Nhìn vào danh sách 4 đội đá bán kết Champions League từ tuần sau mới thấy, sự công bằng trên bình diện chung của bóng đá Châu Âu không còn rõ nữa. Một đội là vua của sân chơi này (Real Madrid) với 13 lần vô địch. Một đội là đương kim vô địch Europa League mùa trước (Villarreal). Hai cái tên còn lại được đánh giá mạnh nhất thế giới vào thời điểm hiện tại (Liverpool, Manchester City).
4 câu lạc bộ này chỉ đến từ Anh và Tây Ban Nha. Đây là những quốc gia có tỉ lệ góp mặt đại diện tại vòng bán kết Champions League nhiều nhất 2 thập kỷ qua (62,5%). Villarreal có thể hẻo về tiềm lực tài chính, đến từ một thành phố chỉ có 50.000 dân nhưng đã vượt qua cả Juventus lẫn Bayern Munich. Dù chiến tích của thầy trò Emery rất thần kỳ nhưng cuối cùng, họ vẫn là đội đến từ Tây Ban Nha.
Gần đây, các giải còn lại gây được ấn tượng gì tại Champions League? Atalanta (Serie A) từng tạo nên nhiều cơn địa chấn ở mùa trước dù ngân sách eo hẹp. Ajax (Hà Lan) đã gục ngã trước cửa thiên đường khi bị Tottenham (một đội bóng Anh) lội ngược dòng ở bán kết mùa 2018-19. Leipzig (Đức) đã nỗ lực hết mình nhưng rồi ấn tượng họ để lại chỉ là lối đá đẹp và máu lửa thời Nagelsmann còn nắm đội. Các cái tên lớn như Juventus, Inter, Milan, Bayern, PSG... đều không thể gánh cả một nền bóng đá.
Trong 80 đội lọt vào bán kết 20 năm qua, có 26 đội đến từ Tây Ban Nha và 24 đội đến từ Anh. Các số lượt góp mặt tiếp theo là Bồ Đào Nha (1), Hà Lan (2), phần còn lại thuộc về Italia, Đức và Pháp. Gần như tất cả quyền lợi về hình ảnh, doanh thu và sự đánh bóng tên tuổi đều dồn hết về Anh và Tây Ban Nha tại sân chơi số 1 Châu Âu.
Quyết định thành lập Europa Conference League của UEFA phần nào đã ngầm công nhận sự thật này, qua đó tạo thêm cơ hội cho các đội ở những nền quốc gia có bóng đá không phát triển như Na Uy, Slovenia hay Israel tham gia. Europa Conference League năm nay đã chứng kiến 7 quốc gia có đội bóng góp mặt ở tứ kết. Sự thay đổi tích cực này được nhìn ra nhưng hiệu ứng của nó đem lại quá muộn.
Người hâm mộ của các đội bóng lớn từng biểu tình để phản đối sự ra đời của Super League vào năm ngoái. Họ không muốn đội bóng của mình tham gia sân chơi lạ đời đó nhưng cũng mong muốn UEFA phải thay đổi, đừng để tình trạng vắt sức nhau như hiện tại xảy ra nữa.
Bóng đá Anh hiện tại đang thành công nhưng cũng chỉ như mành treo trước gió. Chelsea đổi chủ rồi còn ổn như thời Abramovich không? Những gói hầu bao không đáy đến từ thế giới Ả Rập khi nào sẽ quay lưng bởi sự chán nản? Hàng loạt câu hỏi như vậy khiến nhu cầu tham gia một giải đấu kiểu Super League ngày một lớn hơn. Một khi tự kiếm được nhiều tiền hơn, các đội bóng sẽ không sợ rơi vào viễn cảnh chông chênh nữa.
Việc UEFA thay đổi thể thức và cách tuyển chọn câu lạc bộ đang mở rộng quyền được tham gia Champions League với các đội giàu truyền thống. Như vậy, sự bất công ngày một được nhìn nhận rõ hơn, các đội bóng yếu sẽ không khi nào còn cửa cạnh tranh và cứ thế, sự bấp bênh ngày một lớn hơn.