Olympic Tokyo và những câu hỏi mơ hồ về sự thành công

VIỆT HÙNG |

Càng gần đến ngày khai mạc, Olympic Tokyo vẫn bị đặt rất nhiều dấu hỏi về sự thành công của một kì Thế vận hội chưa từng có trong lịch sử, chịu sự tác động nặng nề của COVID-19.

Mong muốn của cựu Thủ tướng Shinzo Abe

Khi ông Shinzo Abe nhậm chức Thủ tướng Nhật Bản vào năm 2012, một trong những mục tiêu đầu tiên ông Abe muốn thực hiện là giành quyền đăng cai Olympic 2020. Madrid (Tây Ban Nha) và Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) đã không thắng được Tokyo ở thời điểm 9 năm trước.

4 năm sau thành công giành lấy lá cờ đăng cai Olympic, cựu Thủ tướng Abe xuất hiện trong tạo hình nhân vật trò chơi điện tử nổi tiếng - Super Mario ở lễ bế mạc Rio 2016. Hình ảnh ấy quá ấn tượng, một đất nước Nhật Bản tân tiến và đổi mới, không còn gắn với những hình ảnh truyền thống như các võ sĩ Samurai nữa.

Thế vận hội 2020 được ví như niềm hi vọng số 1 của ông Abe về một cú hích với nền kinh tế của đất nước. Nhật Bản trong nhiều thập kỉ đã sống với nền kinh tế bị đình trệ. Ông Abe kì vọng ngày hội thể thao lớn nhất hành tinh có thể mở ra những cơ hội mới, làm Nhật Bản "trẻ hóa" trở lại như những gì chính đất nước này từng được cảm nhận tại Olympic 1964 trên sân nhà. Ngày đó, Nhật Bản vừa kết thúc Thế chiến 2 chưa lâu nhưng đã tự tin bước ra và chứng minh cho thế giới thấy về một đất nước có thể tự cường.

Đó là những thành công và ước mơ trong suy nghĩ của ông Abe nhưng thực tại quá khắc nghiệt.

Tháng trước, làn sóng phản đối của người dân Tokyo dành cho Thế vận hội bắt đầu nóng lên. Đỉnh điểm là ngày 17.7 vừa qua, hàng trăm người đã bất chấp các lệnh giãn cách xã hội để xuống đường biểu tình. Quan điểm của một bộ phận lớn người dân tại Tokyo có thể hiểu được khi số ca mắc mới COVID-19 tại nơi này vẫn không ngừng gia tăng. Họ lo ngại, Olympic có thể khiến mọi nỗ lực dập dịch trở thành công cốc.

Yasuhiro Yamashita - nam vận động viên từng giành huy chương vàng Olympic 1984 (hiện là Chủ tịch Ủy ban Olympic Nhật Bản) chia sẻ, trước đại dịch, ông hi vọng Olympic 2021 sẽ là cánh cửa mới để con người trên khắp thế giới đến với Nhật Bản nhiều hơn. Đã có quá nhiều thứ bị lãng quên trong hàng thập kỉ và nó cần có cái cớ để thế giới nhớ lại. Tuy nhiên, dưới bóng đen của COVID-19, có thể nhiều thứ sẽ bị chôn sâu vào quên lãng hơn nữa.

Mục tiêu quan trọng của Thủ tướng Yoshihide Suga

Tháng 6 vừa qua, đứng trước nhiều thông tin Olympic có thể bị hủy sau 1 năm hoãn vì đại dịch, Thủ tướng Nhật Bản - Yoshihide Suga nhấn mạnh, Olympic Tokyo sẽ có vai trò như một biểu tượng chiến thắng của cả thế giới trước COVID-19. Bên cạnh đó, ông Suga mong muốn thế giới sẽ được truyền thêm các thông điệp về sự hi vọng và lòng dũng cảm của con người trước những khó khăn.

