Từ lá cờ đầu trở thành “sân sau”
Họ từng là đội bóng Đức đầu tiên vô địch Champions League. Họ từng là sự ngưỡng mộ của Bundesliga. Họ cũng từng là đội giàu thứ 2 tại Đức, thứ 12 trên thế giới. Họ có một hệ thống đào tạo, phát triển cầu thủ trẻ mà rất nhiều đội bóng khác muốn đi theo… Nhưng kể từ năm 2012 đến giờ, Borussia Dortmund mới mang về thêm cho phòng truyền thống 4 chiếc cúp nữa, mà 3 trong đó vốn là “không quá quan trọng” (Siêu Cúp Đức).
Còn lại là giải đấu “quan trọng hơn một chút” – Cúp Quốc gia Đức năm 2017. Lần gần đây nhất Dortmund vô địch Bundesliga là 2012. Lần gần nhất đội bóng vùng Ruhr vào đến chung kết Champions League là 2013.
Mất công liệt kê ra đây những thành tích này chỉ để vớt vát chút hào quang mà cổ động viên đội bóng Vàng-Đen đã lâu rồi không được thấy. Còn trên thực tế, dường như đã từ lâu, đội chủ sân Signal Iduna Park chấp nhận thực tế rằng, họ không thể đuổi kịp Bayern Munich.
Thậm chí, tệ hơn, họ còn trở thành “sân sau”, cung cấp cho Hùm xám xứ Bavaria những nhân tố tốt nhất để Bundesliga nở mày, nở mặt tại sân chơi cấp châu lục.
Một đội bóng “không chịu lớn”
Mãi rồi thành quen, nhưng sức chịu đựng có giới hạn. Hôm thứ Sáu (22.1), Dortmund đến làm khách trên sân Monchengladbach và dẫn đội chủ nhà 2-1 sau 28 phút thi đấu. Hết trận, Dortmund thua 2-4.
Với những cái nhăn mặt đầy khó chịu, Marco Reus nói: “Luôn là những sai lầm giống nhau mà chúng tôi phạm phải”. Nếu dừng lại ở đó, người ta hiểu anh nói về trận đấu. Nhưng khi tiền vệ đội trưởng này thậm chí còn dùng đến cách diễn đạt “nó hoàn toàn bốc mùi”, anh còn bắn mũi tên đi xa hơn thế. Nhắm vào chiến lược của đội bóng.
Tháng 1.2012, sau thời gian khoác áo Monchengladbach (từ 2009), Reus trở lại Dortmund – đội bóng anh đã theo học từ năm 7 tuổi. Lúc này, Reus đã 31 tuổi, Dortmund vẫn là tình yêu lớn nhất của anh. Tiền và sức mạnh của Bayern không bao giờ bẻ gãy được mối liên hệ Reus-Dortmund.
Reus đã cùng Dortmund cảm nhận vinh quang, chứng kiến những nỗi thất vọng, hiểu cả chuyện Dortmund được khen ngợi thế nào về chiến lược phát triển cầu thủ trẻ kể từ khi Michael Zorc làm Giám đốc bóng đá. Zorc là người hiểu rõ câu chuyện đội bóng cần sức mạnh tài chính ra sao sau khi chứng kiến Dortmund suýt bị phá sản vào mùa Đông của mùa giải 2005-05.
Dortmund lúc này có hàng công trẻ xuất sắc bậc nhất Châu Âu, với Erling Haaland, Jadon Sancho, Giovanni Reyna hay Youssoufa Moukoko, cầu thủ mới 16 tuổi. Dortmund một niềm tin lớn lao dành cho các cầu thủ trẻ và đó là yếu tố để họ thuyết giáo, thu phục tài năng khắp thế giới.
Sancho như một tia chớp trong năm 2019, Haaland bùng nổ trong năm 2020, Reyna, Moukoko đã lên bàn đạp cho năm nay… Nhưng, đúng như giới chuyên môn nói, các cầu thủ trẻ chỉ nên coi Dortmund là bệ phóng, còn muốn danh hiệu, họ phải tới những gã khổng lồ khác.
Giới hạn của sự chịu đựng
Vì yêu, Reus đã hy vọng rằng bên cạnh chiến lược dành cho tài năng trẻ, Dortmund quan tâm hơn đến những ngôi sao đã thành danh để kết hợp tạo thành tập thể đủ mạnh. Nhưng cuối cùng, dường như anh đã chán ngấy với đường hướng của đội và càng hiểu rõ hơn lý do Jurgen Klopp chia tay năm 2015 dù đã mang đến một trong những giai đoạn thành công nhất trong lịch sử câu lạc bộ.
Klopp thất vọng về chuyện Mario Gotze và Robert Lewandowski chuyển sang “cừu thù” Bayern. Sau này còn có Matt Hummels, cầu thủ giờ đã quay lại với màu áo vàng.
“Khôn đâu đến trẻ, khoẻ đâu đến già”, câu nói này thực sự hợp với Dortmund. Với sức trẻ, họ thường “phả hơi nóng vào gáy Bayern” trong giai đoạn đầu mùa, nhưng ở thời điểm kinh nghiệm, tuổi trẻ dễ rơi vào sai lầm.
Đó là lý do Dortmund phải chứng kiến Bayern 8 năm liên tiếp vô địch Bundesliga, trong đó có 5 lần họ là á quân.
Và chừng nào đội còn “chưa muốn lớn”, Reus sẽ còn nhiều lần nhăn mặt nữa!