Manchester United mới thất bại trên sân khách tại Champions League, tuy nhiên, tỷ số 1-2 trước Istanbul Basaksehir lại không phải là điều quan trọng nhất bởi chưa đẩy Quỷ đỏ vào tình thế hiểm nguy. Hàng phòng ngự là điểm đáng chê trách nhất ở trận đấu tại Thổ Nhĩ Kỳ nhưng ai cũng biết, đó đã là vấn đề quá quen thuộc. Cả chuyện Paul Pogba không còn là mình cũng vậy.
Vậy thì điều gì đang trở thành vấn đề quan trọng nhất khiến Man United rơi vào khó khăn hiện tại? Đó là huấn luyện viên Ole Gunnar Solskjaer và Bruno Fernandes, với 2 nửa của câu chuyện trái ngược.
Thăng hoa cùng sự mới mẻ
Manchester United cần một tiền vệ sáng tạo, đó là điều hiển nhiên và họ đã chọn Bruno trong kỳ chuyển nhượng mùa Đông 2020. Thật khó tin nhưng ít ai có thể dự đoán được tác động tức thì của tuyển thủ Bồ Đào Nha đối với Premier League sau khi anh đến từ Sporting Lisbon vào tháng Giêng.
Trước khi Bruno đến, Man United đứng thứ 6 trên bảng xếp hạng. Cuối mùa giải, Quỷ đỏ vươn lên thứ 3, với 14 trận bất bại.
Trong chuỗi trận đó, tiền vệ 47 triệu bảng này ghi 8 bàn và 7 lần kiến tạo. Chưa kể việc anh đưa Man United vào đến bán kết Europa League. Không có cầu thủ 26 tuổi này, Quỷ đỏ sẽ không thể hiện diện tại Champions League như lúc này và Solskjaer sẽ mất việc.
Hoàn toàn có thể hiểu vì sao huấn luyện viên người Na Uy muốn xây dựng lối chơi quanh Bruno ở mùa giải 2020-21. Hoặc cũng có thể nói, Bruno trở thành “nguồn sống” của Solsa, khi anh không chỉ là động lực giúp lối chơi trôi chảy mà còn thể hiện vai trò thủ lĩnh trên sân, điều mà Man United còn thiếu. Anh không ngại phải nói với đồng đội những điều mình nghĩ.
Rã rời với niềm tin của Solskjaer
Solskjaer nợ Bruno rất nhiều. Nhưng cũng vì “khoản nợ” đó, vì niềm tin đi vượt quá giới hạn mà trở thành một “điểm mù” đối với Solskjaer.
Mùa này, Bruno không thể lặp lại được phong độ như nửa sau mùa giải 2019-20. Anh thậm chí còn mang đến cho Man United thêm vấn đề thay vì là giải pháp cho những vấn đề cần giải quyết. Và Solskjaer vẫn tiếp tục chọn anh.
Mùa trước, khi hàng tiền vệ thiếu nhân sự, Solskjaer không có lựa chọn nào khác phải để Bruno đá mọi trận đấu. Mùa này thì khác, khi Donny van de Beek được mua về để làm tăng chiều sâu cho khu trung tuyến, giảm áp lực cho Paul Pogba và đặc biệt là Bruno.
Van de Beek được xếp đá chính lần đầu tiên ở trận Man United thắng RB Leipzig 5-0, để sau đó tiếp tục xuất phát khi đến làm khách ở Thổ Nhĩ Kỳ hôm thứ Tư vừa qua. Bruno đá bên cạnh cầu thủ trẻ người Hà Lan và gây thất vọng.
Những đường chuyền thiếu độ chính xác, để mất bóng đến 17 lần trong hiệp 1 (34 lần trong cả trận), chuyền chính xác 72% (thấp nhất trong đội), 63,5% đường chuyền chính xác ở 1/3 sân đối phương, 7/14 đường chuyền dài chính xác, 6 lần tạt bóng không thành công và không một lần tạo ra cơ hội.
Khi đến thời điểm để Solskjaer thay người, ông chọn Van de Beek, dù anh tạo ra hiệu quả nhiều hơn trong cầm bóng, mang đến cho Man United những đường chuyền đa dạng và di chuyển không bóng mà họ cần để bẻ gãy hàng thủ chủ nhà. Solskjaer không nhìn thấy điều đó.
Bruno đứng trên sân cả 90 phút, như nhiều trận đấu khác, sự mệt mỏi lộ rõ trong mọi hành động của anh. Tất nhiên, điều đó không có nghĩa là Bruno đột nhiên trở thành một cầu thủ tồi.
Vấn đề ở đây là như đã từng nói về cách Solskjaer sử dụng Pogba, huấn luyện viên 47 tuổi đã không cho Bruno cơ hội tìm lại phong độ tốt nhất khi đòi hỏi ở anh quá nhiều.
Bruno đã từng đưa Man United ra khỏi hố sâu khủng hoảng ở mùa giải trước, thế nhưng với Solskjaer quá thiếu ý tưởng, yếu đuối và sợ hãi khi mất điểm tựa, Quỷ đỏ đã lại xuống hố khi cầu thủ này cứ phải “cày cuốc” liên tục.
Chừng nào Solsa còn rơi vào “điểm mù” đó, Bruno còn mệt và Man United còn bết bát.
Thống kê của Bruno Fernandes mùa giải 2020-21
10 lần ra sân (6 tại Premier League, 3 tại Champions League, 1 tại EFL Cup), với tổng cộng 692 phút.
Ghi 4 bàn thắng (3 tại Premier League, 1 tại Champions League), kiến tạo 4 bàn.