Mong muốn đó của ông Suga được thể hiện qua thông báo ban đầu sẽ có 10.000 khán giả sẽ được tham gia nhiều sự kiện tại Olympic lần này, bao gồm lễ khai mạc. Tuy nhiên, chứng kiến các ca mắc mới không ngừng tăng lên ở Tokyo, người đứng đầu Chính phủ Nhật Bản buộc phải ban bố tình trạng khẩn cấp. Olympic lần này sẽ không có được không khí như EURO 2020 hay Wimbledon vừa qua. Nó giống như đang thể hiện những gì COVID-19 lấy đi hơn là những gì con người đã làm để vượt qua nghịch cảnh.

Vào mùa Thu tới, các cuộc bầu cử nội bộ trong Đảng Dân chủ Tự do và tổng tuyển cử sẽ bắt đầu. Ông Suga mong muốn Olympic thành công để chiếm được nhiều lòng tin hơn. Thế nhưng, nó sẽ thành công khi không có khán giả? Hoặc nếu có khán giả, liệu Thế vận hội có thể trở thành cái cớ để COVID-19 tiếp tục phủ bóng đen lên Nhật Bản?

Ông Masatoshi Honda - một nhà phân tích chính trị của Nhật Bản cho biết, Olympic Tokyo rất quan trọng với Thủ tướng Suga bởi người đứng đầu Chính phủ đang có quá ít mục tiêu để hướng đến lúc này. Ông Honda cho hay, khi người dân Nhật Bản hỏi ông Suga đang cố gắng làm điều gì? Câu trả lời duy nhất chỉ là cố gắng để tổ chức Olympic thành công, không gì khác.

Đài truyền hình NHK của Nhật Bản trong tuần này đã có cuộc khảo sát mức tín nhiệm đối với Thủ tướng Suga, nó rơi xuống con số 33%, thấp nhất từ trước cho đến nay.

Ông Honda cho biết, một đại hội thể thao thành công là điều kiện quyết định để ông Suga có thể tái đắc cử chức Chủ tịch Đảng Dân chủ tự do cầm quyền vào tháng 9 tới.

Những rắc rối tài chính cần được giải quyết

Không có chuyện toàn bộ những nhà cầm quyền của các Đảng phái tại Nhật Bản đồng ý với Olympic Tokyo. Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) đang hứng chịu nhiều sự bất bình của người dân xứ mặt trời mọc.

Các hãng quảng cáo, nhà tài trợ Nhật Bản là những người rất khó tính. Họ đã chấp nhận chi, thậm chí chi rất nhiều tiền cho sự kiện này. Olympic Tokyo đã huy động được khoảng 3 tỉ USD tiền tài trợ, nhượng lại một phần cho IOC.

Olympic có thể hoãn vì đại dịch nhưng để hủy được rất khó, trừ những trường hợp bất khả kháng như 2 cuộc chiến tranh thế giới trong quá khứ. Hàng ngàn hợp đồng thương mại, từ những thứ nhỏ nhất như đặt phòng khách sạn cho đến lớn nhất như các gói tài trợ, mọi thứ cần phải được thanh toán và giải quyết minh bạch. Một số nhà tài trợ hàng đầu đã chi trước cả trăm triệu USD, họ còn phải bổ sung thêm hàng chục triệu nữa sau 1 năm bị hoãn. Nếu Olympic không diễn ra, họ có thể sẽ mất trắng mà không thu được lợi ích gì dù là nhỏ nhất.

Có nhiều doanh nghiệp sẽ gặp những khó khăn đặc thù hơn. Nhiều nhà tài trợ đã bỏ hẳn các hình thức quảng cáo trên truyền hình, mạng xã hội để tập trung vào các sản phẩm thực tế như đồ ăn, đồ mặc hay trang trí. Không cần đến việc Olympic bị hủy, chỉ cần nó không được đón khán giả, những thứ đó sẽ trao tay ai khi không một người nào được phép đến những nơi tổ chức thi đấu?

