Không biết nên nói là vui hay không vui, may hay không may, khi Cristiano Ronaldo không đá trận derby Manchester ở lượt về Premier League mùa giải này. Lượt đi, anh đá 90 phút và Manchester United thua 0-2 tại Old Trafford. Lượt về, anh vắng mặt với lý do chấn thương và Quỷ đỏ bị Manchester City đè bẹp 4-1.
Truyền thông đang đồn thổi về chuyện Ronaldo không có trong danh sách đăng ký thi đấu không phải vì chấn thương mà không hợp với triết lý của huấn luyện viên Ralf Rangnick. Việc anh lên máy bay trở về Bồ Đào Nha là một chi tiết củng cố cho nhận định đó.

Nhiều người không bị thuyết phục bởi lý do CR7 chấn thương, một trong số đó là Roy Keane. Cựu đội trưởng của Quỷ đỏ ngồi trong studio Sky Sports và nói rằng, "lý do đó không thể thuyết phục tôi" khi ông hiểu Ronaldo là người thế nào. Siêu sao người Bồ Đào Nha thường sẵn sàng làm tất cả để có mặt trong những trận đấu lớn nhất.
Nhưng dù vấn đề là gì, nó cũng không có gì khác biệt khi Man City “nhẹ nhàng bay qua” Man United ở Etihad. Diễn đạt vậy là bởi, ngay cả khi Jadon Sancho ghi bàn gỡ hòa thì đó vẫn không phải là thứ mang đến cảm giác Quỷ đỏ có thể làm nên sự khác biệt. Ngược lại, nó là điểm bắt đầu cho màn hành hạ - nếu không muốn dùng đến “sự sỉ nhục”, mà The Citizens thực hiện.
Nỗi đau của Quỷ đỏ và Manucians còn là cách các cổ động viên Man City ăn mừng bàn thắng ấn định tỉ số 4-1. Ban đầu, bàn thắng bị từ chối nhưng VAR can thiệp và chỉ ra rằng, nó hợp lệ. Thường thì khi cách biệt đã đủ lớn và chiến thắng đã được đảm bảo, những bàn thắng ghi thêm chỉ như gia vị cho món ăn ngon tuyệt. Nhưng derby Manchester thì khác, bàn cuối cùng chẳng khác gì bàn đầu tiên, trên nỗi đau của hàng xóm đáng ghét là cảm giác ngất ngây không thể diễn tả bằng lời.

Đó chính là nỗi đau mà Quỷ đỏ đang phải trải qua, khi thời gian đã thay đổi Manchester.
Bàn thắng thứ hai của Riyad Mahrez khẳng định sự thống trị của Man City và sự kém cỏi của Man United, nhưng cũng như trận lượt đi ở Old Trafford, vấn đề không nằm ở tỉ số. Ronaldo đá ở trận đấu đó nhưng anh chỉ có 1 pha dứt điểm trong thất bại được diễn giải một cách khéo léo là “chỉ thua 0-2”.
Đây là một kiểu hủy diệt khác. Một cái chết từ từ bởi hàng ngàn đường chuyền. Man United có một khoảng thời gian kiểm soát bóng, nhưng đến cuối trận, họ hầu như không thể chạm bóng, không thể làm được gì.
Trong hiệp 2, Man City dứt điểm 14 lần, Man United không. Liệu Ronaldo có tạo ra sự khác biệt? Gần như là không!
Nhiều người cho rằng, chính Ronaldo đã kìm hãm United ở mùa giải này. Ở tuổi 37, ngay cả khi giữ được thể trạng, anh cũng không đủ thể lực để theo kịp cường độ thi đấu của các đội bóng hàng đầu tại Premier League.
Nếu Ole Gunnar Solskjaer sẵn sàng mê đắm Ronaldo nhờ khả năng siêu phàm của anh thì Ralf Rangnick lại không. Ông không ngại gạt anh khỏi đội hình xuất phát, chẳng hạn như trận gặp Burnley hồi tháng trước, hoặc rút anh ra sân sớm, như đã làm trong trận thắng Brentford.
Nhưng dù Ronaldo có thi đấu hay không, Man United vẫn trông giống như một đội bóng thiếu ý tưởng và thiếu chất lượng, mặc dù có hóa đơn tiền lương cao nhất đất nước.
Rồi sẽ còn những gì nữa thì chưa biết, nhưng mây mù sẽ không sớm tan trên bầu trời Old Trafford.