European Super League "dằn mặt" UEFA, FIFA
"Chúng tôi có những lo ngại FIFA và UEFA sẽ đáp trả thư mời bằng các biện pháp trừng phạt nhằm loại bỏ các câu lạc bộ hay các cầu thủ ủng hộ ESL ra khỏi các giải đấu họ tham dự.
Thông báo chính thức của FIFA và UEFA buộc chúng tôi thực hiện biện pháp bảo vệ bản thân trước phản ứng bất lợi. Bởi điều này không chỉ nguy hại cho cam kết tài trợ mà còn bất hợp pháp. Do đó, công ty Super League (SLCo) đã đệ đơn trình tòa án bảo hộ để đảm bảo giải đấu sẽ được thành lập và hoạt động liền mạch theo luật hiện hành", AP trích lá thư Super League gửi đến Chủ tịch FIFA Gianni Infantino và Chủ tịch UEFA Aleksander Ceferin.
Thực tế, thái độ của ban lãnh đạo Super League đối với các cơ quan quyền lực nhất của bóng đá Châu Âu khá khôn ngoan. Đó là hành động "vừa đấm, vừa xoa". Trong thư gửi nêu rõ, nhiệm vụ của ban lãnh đạo SLCo là phải bảo vệ lợi ích của giải đấu cũng như các bên liên quan, bởi những thiệt hại nếu dự án tan vỡ gần như không thể khắc phục.
Điều đó có nghĩa, họ khẳng định với FIFA và UEFA, ESL hình thành là điều bắt buộc, không có bất cứ một sự lựa chọn nào khác. Trong các trường hợp căng thẳng lên cao, SLCo sẵn sàng nhảy vào cuộc đấu pháp lý với các cơ quan quyền lực.
Những người trở mặt vì lợi ích
Người đứng đầu SLCo là "bố già" Florentino Perez, quyền lợi trong giới bóng đá không cần bàn cãi. Các Phó chủ tịch như John W. Henry, Joel Glazer, Stan Kroenke, Andrea Agnelli đều là "đại bàng", sở hữu các đội bóng lớn, nhưng hãy để ý đến vị thế của Agnelli.
Người đứng đầu Juventus là tài phiệt của gia tộc sản xuất siêu xe Fiat, được mệnh danh như "Hoàng gia Italia". Mối quan hệ của ông đối với quan chức UEFA mật thiết đến mức, Agnelli chính là nguyên Chủ tịch hiệp hội câu lạc bộ Châu Âu (ECA), và chỉ vừa từ chức chưa đầy 24 tiếng.
Đến trước khi lộ tin ngồi vào ghế Phó chủ tịch SLCo, Agnelli vẫn được xem là đồng minh thân thiết của chủ tịch UEFA Aleksander Ceferin. Trích lời Daily Mail: "Ceferin đã rất tức giận vì sự phản bội của Agnelli".
Phải có lợi ích lớn đến mức nào, Juventus và Andrea Agnelli mới sẵn sàng từ bỏ mối quan hệ truyền thống? Và mô hình chia sẻ kinh tế hay cách ăn chia tài chính của Super League ngày càng rõ, giải thích được điều này.
Ngoài khoảng tiền tươi hàng tỷ bảng được chia, 15 câu lạc bộ sáng lập ESL sẽ nhận về 32.5% tổng thu nhập mỗi năm. 32.5% tiếp theo chia đều cho tổng 20 đội bóng tham dự giải, 20% tiếp theo phân chia theo thành tích thi đấu. Và 15% cuối cùng được phân bổ theo danh tiếng của các câu lạc bộ. Juventus với vị thế của mình, chắc chắn luôn đứng trong Top đầu. Nguồn thu quá lớn, đủ để dứt đi cơ số mối quan hệ.
Nhìn kiểu ăn chia không cần chờ phân phối ấy, người cũng hiểu tại sao Atletico Madrid và Barcelona từ chỗ đứng về phía Liên đoàn bóng đá Tây Ban Nha, giờ cũng thay đổi và nhập hội ESL.
Ai mới bên "fair play"?
FIFA luôn nêu cao lá cờ "fair play" trước mỗi trận đấu. Tạm dịch là phải chơi đẹp, vậy bên trong cuộc chiến lợi ích này, ai đã "fair play" hơn?
Trong lá thư của Super League gửi FIFA và UEFA có đoạn, giải đấu mới tổ chức đồng thời với các giải quốc nội, đi song song với những đấu trường quan trọng trong cơ cấu của bóng đá Châu Âu: "Chúng tôi không muốn thay thế Champions League hay Europa League, mà chỉ muốn cạnh tranh và tồn tại đồng thời".
Đó là thiện chí cạnh tranh công bằng đến từ SLCo, nhưng UEFA và FIFA lại muốn giữ thế "độc quyền", thậm chí dọa nạt "xóa sổ" các đội bóng và cầu thủ. Suy cho cùng, ai cũng muốn có lợi ích và các cơ quan quyền lực của bóng đá thế giới lại đang sợ đi quyền lợi sẵn có.
Ở điểm này, khó để biện minh cho FIFA. Và chính Liên đoàn bóng đá thế giới cũng nên cẩn trọng, khi chiêu bài "cấm đá World Cup" cũng không đủ dọa nạt "bố già" Perez. Chủ tịch SLCo tuyên bố, sẵn sàng lập thêm một giải đấu khác cạnh tranh với World Cup, nếu FIFA tiếp tục ngăn cấm.
Trận chiến này sẽ còn dai dẳng, bởi bất cứ điều gì liên quan đến lợi ích đều rất phức tạp. Và suy cho cùng, FIFA và UEFA chưa chắc đã sáng suốt hơn ban lãnh đạo European Super League.