Bùi Tấn Trường lại trở nên “nóng” hơn bao giờ hết. Cũng rất lâu rồi, hơn 10 năm thì Tấn Trường mới được nhắc đến bằng nhiều mỹ từ. Bởi sau những ngày tháng tồi tệ khi thi đấu trên đất Lào, sự nghiệp không thiếu danh hiệu cùng những hợp đồng tiền tỉ của thủ thành này luôn “mắc kẹt” trong những tin đồn tiêu cực.
Năm 2009, U23 Việt Nam dự SEA Games 25 trong niềm kỳ vọng lớn lao của người hâm mộ. Trong tay ông Calisto không thiếu những cầu thủ mà sau này thành danh như Thành Lương, Trọng Hoàng, Long Giang, Xuân Hợp, Đình Tùng, Mai Tiến Thành… và cả Bùi Tấn Trường.
Khách quan mà nói, U23 Việt Nam có lẽ chỉ gặp khó khăn trong ngày ra quân trước U23 Thái Lan, còn hành trình đến trận chung kết của chúng ta bằng phẳng. Nhưng lịch sử chỉ ra rằng, càng những giải đấu êm đềm ở phần đầu thì rất hay giông bão vào đoạn kết.
Ở trận chung kết tại Vientiane, U23 Việt Nam nhận được sự cổ vũ cực kỳ lớn từ kiều bào Việt Nam, cổ động viên từ quê nhà sang Lào. Quả thật, U23 Malaysia gây ra quá nhiều khó khăn cho chúng ta bởi lối đá rất quyết liệt mà huấn luyện viên Rajagobal yêu cầu học trò thực hiện.
Phút 62, Idlan Talaha lao vào vòng cấm dứt điểm và có va chạm với Tấn Trường. Đây cũng là pha bóng khiến thủ thành sinh năm 1986 gặp chấn thương vai. Dù vậy, anh vẫn cố gắng thi đấu tiếp thay vì nhường chỗ cho Khoa Điển.
Nghiệt ngã thay, phút 84, cái chân của Mai Xuân Hợp chạm bóng đổi hướng và Tấn Trường không thể cản phá vì chấn thương trước đó. U23 Việt Nam lỡ mộng vàng và Tấn Trường vào vai "tội đồ".
Kết thúc trận đấu, huấn luyện viên Calisto bất ngờ “bóp cổ” Tấn Trường và nói một điều gì đó. Rất nhiều người đã cho rằng, đó là sự tức giận của nhà cầm quân người Bồ Đào Nha với quyết định thi đấu tiếp của học trò. Rằng, Tấn Trường “có vấn đề” khi vẫn cố gắng thi đấu mặc cho Khoa Điển đã khởi động và chờ vào sân thay người.
“Lúc đó, gần cuối trận rồi, tôi nhìn lên khán đài khán giả Việt Nam rất đông nhưng im phăng phắc. Mọi người đều đổ dồn ánh mắt vào tôi để xem tình hình của Tấn Trường như thế nào. Tôi nhìn lên khán đài rồi chạnh lòng.
Tôi chợt nghĩ, 1 người chiến sĩ có thể hy sinh ở chiến trường, vậy tại sao tôi không cố gắng. Lúc đó, tôi có thể đánh đổi cả sự nghiệp của mình để cố ở lại thi đấu. Khi tôi cố đứng lên đi vào sân, bác sĩ tiêm thuốc giảm đau nên tôi không còn cảm giác đau nữa” - Tấn Trường giãi bày ở buổi livestream mới đây, sau khi cùng đội tuyển Việt Nam trở về với tấm vé vào vòng loại cuối World Cup 2022.
Cơn ác mộng chưa dừng lại
Sau giải đấu thất bại trên đất Lào, tài năng, phong độ của Trường ở đội bóng quê hương Đồng Tháp khiến anh tiếp tục có cơ hội ở AFF Cup 2010. Nhưng hoá ra, đây là giải đấu khiến hình ảnh của Tấn Trường càng trở nên méo mó hơn.