Về phía các đơn vị phát sóng bản quyền hình ảnh của Olympic, gánh nặng sẽ bớt đi. Khoản này sẽ chiếm khoảng 3/4 doanh thu cho IOC. Một trong những đơn vị truyền hình lớn ở Mỹ là NBC cho biết, họ đã thu về được 1,2 tỉ USD tiền quảng cáo xung quanh Olympic, nhiều hơn chính những gì họ thu được ở Rio 2016. Con số này chỉ kém 50 triệu USD so với kì vọng ban đầu của NBC.

Ông Yuki Kusumi - Giám đốc điều hành của Panasonic cho biết một số lợi ích của hãng sẽ không bị ảnh hưởng dù Thế vận hội sẽ vắng khán giả.

Panasonic là hãng tài trợ các thiết bị điện tử như màn hình lớn, máy chiếu, thiết bị âm thanh cho những nơi tổ chức thi đấu. Không chỉ 2021, họ còn tài trợ cho Olympic 2024. Trước Olympic Tokyo, Panasonic tính họ có thể lãi được 1,8 tỉ USD và con số này không thay đổi nhiều cho đến hiện tại.

Dù vậy, ông Kusumi cho hay, Panasonic không loại trừ khả năng thay đổi phương án tài trợ cho Olympic tới trong bối cảnh hiện tại bởi chưa biết trong tương lai sẽ có rủi ro gì, nhìn từ bài học COVID-19 hiện tại.

Tokyo có thể mở ra những hướng đi mới cho Olympic

Bỏ qua những nghi ngại, nếu lần này Olympic Tokyo tổ chức thành công, nó có thể mở ra những cách nhìn nhận khác, thay thế cho lối suy nghĩ đã tổ chức phải thật hoành tráng và tốn hàng chục tỉ USD tiền đầu tư.

Thế giới đã từng ngạc nhiên trước 51 tỉ USD tại Sochi 2014 khi con số này ước tính chỉ để xây các cơ sở hạ tầng và đường sá phục vụ cho Thế vận hội mùa Đông. Ngân sách ban đầu dành cho Olympic Tokyo 2021 chỉ là 12,2 tỉ USD. Sau 1 năm bị hoãn vì đại dịch, con số này tăng thêm không nhiều (khoảng 15 triệu USD).

Với quyết định tổ chức không khán giả, những đơn vị nhận phân phối, có nghĩa vụ nộp thuế đang phải hoàn lại số tiền bán vé lên tới 819 triệu USD. Trong khi đó, Ủy ban Kiểm toán Nhật Bản từ lâu đã nói rằng, các ngân sách chính thức đã đánh giá thấp chi tiêu công cho Thế vận hội. Chi phí thực sự đối với những người đóng thuế có thể không bao giờ được xác định rõ ràng, hoặc ít nhất không lâu sau khi Olympic diễn ra, nhưng nó có khả năng cao hơn đáng kể so với con số ước tính là 25 tỉ USD.

Việc Olympic có thể diễn ra trong bối cảnh hiện tại đặt ra vấn đề thực tế, quy mô của ngày hội này có thể được làm gọn nhẹ hơn trong tương lai. Số lượng người tham dự không phải là vận động viên đã giảm hơn 2/3, từ 141.000 xuống còn 41.000, với việc loại trừ đại diện các nhà tài trợ, các chính khách và những người tham gia khác.

Ông Dubi - Giám đốc điều hành của IOC cho hay, Olympic Tokyo sẽ chứng minh các kì Thế vận hội sắp tới có thể thích ứng được với nhiều yêu cầu đặc thù của từng quốc gia. Bởi cuối cùng, mọi thứ đọng lại sau mỗi kì Olympic sẽ chỉ là những lời giải cho các câu hỏi như: Ai nhanh nhất? Ai xa nhất và ai mạnh nhất?

