Bài học từ chuyện khởi nghiệp của ông Park
Trong bộ phim tài liệu “Park Hang-seo - Người truyền lửa” do đài truyền hình KBS (Hàn Quốc) thực hiện trong năm 2018, nói về hành trình của HLV Park Hang-seo đến Việt Nam từ thành công ở giải U.23 Châu Á, ông từng chia sẻ về những ngày tháng khó khăn khi không có nhiều cơ hội nghề nghiệp tại Hàn Quốc.
Chính vợ ông là bà Choi Song-a cũng cảm thấy khó chịu trong thời gian chồng mình mất việc và bần thần trong căn nhà của mình. Bà Choi không chấp nhận chứng kiến chồng mình rơi vào hoàn cảnh “thất bại sự nghiệp” như thế và muốn ông ra ngoài tìm việc. Trong bộ phim, Park nói vui vẻ rằng: “Bà ấy nói tôi hãy đi ra ngoài đi. Bà ấy muốn đuổi tôi ra khỏi nhà”.
Bà Choi thậm chí còn âm thầm viết đơn xin việc cho chồng để gửi qua một người môi giới. Năm 2017, HLV Park Hang-seo bén duyên với bóng đá Việt Nam. Ông đã chấp nhận thử thách mới và mở ra bước ngoặt lớn trong sự nghiệp của mình.
Sau này, bà Choi cũng đã theo chồng sang Việt Nam trước sự đắn đo của ông Park trong việc lựa chọn xa gia đình. Sau thành công ở các giải đấu, ông Park từng hơn một lần nói về gia đình mình trước truyền thông, trong đó, vợ của ông đóng vai trò lớn.
HLV Park Hang-seo từng chia sẻ rằng, ông không phải người dễ bỏ cuộc trong những trường hợp khó khăn, ở từng giải đấu cụ thể, hoặc đơn giản là chờ một cầu thủ quan trọng phục hồi chấn thương. Nếu nhìn lại cách mà ông đã kiên nhẫn tìm kiếm cơ hội nghề nghiệp thì có thể thấy toát lên một phần tính cách của ông thầy người Hàn Quốc.
Nhìn lại sự nghiệp của ông, từ 2002 - 2017, ngoài việc dẫn dắt U.23 Hàn Quốc giành huy chương đồng tại ASIAD, ông Park chỉ làm việc với các đội bóng nhỏ và không để lại những thành tích ấn tượng. Park Hang-seo luôn muốn khởi đầu và đặt dấu ấn từ những nơi chưa được khẳng định thay vì kế nghiệp những vinh quang. Và ông Park đã chọn một nền bóng đá đang phát triển như Việt Nam để tìm kiếm cơ hội nghề nghiệp.
Xu hướng HLV Hàn Quốc đến Việt Nam
Sau những thành công mà HLV Park Hang-seo mang lại, ông không chỉ tạo cú hích lớn cho bóng đá Việt Nam mà còn mang đến hiệu hứng cho chính người dân Hàn Quốc. Sau Park Hang-seo, nhiều HLV người Hàn Quốc nhắc đến Việt Nam như một điểm đến thú vị để khởi nghiệp.
Cùng thời điểm HLV Park Hang-seo sang dẫn dắt đội tuyển quốc gia và U.23 Việt Nam, đồng nghiệp của ông là HLV Chung Hae-seong cũng được bầu Đức đưa về làm giám đốc kỹ thuật cho HAGL. Bầu Đức thời điểm đó không chỉ muốn đóng góp cho bóng đá Việt Nam mà còn muốn “giải cứu” cho chính những cầu thủ của HAGL.
Thế nên, việc đưa một HLV có tầm về phố Núi nhận được nhiều sự chú ý lẫn hoài nghi khi ông Chung Hae-seong từng sát cánh với Park Hang-seo làm trợ lý cho HLV Guus Hiddink dẫn dắt ĐT Hàn Quốc ở World Cup 2020. Tất cả đã nghĩ về một kịch bản ông Chung sẽ làm trợ lý cho ông Park ở ĐT Việt Nam, còn những cầu thủ HAGL sẽ phần nào được ưu ái. Thế nhưng mọi chuyện đã không diễn ra như vậy.
Ông Chung Hae-seong không có được thành công như ông Park. Ông đã chia tay HAGL sau một mùa giải mà đội bóng phố Núi không cải thiện được thành tích ở V.League. Mùa giải 2019, ông đã dẫn dắt TPHCM đã chắc chắn nắm ngôi á quân V.League. Đó được xem là một mùa giải thành công của ông Chung Hae-seong.
Trong chia sẻ với tờ Sports Seoul, HLV Chung Hae-seong cho biết: “Trước đây, sự phối hợp giữa Hiddink và các HLV bản xứ rất thành công. Tôi chỉ đạo tập luyện, Park Hang Seo thì giỏi động viên cầu thủ. Nói thật là tôi cảm thấy ganh tị khi nhìn thấy ông Park làm việc ở Việt Nam. Đi đến đâu cũng thấy hình ảnh ông Park. Ông Park đã làm rất tốt. Ông ấy là một người tuyệt vời. Nhưng tôi không thể chỉ ganh tị được, tôi phải tự đi con đường của mình”.
Sau hiệu ứng Park Hang-seo tạo ra, đã có những HLV người Hàn Quốc đặt chân đến Việt Nam, như Lee Heung-sil dẫn dắt Viettel giai đoạn đầu mùa giải, Lee Tae-hoon đang dẫn dắt HAGL. Tuy nhiên không phải ai cũng có được thành công. Bởi trong bóng đá, ngoài yếu tố chuyên môn thì sự may mắn lại quyết định thành - bại.