Sau Man City, Newcastle là đội bóng thứ 2 ở Premier League chịu sự điều hành của các ông chủ Ả Rập. Dẫu chưa thể tiêu tiền ngay trên các bàn chuyển nhượng nhưng ở một mặt trận khác cần đến tiền, Newcastle và Man City đang chọn phương thức như nhau.
Man City là đội đã trở thành thế lực khoảng 10 năm trở lại đây. Tuy nhiên, để có được hệ thống mạng lưới quảng bá hình ảnh rộng lớn, họ vẫn còn xếp sau những tên tuổi cũ như Manchester United, Liverpool, Chelsea hay Arsenal. Luật công bằng tài chính (FFP) không chỉ ngặt nghèo với các khoản đội bóng chi ra ngoài như mua cầu thủ, nó còn siết chặt hơn nữa tình hình chi tiêu trong nội bộ mỗi câu lạc bộ.
Premier League (phần đông các đội còn lại ngoài Man City và Newcastle) đang dự thảo để bỏ phiếu bầu, soạn thêm các quy định mới để ngăn cản Newcastle lẫn Man City sử dụng các đội bóng trung gian hoặc các đội vệ tinh để trả tiền lương cho những ngôi sao trong đội hình 1. Đây là chuyện không mới với Man City nhưng khi nổi lên một "Man City 2.0" như Newcastle, Premier League không thể không để ý.
Các ông chủ Saudi Arabia của "Chích chòe" công khai ý định muốn thành lập một hệ sinh thái mới như City Football Group của các ông chủ Man City. Tập đoàn này không chỉ sở hữu Man City, họ còn nắm các đội bóng khác ở khắp nơi trên thế giới, đặc biệt là các đội ở Mỹ, nơi tạo ra nguồn lợi nhuận khổng lồ. Qua đó, hệ thống chi trả tiền lương của Man City luôn cân bằng và ổn định, chỗ nọ bù chỗ kia và không bị FFP "sờ gáy" ở khoản này.
Theo những gì Football Leaks tiết lộ năm 2018, khi còn làm huấn luyện ở Man City, Roberto Mancini đã nhận được 2 khoản lương cùng lúc. Một khoản cho chính Man City trả, khoản còn lại được Al Jazira thanh toán. Al Jazira là một câu lạc bộ thể thao - văn hóa ở Abu Dhabi và cũng thuộc quyền sở hữu của ông chủ Sheik Mansour.
Quy định mới được Premier League đang xem xét có điều lệ, bất cứ khoản thanh toán nào cho cầu thủ hoặc nhân viên trong đội từ các bên liên quan, bao gồm hợp đồng tài trợ, sẽ được công bố minh bạch cho Premier League biết. Qua đó, giải đấu có thể tính toán nó dựa trên các luật của FFP.
Trước đó, Man City từng bị cáo buộc giấu, không công khai một nửa lương của Mancini. Khi mới chuyển đến sân Etihad, chiến lược gia người Italia ký một lúc 2 hợp đồng. Một cái có giá trị 1,45 triệu bảng với Man City, cái còn lại có giá trị 1,75 triệu bảng với Al Jazira.
Khoản thanh toán của Al Jazira được trả thông qua một công ty trung gian thứ 3, có trụ sở tại Mauritius (một quốc gia bé nhỏ ở Đông Phi). Do đó, dẫu bị phát hiện nhưng Man City vẫn không bị phạt.
Ban đầu, Man City và Newcastle phản đối việc bị siết nhưng giờ đã khác, họ dần đồng ý bởi nếu không, cũng không còn cách nào khác.