VIỆT HÙNG
TIN LIÊN QUAN

Hotgirl bắn cung sẵn sàng mở màn cho thể thao Việt Nam tại Olympic Tokyo

PHẠM ĐÌNH |

Vận động viên Đỗ Thị Ánh Nguyệt (bắn cung) lĩnh ấn tiên phong thi đấu cho đoàn thể thao Việt Nam tại Olympic Tokyo 2020.

Phải quen dần với những thay đổi tại Olympic Tokyo 2020

MINH TRIẾT |

Do tổ chức trong thời dịch COVID-19, Olympic Tokyo 2020 sẽ có rất nhiều những điều khác với thường lệ.

Xem trực tiếp Brazil vs Đức tại Olympic Tokyo 2020 ở kênh nào?

Bảo Bình |

Báo Lao Động xin gửi tới quý độc giả link xem trực tiếp Brazil vs Đức tại Olympic Tokyo 2020, diễn ra vào 18h30 ngày 22.7.

Thêm 2 trận động đất vừa xảy ra ở tỉnh Kon Tum

THANH TUẤN |

Kon Tum-  Ngày 5.2, Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần - Viện Vật lý Địa cầu cho biết, liên tiếp trong nhiều ngày qua đã xảy ra một số trận động đất có độ lớn từ 2.7 đến 3.1 độ richter tại huyện Kon Plông.

Người dân Hà Nội tấp nập đi lễ, mua sắm đồ cúng ngày Rằm tháng Giêng

NHÓM PV |

Sáng ngày Rằm tháng Giêng, mặc dù trời mưa nhưng rất đông người dân Hà Nội đã đến các đền, chùa để đi lễ. Bên cạnh đó, tại các chợ cũng tấp nập kẻ mua người bán đồ làm mâm cỗ cúng gia tiên.

Mỹ chuyển tài sản bị tịch thu đầu tiên của Nga cho Ukraina

Song Minh |

Mỹ tuyên bố, số tiền bị tịch thu từ một doanh nhân Nga sẽ được dùng để "hỗ trợ người dân Ukraina".

Chuyện về cặp song sinh cùng viết đơn xin nhập ngũ

Đức Anh - Minh Nguyễn |

Hòa Bình - Mặc dù không nằm trong danh sách khám nghĩa vụ quân sự, nhưng 2 anh em song sinh Bùi Thế Huynh và Bùi Anh Tuấn đã tình nguyện lên đường nhập ngũ, thực hiện nghĩa vụ thiêng liêng với Tổ quốc.

TPHCM: Cuộc sống mới của cư dân chung cư 440 Trần Hưng Đạo ngày đầu di dời

ANH TÚ - NGỌC ÁNH |

TPHCM - Phải mất gần 6 năm chính quyền địa phương mới thuyết phục được người dân khu chung cư 440 Trần Hưng Đạo đồng ý di dời sang nơi ở mới để đảm bảo an toàn. Niềm vui khi được chuyển sang một chỗ ở khang trang, tiện nghi và thoáng mát hơn nhưng đâu đó người dân vẫn còn những nỗi lo vì cuộc sống từ nay có nhiều đổi thay.

Hotgirl bắn cung sẵn sàng mở màn cho thể thao Việt Nam tại Olympic Tokyo

PHẠM ĐÌNH |

Vận động viên Đỗ Thị Ánh Nguyệt (bắn cung) lĩnh ấn tiên phong thi đấu cho đoàn thể thao Việt Nam tại Olympic Tokyo 2020.

Phải quen dần với những thay đổi tại Olympic Tokyo 2020

MINH TRIẾT |

Do tổ chức trong thời dịch COVID-19, Olympic Tokyo 2020 sẽ có rất nhiều những điều khác với thường lệ.

Xem trực tiếp Brazil vs Đức tại Olympic Tokyo 2020 ở kênh nào?

Bảo Bình |

Báo Lao Động xin gửi tới quý độc giả link xem trực tiếp Brazil vs Đức tại Olympic Tokyo 2020, diễn ra vào 18h30 ngày 22.7.