Xét cả về sức mạnh và phong độ, Scotland đang bị đánh giá lép vế hoàn toàn so với Đức trước trận ra quân. Phong độ trước thềm EURO 2024 của Scotland rất đáng báo động khi chỉ thắng 1 trong 9 trận gần nhất. Bên cạnh đó, đội hình của họ cũng bị tàn phá bởi chấn thương.
Mặc dù vậy, người hâm mộ Scotland không mong đợi họ sẽ trải qua vài ngày nhạt nhẽo ở Munich. Đây là lần đầu tiên họ tham gia các giải đấu lớn kể từ World Cup 1998 nên không phải lúc để họ lo lắng về phong độ hay vấn đề thể lực.
Với truyền thông của chủ nhà Đức, họ bày tỏ sự tôn trọng và khá e dè trước viễn cảnh sẽ bị đối thủ làm khó ngay trong ngày mở màn. Đặc biệt, tuyển Đức đánh giá rất cao trợ lý Austin MacPhee - chuyên gia các tình huống cố định của Scotland.
MacPhee được cho là vũ khí bí mật của Scotland ở EURO 2024. Đối với khán giả Premier League, ông nổi tiếng hơn với vai trò trong đội ngũ huấn luyện Aston Villa. MacPhee trở thành chuyên gia các tình huống cố định của Villa từ tháng 8.2021.
Đội chủ sân Villa Park đã trải qua 3 đời huấn luyện viên trong khoảng thời gian đó, Dean Smith và Steven Gerrard đã bị sa thải còn Austin MacPhee vẫn ở lại. Tầm quan trọng của ông ở sân Villa Park là không thể bàn cãi khi trở thành cánh tay phải của Unai Emery ở chiến dịch 2023-2024.
Truyền thông Đức có lý khi cảnh báo Julian Nagelsmann phải dè chừng những tình huống cố định của Scotland. Trong mùa giải vừa qua, Villa ghi 25 bàn từ các quả bóng chết (15 trong số đó đều từ các pha phạt góc). Trong số 5 giải đấu hàng đầu châu Âu, chỉ có Bayer Leverkusen ghi nhiều bàn hơn ở thông số này.
Tại cấp độ đội tuyển, với sự giúp đỡ của MacPhee, Scotland là mối đe dọa thực sự từ các quả phạt. Kể từ khi ông được bổ nhiệm vào năm 2021, khoảng 25% số bàn thắng của Scotland được ghi từ các tình huống cố định hoặc từ những quả phạt đền giành được trong các tình huống cố định. Trong 14 trận đấu chính thức gần nhất, họ đã ghi 8 bàn từ các tình huống cố định và chỉ để thủng lưới 2 bàn
Không dừng lại ở đó, Austin MacPhee cũng có những bài đánh biên vô cùng hiệu quả. Ông biết trong đội hình Scotland có những cái tên tạt bóng rất tốt như John McGinn, Andy Robertson, Kieran Tierney hay Ryan Christie.
Sự thành công của MacPhee trong những mùa giải gần đây đã giúp các huấn luyện viên chuyên về tình huống cố định trở thành xu hướng mới trong bóng đá. Họ được săn đón đến mức các câu lạc bộ Premier League hiện nay phải trả phí chuyển nhượng chứ không chỉ thuê đơn thuần. Ví dụ mới đây là Chelsea đã phải chi ra 750.000 bảng để chiêu mộ Bernardo Cueva từ Brentford.
Hầu hết các cầu thủ đều sợ phần huấn luyện dành cho phạt góc và các quả phạt cố định. Ollie Watkins từng thừa nhận, các buổi tập tình huống cố định của MacPhee không hề dễ dàng và họ phải lặp đi lại rất nhiều lần.
Tuy nhiên, những bài tập này hoàn toàn cần thiết. Đối với Scotland, chúng sẽ là cơ hội trong trận mở màn với Đức và các trận đấu tiếp theo. Tham vọng của đoàn quân Steve Clarke là lần đầu tiên vượt qua vòng bảng của một giải đấu lớn. Mục tiêu này chỉ có thể đạt được nếu họ có thể xuất sắc trong mọi khâu của trận đấu.
Câu hỏi lo lắng dành cho MacPhee và Clarke là liệu Scotland có thể thi đấu với phong độ tốt nhất hay không? Trong bối cảnh hiện tại, danh sách chấn thương của họ dài đến mức tàn nhẫn. Trong số những cầu thủ vắng mặt có các hậu vệ phải Aaron Hickey và Nathan Patterson, tiền đạo Lyndon Dykes, tài năng trẻ Ben Doak và tiền vệ Lewis Ferguson - người được vinh danh là tiền vệ xuất sắc nhất Serie A. Bên cạnh đó, Robertson cũng gặp phải chấn thương nhẹ hồi đầu tuần này.
Đó là tin xấu, còn tin tốt là Scotland vẫn có McGinn mạnh mẽ, người đã thể hiện rất tốt trong màu áo Aston Villa ở mùa giải vừa qua. Tiền vệ 29 tuổi có sức ảnh hưởng lớn trong đội và được nhiều người coi là cầu thủ quan trọng nhất của Scotland. Ngôi sao của Villa đã tham gia vào 11 bàn thắng (6 bàn và 5 kiến tạo) trong tổng số 35 bàn của Scotland ở mọi giải đấu.
Bên cạnh đó, The Tartan Army vẫn sở hữu những cái tên chất lượng khác như Gilmour, McTominay, Robertson và Tierney. Scotland có thể tạo nên sự khác biệt khi cuộc phiêu lưu ở Đức bắt đầu.