Mâu thuẫn về thành tích và nhân sự
Mọi chuyện có lẽ nên bắt đầu từ trận đấu giữa Man United và Sheffield hồi tháng 1 năm nay. Trước màn so tài đó, M.U đang bất bại 13 trận liên tiếp tại Premier League còn Sheffield đang xếp bét bảng.
Nếu thắng Sheffield, M.U sẽ vượt qua Man City để chiếm ngôi đầu. Thế nhưng, "Quỷ đỏ" thất bại không tưởng với tỉ số 1-2. Từ đêm Old Trafford ác mộng đó trở đi, trong 8 trận tiếp theo, đội bóng của Solskjaer để rơi tới 13 điểm. Thật buồn cho Manchester United, khi mùa trước hạ màn, họ kém Man City đúng 12 điểm.
Sheffield khi đó đã chắc chắn xuống hạng nhưng vẫn quật ngã được đội đang đua song mã tới ngôi vô địch. Như các cựu cầu thủ Man United từng nói, nếu để thua một trận như vậy, họ sẽ nghe những lời xối xả của Sir Alex trong phòng thay đồ. Còn với Ole, ông chỉ nhắc nhở nhẹ nhàng.
Mỗi người có một phong cách và không thể phủ nhận, cách làm của Solskjaer cùng các cộng sự đã đem lại sự tích cực về tính ổn định của phòng thay đồ. Tuy nhiên, ổn định về tinh thần không có nghĩa sẽ đạt kết quả tốt trên sân. Trong hiệp 1, Ole đã có một vài khoảnh khắc nóng giận nhưng chưa đủ để tác động đến các học trò trên sân.
Man United trượt chân 2-3 lần kiểu như vậy và mùa vừa rồi, họ đã lỡ danh hiệu Premier League lần đầu sau 8 năm. Thật may trong 3 năm Ole nắm quyền tại đội bóng, M.U được đá Champions League thường xuyên, điều chưa từng xảy ra với các huấn luyện viên trước thời hậu Sir Alex.
Thành tích lúc lên, lúc xuống và không ổn định trong thời gian dài, giống với cách M.U đi mua cầu thủ suốt 3 năm qua. Đội bóng trong Hè vừa rồi sở hữu một lúc 3 cầu thủ chất lượng là Ronaldo, Varane và Sancho nhưng lại có khởi đầu rất tệ. Có lẽ, chỉ có trận thắng Leeds, Newcastle là thuyết phục. Những màn trình diễn còn lại, thậm chí gồm màn ngược dòng trước Villarreal ở phút chót đều bị đánh giá tệ không tưởng.
Ronaldo nở nụ cười rạng rỡ từ ngày trở lại M.U nhưng điều đó không đến trong trận hòa Everton gần nhất. CR7 đi vào đường hầm sau khi được chơi nửa trận và lẩm nhẩm điều gì đó, khác với hình ảnh ăn mừng bùng nổ mọi khi. Lại một lần nữa, những mâu thuẫn và tin đồn lại bao trùm lấy Old Trafford.
Dở ở chỗ, trước trận, Solsa đã trao đổi với CR7 rằng, siêu sao người Bồ Đào Nha sẽ nghỉ trận đấu với Everton do đã đá đủ 90 phút ở 2 trận trước đó. Thế nhưng, Solskjaer buộc phải thay anh vào khi đội nhà bế tắc. Cuối cùng, mọi thứ không ra đâu vào đâu.
Sir Alex sau ngày hôm đó đã nói, khi bắt đầu ra sân, mọi huấn luyện viên đều phải sử dụng đội hình tốt nhất có thể. Những mâu thuẫn cứ như thế vây lấy Solskjaer.
Nhà tâm lý với các cầu thủ
Khi trở lại đội bóng cũ vào tháng 12.2018, điều đầu tiên Ole làm là ổn định lại phòng thay đồ. Cách làm của ông rất đa dạng, không chỉ nhắm đến các cầu thủ của đội nam. Đó còn là nhân viên, các cầu thủ trẻ, cầu thủ nữ,... Hình ảnh dễ mến của ông lan tỏa khắp đại bản doanh của đội.
Trong phòng thay đồ, câu cửa miệng của chiến lược gia người Na Uy là "hãy đoàn kết". Ole tự tay thuê đầu bếp, chuyên gia để phục vụ các cầu thủ. Hơn nữa, ông còn hay bỏ tiền túi để chiêu đãi học trò mỗi khi có thành tích tốt.
Nếu nói Solskjaer là nhà tâm lý học, điều đó đúng. Hoặc chí ít, ông đang là một nhà quản lý nhân sự tốt, biết làm cho tất cả cảm thấy vui vẻ. Chính Pogba cũng từng nói, với Solsa, chưa một cầu thủ nào có cảm giác mình bị bỏ rơi.
Tiếp đến là lòng trung thành. Từ những người cũ cho đến các tân binh của M.U đều được chính Ole dạy về bài học trung thành với câu lạc bộ. Có những người không còn được đá như Mata nhưng vẫn được Solsa coi trọng, trở thành hình mẫu để dạy những người đồng đội trẻ về đạo đức và lối sống tại Carrington.