Thủ thành này hồi tưởng: “Trận thứ 3 tôi được trao cơ hội, tôi làm tốt, thắng Singapore nên vào bán kết. Trận đấu đó tôi là người hùng, mọi người tung hô tôi lên mây. Đến bán kết lượt đi gặp Malaysia, hiệp 1 tôi vẫn làm việc ổn, hoà 0-0.
Sang hiệp 2 bị ảnh hưởng bởi pháo nổ, tia laser ở sân khách, trong 1 tình huống tôi bắt hụt và để thua 0-1. Đến tình huống tiếp theo, tôi bắt bóng không dính để tiền đạo đối phương có cơ hội dứt điểm nên thua tiếp bàn thứ 2. Trận đó hoàn toàn là lỗi của bản thân và sau đó tôi thành tội đồ và bị lên án”.
Tấn Trường tiết lộ rằng, sau khi kết thúc V.League 2011, anh chấp nhận rời Đồng Tháp với giá 9 tỉ đồng cho 2 năm hợp đồng cuối. Tuy nhiên, anh chỉ nhận 10% số tiền ấy, phần còn lại để giúp đỡ đội bóng quê hương trong những ngày tháng khó khăn.
Trong màu áo Sài Gòn Xuân Thành, sau một thời gian chơi ấn tượng, Tấn Trường lại gặp “phốt”. Cuối mùa giải 2013, Tấn Trường bị “trảm” vì nghi án tiêu cực, đặc biệt là trong trận đấu hoà 3-3 với Đà Nẵng. Riêng đội Sài Gòn Xuân Thành còn phải giải trình vì kết quả đáng ngờ thua 1-3 trên sân của Kiên Giang.
Huấn luyện viên kiêm nhà môi giới Trần Tiến Đại khẳng định trên truyền thông rằng, “thủ môn đẳng cấp như Tấn Trường không thể sai lầm như vậy". Ở trận đấu này, Tấn Trường được cho là mắc ít nhất 3 sai sót có thể dẫn đến bàn thua.
Sau đó, Tấn Trường chuyển đến Bình Dương vào năm 2014. Anh cùng đội bóng đất Thủ lên ngôi vô địch và cũng được ra sân trong một vài trận đấu. Đến năm 2015, Tấn Trường trở thành “kép chính” và cùng Bình Dương giành cú “ăn 3” ở Cúp Quốc Gia, V.League và Siêu cúp Quốc gia dưới thời huấn luyện viên Lê Thuỵ Hải.
Những tưởng sự nghiệp của Tấn Trường sẽ trôi đi êm đềm, nhưng không, anh tiếp tục mắc sai lầm ở đấu trường AFC Cup 2019 trong trận đấu với Ceres Negros. Lại một lần nữa, anh bị kỷ luật đến hết giai đoạn 1 rồi chia tay “không kèn, không trống” vào cuối mùa giải 2019. Đến mức, Tấn Trường cũng bị đội bóng quê hương Đồng Tháp từ chối với lý do “đủ quân và không có kinh phí trả lương”.
Trong buổi giao lưu trực tuyến, Tấn Trường nói: “Điều tôi sợ nhất không phải là chỉ trích nhắm vào bản thân mà là áp lực đối với gia đình mình. Nếu tôi có tiêu cực và bán độ, có lẽ tôi không còn ngồi đây để livestream”.
Quá nhiều thăng trầm trong sự nghiệp đã qua đi, Tấn Trường đang có những ngày tháng đẹp nhất dù ở bên kia sườn dốc của sự nghiệp. Thủ thành quê Đồng Tháp chói sáng trong màu áo câu lạc bộ Hà Nội, trở lại đội tuyển quốc gia rồi có suất bắt chính.
Tất cả cứ như một giấc mơ đẹp sau những cơn ác mộng với người gác đền đặc biệt của bóng đá Việt Nam...