Erik ten Hag được thông báo chính thức trở thành huấn luyện viên của Manchester United vào thứ năm (21.5) thì đến thứ bảy (23.5), đặt câu hỏi về “giấc mơ” của họ kéo dài bao lâu nghe có vẻ xúc phạm và tàn nhẫn. Thế nhưng, ở Man United, chuyện đó không còn quá lạ lẫm.
Vòng quay của các huấn luyện viên
Sân Old Trafford đã chứng kiến quá nhiều kinh nghiệm đau thương kể từ khi Sir Alex Ferguson chia tay, để chừng nào chưa tìm lại được ánh hào quang xưa, các huấn luyện viên mới đến đều phải đối mặt với câu hỏi này. David Moyes, Louis van Gaal, Jose Mourinho, Ole Gunnar Solskjaer, luôn là câu hỏi đó.
Ralf Rangnick không “bị” hỏi vì người ta đã xác định công việc chính thức của ông là ở vị trí khác sau mùa giải này. Chiếc ghế huấn luyện viên chỉ là tạm quyền.

Những năm qua, “Nhà hát của những giấc mơ” được chứng kiến một vòng quay lý thú về các huấn luyện viên. Đó là bắt đầu với những phân tích, đánh giá và kết luận là nhân tố phù hợp, khởi đầu với những hứa hẹn và rồi dần dần chệch hướng, trước khi làm tràn tất cả mọi ly nước kiên nhẫn của Manucians lẫn ban lãnh đạo. Solskjaer được tin tưởng lâu nhất – 3 năm, và vì thế cũng là người kéo dài sự thất vọng nhất về những mùa giải trắng tay.
Ở khía cạnh này, có thể liệt kê cả Rangnick, cho dù ông sẽ không đối mặt với nguy cơ bị sa thải.
Tại sao lại là vòng quay như thế - giống hệt nhau, cho dù mọi sự phân tích trước khi bổ nhiệm đều đi đến kết luận chung là “phù hợp”? Phải chăng, tất cả vẫn chỉ là “đếm cua trong lỗ”, cho đến khi thực tế chỉ ra điều ngược lại? Nếu vậy, “sự phù hợp” mang tên Ten Hag đương nhiên không có sự đảm bảo nào cả.
Một mình Ten Hag có đủ để xoay vần?
Trở lại với câu hỏi cho huấn luyện viên người Hà Lan, nếu không muốn diễn đạt theo kiểu tàn nhẫn như trên, hãy hỏi rằng, sự kiên nhẫn nào dành cho ông? Đến đây, đi tìm sự kiên nhẫn có lẽ dễ dàng hơn là hỏi về thời gian cụ thể dành cho chiến lược gia 52 tuổi.

Nó sẽ dẫn các nhà phân tích đến việc giải quyết yếu tố cốt lõi là liệu huấn luyện viên có phải là vấn đề của Man United hay không? Nếu vấn đề là huấn luyện viên, vì sao Moyes lại đang có thành công nhất định với West Ham? Nếu là huấn luyện viên, Mourinho mang về danh hiệu như Manucians mong muốn nhưng vẫn phải ra đi cay đắng? Solsa được ban lãnh đạo yêu quý như thế mà cũng không thể đưa đội bóng trở lại quỹ đạo?
Nếu vấn đề là huấn luyện viên, Ten Hag có thể thành công ở Ajax Amsterdam nhưng người ta vẫn nhắc nhớ rằng, giải vô địch quốc gia Hà Lan chỉ đứng thứ 7 tại Châu Âu, mức độ khốc liệt thua xa Premier League. Và đương nhiên, Ajax không chịu sự cạnh tranh khủng khiếp như Man United.

Chưa kể Ajax có lò đào tạo trẻ xuất sắc và đặt niềm tin vào những sản phẩm mình tạo ra, cho phép Ten Hag duy trì tính liên tục của đội bóng. Man United thì khác, nhiều ngôi sao, nhiều cá tính, nhiều sự cạnh tranh và nhiều cả sự giận dỗi nữa… Ten Hag được nhìn nhận là người theo trường phái kỷ luật, nhưng nói cho cùng, nếu câu chuyện chỉ là ông phải thích nghi với câu lạc bộ hoặc câu lạc bộ phải thích nghi với ông, kết cục sẽ không khác những người tiền nhiệm.
9 năm, Man United đã thay đủ kiểu huấn luyện viên, theo đủ kiểu phong cách. Nên rõ ràng, khi mẫu số chung là thất bại thì cần phải nhìn lại. Thay đổi đội bóng cần sự tổng thể từ trên xuống dưới. Ban lãnh đạo nên hướng vấn đề thể thao làm chủ đạo, huấn luyện viên mang theo một phần mới mẻ đến phong cách truyền thống của đội, các cầu thủ biết mình cần gì nhưng cũng cần hiểu ai là ông chủ, trong khi người hâm mộ không thể quá cầu toàn với đòi hỏi bộ mặt đội bóng thay đổi chỉ sau một đêm…

Cố gắng một chút, hy sinh, hạ mình một chút, nín nhịn, kiên nhẫn một chút… đó là tất cả những gì một đội bóng cần mỗi khi rơi vào cuộc bể dâu… Ten Hag sẽ không thể là con tạo xoay vần ở Old Trafford. Một mình ông không thể làm được gì cả!