Mọi chuyện đang tạm lắng xuống trước thời điểm buổi phỏng vấn tập 1 được tung ra trên Talk TV giữa Ronaldo và Piers Morgan. Trên thực tế, những gì được coi là sốc nhất đã gói gọn trong vài phút của đoạn video được rò rỉ ra trước nhằm tạo hiệu ứng truyền thông. Lúc này, đội ngũ lãnh đạo của Man United và Erik ten Hag đang họp bàn tìm cách giải quyết vụ của CR7.
Manchester United đang cân nhắc những lựa chọn để có thể thanh lý sớm hợp đồng với Ronaldo. Khổ ở chỗ, siêu sao 37 tuổi đang được gắn hình ảnh với rất nhiều nhãn hàng tài trợ cho đội chủ sân Old Trafford. Giải tán hợp đồng với Ronaldo lúc này đồng nghĩa việc M.U sẽ phải bồi thường rất lớn cho những đơn vị đó. Hè vừa qua, khi CR7 không tham gia du đấu cùng đội bóng, một làn sóng phẫn nộ đã đến từ các cổ động viên vì họ cho rằng M.U đã dối trá.
M.U phải cân nhắc xem mức độ vi phạm hợp đồng của Ronaldo lớn đến đâu. Tại Premier League, các cầu thủ đều được ký hợp đồng lao động với chính câu lạc bộ chủ quản. Trong đó, luôn xuất hiện điều khoản "phải tuân thủ theo các hành động hợp pháp của các cơ quan có thẩm quyền tại đội bóng" và "không được phép viết hoặc nói những gì gây tổn hại, khiến câu lạc bộ bị mang tiếng hoặc thiệt hại về mặt hình ảnh".
"Hợp đồng không cấm các cầu thủ thực hiện những buổi phỏng vấn nhưng bắt buộc họ phải nói trước với câu lạc bộ và đảm bảo mọi điều khoản trước khi tham gia. Đây là nguyên tắc tiêu chuẩn trong mỗi bản hợp đồng cầu thủ ở Premier League. Khi ký với M.U, Ronaldo phải đồng ý với chuyện này.
Không chỉ vậy, hợp đồng còn đi kèm rất nhiều điều khoản khác như đảm bảo sự trung thành, tuân thủ các điều khoản liên quan đến pháp lý. Việc Ronaldo vi phạm đến đâu còn đang được xem xét nhưng anh ấy đã không tôn trọng cam kết khi cáo buộc Man United phản bội và khiến cho đội bóng này bị tổn hại nghiêm trọng về hình ảnh cũng như lợi ích.
Lúc này, cần xét xem mức độ vi phạm của Ronaldo đến đâu, chỉ ở mức bình thường hay đến mức phải buộc chấm dứt hợp đồng. Sẽ rất khó vào thời điểm này khi những gì tất cả được nghe chỉ là những trích đoạn không đầy đủ ngữ cảnh. Phía M.U cần nghe đầy đủ rồi mới tính được các bước hợp lý để giải quyết", Jamie Singer - chuyên gia luật thể thao tại Onside Law cho biết.
Trong quá khứ, từng có 2 cầu thủ chơi tại Premier League bị chấm dứt hợp đồng là Jimmy Bullard (Hull City) và Nicolas Anelka (West Bromwich Albion). Bullard sau khi vướng vào sự cố ở chuyến du đấu Slovenia đã bị thanh lý vào tháng 8.2011 khi hợp đồng còn thời hạn đến hết mùa giải 2012-2013. Lý do là gì đến nay vẫn được giữ bí mật. Khi đôi bên nhất trí, họ đã ngồi lại với nhau và đảm bảo không tiết lộ nguyên nhân và cách thanh lý hợp đồng.
Vụ của Anelka được công khai nhiều hơn. Năm 2014, tiền đạo người Pháp bị West Brom thanh lý vì đã viết trên Twitter rằng, anh sẽ chấm dứt hợp đồng với đội bóng này sớm khi đôi bên còn 3 tháng rưỡi giao kèo. Trước đó, Anelka bị FA treo giò 5 trận và phạt 80.000 bảng. Chỉ 3 giờ sau dòng tweet của Anelka, West Brom gửi thư cho tiền đạo này với nội dung bắt đầu quá trình thanh lý hợp đồng trong 14 ngày theo đúng quy định của pháp luật.
Jamie Singer cho hay, Man United hãy bình tình, nghe hết toàn bộ chương trình giữa Ronaldo và Piers Morgan rồi làm theo từng bước để thanh lý chứ không nên nóng vội. Nếu không, trong tình huống xấu, M.U có thể bị phía Ronaldo kiện ngược lên ban tổ chức Premier League.
Simon Leaf - luật sư chuyên về thể thao cho hay, cách tốt nhất Man United nên làm là giải quyết chuyện của Ronaldo một cách kín đáo, tránh để truyền thông soi mói. Làm vậy, chính đội chủ sân Old Trafford cũng đỡ xấu mặt hơn khi trong nội tình lại có một cầu thủ làm loạn như vậy.
Nên nhớ, khi Ronaldo "nói xấu" M.U trên sóng, những chia sẻ của CR7 có thể đúng ở nhiều góc cạnh nên đội bóng khó lòng quy chụp siêu sao người Bồ Đào Nha tội bịa đặt. Nếu không may M.U không thực hiện được đầy đủ cam kết với Ronaldo (như chuyện nâng cấp cơ sở hạ tầng), họ có thể ở thế yếu trước tòa so với CR7.