Ronaldo không còn như chính anh khoảng thời gian đá cho Real Madrid hay chính Manchester United nhiệm kì 1. Ở tuổi 37, siêu sao người Bồ Đào Nha được cho không phù hợp với cách chơi gegenpressing của Rangnick. Thế nhưng, những lúc CR7 tỏa sáng, thật khó để M.U phân định xem có nên sử dụng anh thường xuyên hay không.
3 bàn thắng của Ronaldo được ghi theo 3 cách khác nhau. Nó không lạ với chính siêu sao này trong số 804 bàn trước đó nhưng lại mở ra rất nhiều kiểu chiến thuật cho Manchester United. Một cú sút từ ngoài vòng cấm, một pha chạy băng cắt và một cú "trực thăng lên thẳng" thương hiệu. Đó là những kĩ năng chỉ Ronaldo mới có và nên được Rangnick liệt vào danh sách các phương án M.U có tỉ lệ cao để ăn bàn.
Ronaldo trong một ngày sung sức đã có tới 8 pha dứt điểm về phía cầu môn Tottenham, nhiều hơn 4 lần so với cả đội Man United trong suốt 90 phút tại Old Trafford. Một lần nữa, có Ronaldo, không đội bóng nào có thể vỗ ngực và nói không phụ thuộc. Cả Real Madrid và Juventus cũng trải qua giai đoạn đi xuống bất ngờ về cách làm bàn khi mất CR7.
Đó là vấn đề muôn thuở của một đội bóng sở hữu Ronaldo, đôi khi chính các đội bị biến thành Ronaldo FC bởi sự phụ thuộc. Ở tuổi 37, nếu CR7 có phong độ tốt, M.U được hưởng lợi. Ngược lại, nếu vẫn giữ anh trên sân, vấn đề ai cũng có thể nhìn ra.
Với một người xây dựng lối chơi không có ngôi sao trung tâm như Rangnick, thật khó để thích nghi với Ronaldo. Thông thường, trong những trận siêu sao này đá hay, thật khó để tìm ra một hoặc một vài người khác cũng chơi tốt tương tự. Nếu đụng những đội có tính tập thể cao như Liverpool hay Man City, sự yếu kém nếu so sánh từng cá nhân của "Quỷ đỏ" sẽ được lộ ra.
Điển hình như những pha bóng dài trong hiệp 2 của M.U có chất lượng rất tệ. Khi Ronaldo đang chơi hay ở trên, hàng thủ vẫn bộc lộ sự lỏng lẻo. Spurs đã gây áp lực ở 1/3 cuối sân của đối thủ nhiều hơn tới 26% nếu so với những gì "Quỷ đỏ" làm được tương tự. Đến khi Maguire phản lưới, lại là Ronaldo cứu. Phải chăng, hàng thủ cũng nghĩ nếu có sai sót, CR7 sẽ lại xuất hiện và là vị cứu tinh?
Trong phần lớn thời gian của mùa này, M.U đá theo cách thụ động, đặc biệt trong khâu tổ chức phản công. Nếu không có Ronaldo, các mũi công ở trên đều rất nhanh về tốc độ, các cầu thủ được định sẵn về cách luân chuyển bóng theo ý Rangnick. Thế nhưng, có CR7, mọi thứ cần tính toán lại tất cả.
Chưa hết, cả trận đấu với Tottenham, Ronaldo không có lần xoạc bóng nào và chỉ đánh chặn 1 lần, điều này trái ngược hoàn toàn với triết lý của Rangnick. Có anh trên sân, vừa là niềm vui, vừa là áp lực khiến chiến lược gia người Đức đau đầu. Nếu Ten Hag hay Pochettino đến, câu chuyện cũng tương tự và thậm chí còn khó xử lý hơn khi năm sau, Ronaldo sẽ 38 tuổi.
Lịch sử của Manchester United luôn ghi dấu Ronaldo là người xuất sắc bậc nhất. Đôi khi chỉ cần nghĩ đến ánh hào quang của CR7 tại Old Trafford, các huấn luyện viên cũng đủ mệt khi nắm quân cờ đặt lên sa bàn.