Khi Real Madrid và Barca thuộc phe thiểu số
Theo ESPN tiết lộ, 42 câu lạc bộ La Liga đã bỏ phiếu để thống nhất thỏa thuận hợp tác giữa giải đấu và Quỹ đầu tư CVC Capital Partners. Có tới 38 câu lạc bộ bỏ phiếu thuận, trong khi chỉ 4 câu lạc bộ bỏ phiếu chống là Real Madrid, Barcelona, Athletic Bilbao và một đội ở giải hạng hai Segunda Division được cho là Real Oviedo.
Ngay sau cuộc họp bỏ phiếu, Chủ tịch La Liga Javier Tebas đã khẳng định sự phản đối của 2 câu lạc bộ lớn nhất giải là kế hoạch có liên quan đến European Super League.
"Chắc chắn là vì Super League, dòng tiền của CVC không ủng hộ ý tưởng về giải đấu mà mà Florentino Perez muốn. Đó là một vấn đề tư tưởng, ông ta nghĩ các câu lạc bộ lớn là những người nên kiểm soát mọi thứ. Tôi muốn Real Madrid và Barcelona trở thành một phần của thỏa thuận, nhưng cũng sẽ không buồn nếu họ không muốn điều đó", ông Javier Tebas chia sẻ.
Khoản đầu tư của CVC được dùng để mua 10% hoạt động kinh doanh của giải đấu La Liga. Về lâu dài, đó là một mối nguy nhưng ở thời điểm dịch bệnh, số tiền mặt các đội nhận về là rất đáng giá. Tuần trước, thỏa thuận được công bố giá trị lên đến 2,7 tỉ Euro đã được Ủy ban điều hành giải chấp nhận nhưng cần phê duyệt của các câu lạc bộ. Nếu Real Madrid và Barca không ủng hộ, khoản đầu tư có thể rút xuống chỉ còn 2,1 - 2,2 tỉ Euro.
Những quan điểm trái chiều
Nhìn chung, thỏa thuận mang tên "Boost La Liga" sẽ biến Quỹ CVC Capital Partners thành cổ đông nắm 10% cổ phần La Liga, đồng thời thu về tỉ lệ thu nhập tương ứng trong 50 năm từ việc bán bản quyền giải đấu. Ủy ban điều hành giải cho biết, 90% số tiền nhận lại sẽ được chuyển đến các câu lạc bộ, dành cho bóng đá nữ, các đội bán chuyên và không chuyên.
Phần đông các đội bóng La Liga và hạng dưới đều đồng tình với phương án này. Trong khi đó, Real Madrid và Barcelona sẽ không nhận được phần tiền đầu tư nhưng giữ lại toàn bộ thu nhập bản quyền truyền hình. Điều này được giải thích bởi khác biệt về tiềm lực tài chính giữa các câu lạc bộ.
Ông Tebas giải thích, Barca dù mất Messi nhưng vẫn có thể tiếp tục ký hợp đồng với những cầu thủ lớn, còn Real Madrid đã làm rất tốt việc quản lý sau đại dịch nên không có nhiều tổn thất. Do đó, họ hướng về Super League chứ không gấp gáp như phần còn lại.
Bộ đôi "ông lớn" của La Liga lên tiếng chỉ trích kế hoạch này. Chủ tịch Barcelona - Joan Laporta khẳng định mối làm ăn này không khác nào "thế chấp các quyền của câu lạc bộ trong nửa thế kỷ tới". Real Madrid thậm chí còn khẳng định sẽ dùng hành động "pháp lý dân sự và hình sự" để chống lại chủ tịch La Liga Javier Tebas và giám đốc CVC Javier de Jaume Guijarro.
Liên đoàn bóng đá Tây Ban Nha (RFEF), vốn đang sẵn mối bất đồng dài hạn với Ủy ban La Liga về các khía cạnh quản lý bóng đá xứ bò tót, đã đứng về phía Real Madrid và Barca. RFEF đã gọi thỏa thuận này là một điều kinh khủng và "hoàn toàn bất hợp pháp".
Song, Ủy ban điều hành La Liga vẫn vững vàng nhờ sự hậu thuẫn của số đông. Chủ tịch của Villarreal - Fernando Roig và Chủ tịch Real Betis - Angel Haro đều khẳng định thỏa thuận "Boost La Liga" là giải pháp tích cực đang được tìm kiếm lâu nay, mang về sự hồi sinh mạnh mẽ cho các đội. Do đó, sự phản đối của Real và Barca là bất hợp lý.